Tôi trố mắt ra vì không hiểu mình đã tiêu những gì mà có thể hết 50 triệu đó được. Thấy tôi thắc mắc không tin, vợ liền mở cuốn sổ đã được ghi chép đầy đủ ra. Nhìn những khoản chi tiêu từ biếu Tết hai bên nội ngoại, Tết sếp, tiền sắm sửa Tết rồi tiền mừng tuổi... tôi tá hỏa không nói thành lời.
Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là Tết Nguyên đán năm Canh Tý đến rồi, vợ chồng tôi cũng như những gia đình khác đang "vắt chân lên cổ" để chuẩn bị cho một cái Tết sung túc. Ngày đi làm rồi tối về lại tranh thủ mua sắm Tết, dọn dẹp trước nhà cửa. Là đàn ông, chỉ gọi là giúp vợ dọn dẹp chút sơ sơ thôi mà tôi đã thấy oải lắm rồi. Thế mới thấy các chị em vất vả thế nào.
Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tôi giao hết việc lên kế hoạch Tết cho vợ. Đúng là đàn ông hay sĩ, hành động mà không suy nghĩ được nhiều. Bình thường nghe các chị em nói vậy tôi thấy vô lý lắm vì mình cũng biết tính toán mà. Thế nhưng sau dịp Tết năm ngoái, tôi mới thấy đúng là tay hòm chìa khóa chỉ có các chị em.
Ảnh minh họa.
Chuyện là Tết năm ngoái, tôi gọi là có chút thăng tiến, lên trưởng nhóm nên khoản thưởng Tết cũng "thơm" hơn mọi năm. Tôi được hơn 40 triệu thường Tết, cộng thê tiền thưởng của vợ vậy là cũng hơn 50 triệu. Từ ngày hai vợ chồng lấy nhau, đây là năm Tết chúng tôi được "tươm" nhất nên tôi nghĩ mình cứ xởi lởi trời cho, ngần ấy tiền chẳng lẽ lại chi li vài đồng bạc.
Bắt đầu từ chuyện biếu Tết hai bên nội, ngoại, tôi mạnh mẽ bảo vợ để phong bì mừng mỗi bên 10 triệu đồng, bên nội thì sắm sửa thịt thà rồi quà Tết tươm tất hơn một chút vì dù sao tôi cũng là con cả. Bố mẹ ở quê cả năm mới có vài dịp gặp con cháu, nay vợ chồng được thưởng Tết ấm như vậy, chẳng lẽ tôi lại không biếu bố mẹ được nhiều một chút. Vợ tôi ngập ngừng chút rồi cũng đồng ý làm theo.
Vì đã có nhà riêng ở Hà Nội nên dù về quê ăn Tết hai bên nội ngoại song tôi vẫn dặn vợ chuẩn bị thật tươm tất Tết ở thành phố. Cô ấy có vẻ không đồng ý vì nói mình không ở nhà mấy, chuẩn bị mâm cúng giao thừa thành tâm là được, không cần quá cầu kỳ. Tôi thì nghĩ thế này, các cụ phù hộ cho mình thăng tiến, vận trình hanh thông, chẳng lẽ cả năm có ngày Tết mà lại tiết kiệm những khoản đấy. Vậy là tôi nói vợ chớ chi li, cứ sắm sửa mạnh tay đi, tiền hết rồi lại kiếm tiếp.
Trong năm được các sếp cất nhắc nên tôi nào dám quên ơn. Biết sếp trưởng của mình thích rượu còn sếp phó lại chỉ thích tranh, tôi dò la khắp nơi để xem đâu có rượu chuẩn nhất, tranh hợp phong cách của sếp. Riêng khoản này vợ tôi chắc là cũng tiếc tiền nhưng không dám ý kiến gì vì đây là chuyện công việc. Cô ấy còn chủ động hỏi han tôi xem các sếp có thích các món ăn sạch ở quê mang lên không để nhờ bố mẹ gửi. Phần vì mang đi lại không tiện, phần vì cũng phiền nhiều người nên tôi chọn cách chỉ biếu rượu với tranh thôi cho tiện. Vậy là coi như xong xuôi phần trước Tết.
Mấy ngày Tết được nghỉ, vợ chồng tôi chia lịch để về quê nội, quê ngoại cho đều rồi lên thành phố. Từ một lần nghe các chị em ở công ty than thở về việc từ ngày lấy chồng không được ăn Tết với nhà ngoại bao giờ, tôi luôn cố gắng sắp xếp sao để mỗi Tết gia đình đều được về với cả ông bà nội và ông bà ngoại. Nhìn vợ rồi gia đình vợ vui mừng, tôi cũng vui lây vì dù sao cũng làm được chút gì đó cho vợ.
Nhân một cái Tết "ấm", tôi cũng mạnh dạn với các khoản lì xì đầu năm. Chẳng mấy khi trai cả rồi rể về nhà, tiếc gì mấy đồng mà không mừng tươm một chút. Ngoài khoản biếu Tết bố mẹ, tôi mừng tuổi mỗi người 1 triệu đồng, các chú bác trong nhà thì 500 nghìn đồng còn các cháu thì 100 nghìn hết. Vợ tôi thấy chồng lấy xấp tiền ra phát thì mặt mày lo lắng rồi bảo sao chồng lại phóng tay thế. Thưởng Tết được cả 5 chục triệu cơ mà, chẳng lẽ tôi lại không làm được mấy điều này.
Trẻ con trong nhà thấy tờ tiền xanh thì phấn khởi lắm, trẻ con hàng xóm không biết nghe ai kháo cũng kéo đến. Ngày Tết ngày nhất, chẳng lẽ vì vài đồng lại khiến lũ trẻ mất vui. Nghĩ vậy nên tôi cứ mừng đại trà 50 nghìn đồng cho một năm may mắn. Mấy ngày Tết ở hai quê nội ngoại nhộn nhịp vô cùng, vợ chồng tôi cùng con chia tay ông bà trong bịn rịn để trở về với Tết thành phố.
Vừa về đến nhà, vợ tôi đã chìa ra cuốn sổ chi tiêu và nói tôi xem đi.
"Có gì mà phải xem. Cả năm có ba ngày Tết em cứ chi li mấy đồng làm gì. Mình xởi lởi trời cho, em đừng để anh phải cáu".
"Em nào có muốn chi li như vậy nhưng mà mới chưa hết Tết mình đã bay vèo cả 50 triệu rồi. Cứ thế này thì đói mất".
Ảnh minh họa.
Tôi trố mắt ra vì không hiểu mình đã tiêu những gì mà có thể hết 50 triệu đó được. Thấy tôi thắc mắc không tin, vợ liền mở cuốn sổ đã được ghi chép đầy đủ ra. Nhìn những khoản chi tiêu từ biếu Tết hai bên nội ngoại, Tết sếp, tiền sắm sửa Tết rồi tiền mừng tuổi... tôi tá hỏa khi cộng nhẩm ra cũng thấy con số kia là chẳng sai.
Đúng là nếu vợ không ghi lại cụ thể từng khoản, tôi sẽ không bao giờ nghĩ được rằng phóng tay một chút thôi mà Tết lại tiêu tốn đến vậy. Cuối cùng mang tiếng được thưởng hơn 50 triệu đồng mà chẳng để tiết kiệm được đồng nào. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay tôi trao hết quyền quyết định cho vợ, để cô ấy tay hòm chìa khóa cho ăn chắc.