Mẹ tái giá lấy lòng con riêng của chồng, bỏ lơ con đẻ và cái kết đau lòng

Ngày 27/11/2019 17:00 PM (GMT+7)

Sợ mang tiếng mẹ kế hà khắc con chồng, Nhàn ra sức lấy lòng, chiều chuộng chúng, cô muốn con mình cũng nhường nhịn để "gia đình hòa thuận".

Khi chồng mất vì tai nạn giao thông, bé Phương con gái Nhàn đã 10 tuổi. Cô có công việc thu nhập ổn định và cũng đủ để hai mẹ con chi tiêu. Tuy nhiên, là người ít chủ kiến, mọi việc đều nghe theo chồng nên khi anh mất, cô thấy như trời sụp đất nứt.

Cuộc sống gia đình không có người đàn ông khiến Nhàn cảm thấy mình như con thuyền chênh vênh trên biển rộng, không biết đi hướng nào. Thế rồi chỉ hai năm sau ngày chồng mất, Nhàn đã nhận lời với một người đàn ông có hai con, vợ mất do bị bệnh.

Gia đình cô kịch kiệt phản đối bởi lý do cô chỉ có một con gái mà nhà kia những hai đứa, 1 trai, 1 gái và đều đã hơn 10 tuổi, đúng giai đoạn khó quản giáo.

"Cái Phương tính nó hiền lành, mày cũng chẳng đáo để gì. Nếu bị mấy đứa con nhà ấy bắt nạt thì làm sao? Nói là anh em nhưng chẳng có quan hệ huyết thống máu mủ gì, làm sao mong chúng nó yêu thương cái Phương như em gái được. Thôi, nếu chưa gặp người phù hợp, con cố đợi thêm thời gian nữa", mẹ cô khuyên bảo.

Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can, Nhàn vẫn kiên quyết tái giá vì cho rằng tình trạng như mình khó mà tìm được người thích hợp hơn. Chồng mới của cô tuy đã có hai con lớn nhưng còn rất phong độ, ăn nói nhẹ nhàng và tỏ ra rất yêu thương con.

"Con nghĩ rằng mình cứ đối xử tốt với con chồng thì chồng sẽ yêu quý, nể trọng và cũng đối tốt với con mình. Có một gia đình đầy đủ cha mẹ, anh chị cũng tốt hơn cho cái Phương. Có việc gì cũng có người giúp đỡ còn hơn là hai mẹ con lủi thủi với nhau, nhà không có người đàn ông, bị bắt nạt cũng chẳng ai bênh", Nhàn lý luận.

Từ sau khi kết hôn, cuộc sống của cô bận rộn hơn vì phải chăm sóc cả gia đình 5 người. Trước đây, nhà chỉ có 3 người, chồng trước lại là người chu đáo, thường xuyên phụ giúp vợ chăm con, làm việc nhà nhưng chồng mới lại không phải.

Với tư tưởng chuyện nhà cửa, bếp núc là của phụ nữ, bản thân cũng là người bận rộn nên đi làm về Thành, chồng mới của Nhàn chỉ xem tivi, đọc tài liệu hoặc gọi điện thoại bàn công việc với đồng nghiệp. Lấy vợ mới, có người chăm lo việc nhà nên anh hoàn toàn phó thác việc này cho cô.

Chồng Nhàn nói với vợ: "Anh thấy mình cứ làm theo kiểu 'Nam chủ ngoại, nữ chủ nội', mọi việc trong nhà em cứ quyết, việc bên ngoài để anh lo là được. Có em chăm sóc gia đình và các con, anh rất yên tâm đi làm, phấn đấu sự nghiệp".

"Được lời như cởi tấm lòng", Nhàn nghe chồng nói vậy cảm thấy rất vừa lòng, càng ra sức chăm lo việc nhà, chăm sóc hai con của chồng.

