Suy cho cùng, việc dọn rác hay rửa vài cái ly không quá nặng nhọc, có lẽ ta cảm thấy vui vẻ hay khó chịu đều phụ thuộc vào sự yêu thích với công việc. Nếu thích thì sẽ thấy mọi người cùng nhau giữ vệ sinh chung như một gia đình, nếu ghét sẽ thấy mình đang bị bóc lột sức lao động phải không?
Sau những chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cuộc sống đã dần trở lại guồng quay, dân công sở cũng trở lại văn phòng thay vì làm việc từ xa như trước. Doanh thu bị ảnh hưởng, các công ty khó tránh được việc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương trong thời gian vừa qua. Nhiều người rỉ tai nhau, dù lương thấp lương cao, được đi làm lại đã là một hạnh phúc.
Chàng trai có tên H.M trong những dòng tâm sự chia sẻ trên hội nhóm dân công sở thì công việc không bị ảnh hưởng nhiều song lại mang trong mình nỗi băn khoăn khi phải làm nhiều việc bị cho là "không liên quan". Anh kể mình sau giờ làm phải đi quét nhà, lau nhà, cọ toilet và đi đổ rác ở công ty.
Những tưởng chia sẻ sẽ nhận được nhiều thông cảm rồi cùng "hùa" vào nói xấu công ty đó song những bình luận lại hoàn toàn ngược lại. Đa phần đều cho rằng điều này phụ thuộc vào quy mô công ty và việc nhân viên cùng chung tay dọn dẹp là điều hết sức bình thường với các công ty gia đình hay quy mô nhỏ.
Chàng trai chia sẻ về việc mình đi làm nhưng phải dọn dẹp văn phòng sau giờ tan sở. Ảnh minh hoạ.
"Chuyện bình thường nếu công ty nhỏ mà bạn. Quan trọng là không bắt ép và cả công ty đều coi đó là việc cần làm".
"Nghe bạn nói vậy chắc là mới đi làm rồi. Còn trẻ mà đã suy nghĩ vậy là không ổn đâu. Đừng so đo tính toán hay nghĩ rằng người như mình phải làm công việc này kia cao siêu. Ở công ty mình đây, quy mô 30-40 người, thu nhập cũng khá nhé nhưng mọi người vẫn chia nhau dọn dẹp bình thường. Khi bạn coi công ty như gia đình thì sẽ thấy điều này hết sức bình thường".
"Tùy thuộc vào quy mô công ty. Nếu công ty nhỏ không thuê tạp vụ thì các nhân viên chia nhau dọn dẹp theo lịch, không vấn đề gì cả. Nếu nhân viên nào không chấp nhận việc đó thì nên chuyển môi trường làm việc bạn à".
"Bạn nghĩ đơn giản công ty như ngôi nhà thứ 2 của mình đi. Bạn "cắm rễ" ít nhất 8 tiếng ở đấy thì phải dọn dẹp cho nó sạch sẽ, sáng sủa. Đừng nghĩ là mình đang phải dọn cả của người khác mà chỉ đơn giản là mình đang làm cho môi trường làm việc của mình tốt hơn thì sẽ vui vẻ hơn thôi".
Đa phần các bình luận của cư dân mạng đều cho rằng điều này phụ thuộc vào quy mô và với công ty nhỏ thì việc các nhân viên chia sẻ cùng dọn dẹp là điều hết sức bình thường.
Bên cạnh đó, cũng có một số người cho rằng các công việc dọn dẹp vệ sinh công ty nên thuê người làm riêng biệt, trong đó có bình luận nhận được rất nhiều sự ủng hộ.
"Công ty chuyên nghiệp vẫn nên là có tạp vụ. Nếu bạn nào nói làm vì vui thì cũng được, còn nói đó là nhiệm vụ thì mình nghĩ các bạn đã sai và tư duy của sếp cũng nên xem lại. Tốt nhất không thấy thoải mái thì nên tìm công ty khác.
Chúng ta đi làm là bán trí tuệ chứ không phải bán sức lao động. Hồi mới ra trường, khi cô tạp vụ nghỉ, mình cũng xách ly đi rửa vì nghĩ như ở nhà nên mình làm chút xíu cũng không sao nhưng sếp mình khi đó đã không đồng ý. Sếp bảo sếp tuyển nhân viên như mình vào làm việc trí tuệ chứ không phải vào để rửa ly, các công ty khác thấy sẽ nghĩ là cấp trên lạm dụng nhân viên".
Suy cho cùng, việc dọn rác hay rửa vài cái ly không quá nặng nhọc, có lẽ ta cảm thấy vui vẻ hay khó chịu đều phụ thuộc vào sự yêu thích với công việc. Nếu thích thì sẽ thấy mọi người cùng nhau giữ vệ sinh chung như một gia đình, nếu ghét sẽ thấy mình đang bị bóc lột sức lao động phải không?
Thời gian vừa qua, các công ty không khỏi lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhìn những con số người thất nghiệp tăng chóng mặt, bạn sẽ thấy việc được đi làm, có một công việc trong lúc này đã là một hạnh phúc, một lời cảm ơn gửi đến những người lãnh đạo công ty.
Nếu công ty khó khăn, phải cắt giảm chi phí tối đa và mọi người phải chia sẻ việc dọn dẹp cùng nhau thì đừng nghĩ rằng đó là điều động chạm đến cái tôi của bạn, hãy biết rằng cấp trên đang nỗ lực để duy trì hoạt động của công ty. Ngưng than vãn, điều chúng ta cần làm trong lúc này là đồng hành cùng doanh nghiệp của mình.
Trong rủi có may, trong nguy có cơ, đây hoàn toàn có thể là lúc bạn chứng minh năng lực của mình bằng những ý tưởng sáng tạo, ngách sản phẩm khác cho công ty để phù hợp với thị trường trong lúc này. Biết thích nghi với hoàn cảnh, đó mới là người thành công.