"Phải có tin tưởng mấy thì anh ấy mới để mình làm thế. Tôi thấy nhiều nhà "rổ rá cạp lại", nhà chồng nghi kị, soi xét vợ kế từng lí từng tí, lúc nào cũng sợ cô ta bất công, khắt khe con riêng của chồng. Mấy ai được như chồng tôi, buông tay mặc kệ mọi việc", cô thường tự hào kể cho mọi người như vậy.

Hậu quả là nhiều khi Nhàn thấy mệt mỏi quá mức. Cô lại sợ mang tiếng khắt khe con chồng nên chẳng dám sai sử chúng làm gì. Suốt ngày chỉ biết "ăn ngon, uống tốt" hầu hạ một nhà già trẻ.

Cô thường bảo bé Phương: "Hai anh chị ấy mất mẹ sớm, tội nghiệp lắm con. Con còn có mẹ chăm sóc nên nếu có gì quá đáng, con nhịn chút, đừng tranh cãi, có gì cứ nói với mẹ. Dần dần, anh chị ấy sẽ hiều và yêu quý con. Giữ nhà cửa yên ấm, chú Thành cũng càng đối xử tốt với hai mẹ con mình".

Tuy nhiên, hai con của Thành thì không có cùng suy nghĩ như vậy. Mỗi lần Nhàn định bắt chuyện là chúng lại dùng ánh mắt gườm gườm ném về phía mẹ kế. Không biết nghe ai nói gì mà chúng cho rằng Nhàn lấy Thành vì nhìn trúng tài sản nhà mình, muốn lấy đi để cho con đẻ.

Trong mắt hai đứa con riêng, mẹ kế mới đầu chiều chuộng lấy lòng chúng thực chất là để đánh lạc hướng, chờ mấy bố con thả lỏng, mất cảnh giác sẽ tìm cách chiếm đoạt tài sản nhà chồng làm của riêng, lúc đó sẽ mang con riêng của mình "cao chạy xa bay".

Mẹ tái giá lấy lòng con riêng của chồng, bỏ lơ con đẻ và cái kết đau lòng - 1

Việc Nhàn ra sức lấy lòng các con riêng, bỏ bê con đẻ khiến bé Phương bị tổn thương sâu sắc. Ảnh minh họa

Mang suy nghĩ như vậy nên với hành động thiện chí của Nhàn, chúng không hề để ý. Thằng anh lớn năm nay đã học cấp 3, còn biết thu liễm một chút, chứ đứa em gái đang học cấp hai thì bày tỏ không hợp tác ra mặt.

Việc gì Nhàn làm, chúng cũng bới móc, tỏ vẻ không vừa lòng, đối với sự lấy lòng của mẹ kế không cảm xúc, nhiều lúc còn chống đối ra mặt.

Nhàn nhiều lúc cũng tủi thân nhưng cô không biết rằng con mình còn khó chịu hơn nhiều. Mới đầu, nghe mẹ nói, Phương cũng tin và cố gắng ngoan ngoãn để hòa nhập được với gia đình mới. Là đứa con ngoan, tính tình lại nhu mì nên cô bé rất thương mẹ, không muốn mẹ khó xử với gia đình chồng mới.

Tuy nhiên, cô bé dần nhận ra, mình không chỉ mất cha mà sau khi mẹ tái giá, cô bé còn mất đi cả mẹ đẻ.

Nói vậy là vì Thành tuy không mắng mỏ hay khắt khe gì con gái riêng của vợ nhưng anh cũng chẳng quan tâm. Anh nghĩ, dù gì cũng là con mình đẻ ra, không cần biết ngoài mặt nói thế nào, chắc chắn Nhàn cũng sẽ thiên vị con riêng của mình. Chỉ cần không quá đáng, anh cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.

Hai "anh chị" lớn trong nhà càng chướng mắt bé Phương, ghét bỏ bà mẹ kế theo chúng là "nham hiểm độc ác". Bị bắt nạt, ghẻ lạnh, Phương chỉ còn biết kể với Nhàn.

"Con nói chuyện đều thưa gửi đàng hoàng nhưng anh chị ấy toàn nói trống không với mẹ. Đến bữa ăn thì chê cơm mẹ nấu không ngon, thấy con ăn lại lườm nói con như đứa chết đói. Con cãi lại thì chị ấy giật tóc con nói con là "đồ phá đám, cút về nhà mày đi", con bé thút thít kể với mẹ.

Tuy nhiên lần nào bé cũng chỉ nhận được tiếng thở dài cùng lời khuyên nhẫn nhịn từ mẹ mình.

Chưa hết, việc nhà bận rộn làm không hết, Nhàn quay ra bảo con gái hỗ trợ thế nhưng chẳng dám nói hai đứa con chồn. Thế là ngoài việc đi học, Phương lại còn giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, phụ giúp mẹ nấu ăn...

Những khi bố dượng có nhà, nhìn cảnh hai anh chị lớn quấn lấy bố cười đùa, làm nũng, mẹ mình thì bận rộn trước sau bưng nước gọt hoa quả, đầy mặt tươi cười nói hùa theo khiến bé Phương có cảm giác như mình mới là người lạ duy nhất trong ngôi nhà này. 

Trong khi Nhàn vẫn cứ hy vọng "mưa dầm thấm lâu" để cảm hóa hai đứa con chồng thì bé Phương đã "đầu hàng". Một hôm cuối tuần bé yêu cầu mẹ đưa về bà ngoại chơi rồi ở lỳ luôn tại đó, không chịu về nhà.

Nhàn sốt ruột lắm, lo về muộn không ai nấu cơm cho gia đình, thấy dỗ con gái không được, chị cũng đành phải về trước. Nghĩ con gái giận dỗi mấy hôm rồi sẽ nguôi ngoai nên Nhàn cũng không lo lắng.

Ai dè đã vài hôm mà con bé vẫn không chịu về nhà. Sợ con nghỉ học lâu ảnh hưởng đến việc học, Nhàn lại đến để đón con.

Khác với mọi lần khi đến chơi được mẹ chào đón, bà ngoại bé Phương lần này đón con gái với thái độ nghiêm khắc hơn hẳn. Bà bảo, bà đã nghe bé Phương khóc kể chuyện ở nhà mới, biết Nhàn vì các con chồng mà bỏ bê con gái mình.

"Người đời có câu 'mấy đời bánh đúc có xương', dù con có làm tốt đến mấy, người ta cũng khó mà tin con thật lòng với con chồng được. Làm mẹ kế xưa nay rất khó. Nếu nghiêm khắc dạy dỗ sẽ bị kêu là khắt khe còn lấy lòng thì nó sẽ biết lợi dụng để đòi hỏi, yêu sách hoặc nói là cố tình chiều hư và cuối cùng sẽ phá vỡ mối quan hệ mẹ kế - con chồng.

Nếu con bận chăm sóc con chồng, không có thời gian chăm con mình thì để nó ở đây cho mẹ. Trường học cũng chuyển về đây, hàng tháng con gửi tiền sinh hoạt rồi cứ việc bận rộn việc mình đi. Hy vọng sau này các con chồng con sẽ yêu quý con", mẹ Nhàn thấm thía nói.

Chuyện vợ chồng rổ rá cạp lại chưa bao giờ là việc dễ dàng. Tình trạng "con anh, con tôi rồi con chúng ta" càng khiến những người trong cuộc đau đầu. Nếu bạn không chắc chắn mình có thể xử lý tốt trong hoàn cảnh này, vậy thì càng không nên vội vàng bước vào cuộc sống hôn nhân lần nữa.

Mẹ chồng nằng nặc đòi tái hôn với trai trẻ 30, tôi đánh rơi cả mâm bát khi nhận ra là...
Tôi bố trí một hôm để mẹ dẫn bạn trai về ra mắt. Tôi nghĩ nếu người đàn ông đó đủ tốt, tôi sẽ cố gắng thuyết phục dần dần thế nhưng không. Ngay khi...
Theo Minh Khôi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự