Tôi bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ và giờ đây, sau 1 năm tôi có thể cầm cuốn sổ tiết kiệm trong tay và nói rằng: “Tiết kiệm 100 triệu/năm dễ hơn bạn tưởng!”.
23 tuổi, thú thực tôi không nghĩ nhiều đến việc tiết kiệm. Ra trường với mức lương 8 triệu/tháng, không dám nói là dư dả nhưng nhìn chung chi tiêu các khoản cũng khá thoải mái với một cô gái còn đang đi thuê nhà như tôi. Lựa chọn ở trọ chung với một cô bạn để chia tiền nhà, sau khi trừ đi 2,5 triệu tiền nhà và tiền ăn với bạn, tôi có thể thoải mái với khoản tiền 5,5 triệu còn lại.
Vậy là cuộc sống với tôi cứ tiếp diễn với những vòng quay: nhận lương vào mùng 10, vơi lương vào 20 và 30 bắt đầu “thoi thóp” tuần cuối chờ lương về. Đó là vòng luẩn quẩn mà không chỉ tôi mà rất nhiều bạn trẻ khác mắc phải. Tôi vẫn thấy mọi thứ hết sức bình thường cho đến khi gặp lại một người bạn.
Bạn tôi làm cho công ty nước ngoài và thu nhập khá hơn tôi, khoảng 12-13 triệu/tháng. Tôi đã rất bất ngờ khi ngồi nói chuyện thì bạn tâm sự đã mua một căn chung cư 1 tỷ, trả trước 300 triệu và sẽ nhận nhà trong 2 năm nữa.
Dù 2 năm nữa mới được nhận nhà nhưng điều đó quả thực khiến một đứa như tôi không khỏi sốc. Cùng độ tuổi, cùng đi ở trọ như nhau và cùng đi làm (dù lương tôi có thấp hơn chút) mà trong khi bạn sắp có nhà thì tôi vẫn sống cảnh cuối tháng là “thoi thóp” chờ lương.
Tại sao cô ấy làm được mà tôi lại không làm được? Có phải vì mức lương của tôi quá thấp hay vì sao?
Và rồi nghe bạn tâm sự về cuộc sống hàng ngày, cách bạn vượt qua những cám dỗ chi tiêu, tôi đã có được câu trả lời cho mình. Tôi bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ và giờ đây, sau 1 năm tôi có thể cầm cuốn sổ tiết kiệm trong tay và nói rằng: “Tiết kiệm 100 triệu/năm dễ hơn bạn tưởng!”.
Bước đầu tiên chính là lập tài khoản tiết kiệm
Điều này nghe có vẻ rất bình thường nhưng lại chính là một trong những quyết định đúng đắn giúp tôi chi tiêu hợp lý hơn. Trước đây, tôi luôn giữ cách chi tiêu là “tới đâu hay tới đó”. Mùng 10 hàng tháng tôi sẽ nhận lương, sau đó ngày 15 nộp tiền nhà và sinh hoạt phí; khoản còn lại thì chi tiêu theo nhu cầu. Tôi nhận ra sai lầm của mình chính là tiết kiệm sau chi tiêu.
Để thay đổi, tôi lập một tài khoản tiết kiệm online với quyết tâm ban đầu mỗi tháng sẽ phải tiết kiệm được 5 triệu. Con số này thực sự lúc đó khá là không tưởng nhưng tôi muốn tự đặt ra một thử thách với chính mình và sau khi nhẩm tính, tôi thấy mình hoàn toàn có thể làm được.
Việc mở tiết kiệm online bây giờ rất đơn giản. Bạn không cần ra quầy, căn đúng giờ làm việc của các ngân hàng mà có thể thực hiện bất cứ lúc nào chỉ với chiếc điện thoại được kết nối internet trong tay.
Có người sẽ hỏi: “Có 5 triệu mỗi tháng thì được bao nhiêu lãi đâu mà phải gửi tiết kiệm cho nhọc công”. Đó cũng là suy nghĩ sai lầm của tôi trước đây. Hãy nhớ rằng, nguyên tắc để tiết kiệm tiền hiệu quả là hãy để tiền “tránh xa” tầm với của mình.
Đừng để chung tiền tiết kiệm với tiền sinh hoạt vì bạn sẽ dễ dàng tiêu lẹm vào hay tặc lưỡi một cách đơn giản và nhanh chóng “nướng” chúng vào một chiếc váy mà bạn rất thích khi nhìn thấy trên phố. Trong khi đó, việc lập tài khoản tiết kiệm trực tuyến giờ rất đơn giản, chỉ tốn vài phút là xong thì tại sao chúng ta lại không làm nhỉ.
Nếu bạn có thu nhập thấp hay cảm thấy mình không thể bắt đầu tiết kiệm với một chế độ khó, hãy bắt đầu bằng việc đặt tự động mỗi tháng sau ngày nhận lương sẽ chuyển một khoản tiền không ảnh hưởng đến chi tiêu của bạn vào tài khoản tiết kiệm.
Đó có thể là 1 triệu/tháng chẳng hạn. Bạn sẽ vẫn sống tốt mà thiếu đi 1 triệu đó nhưng bạn sẽ bất ngờ khi sau 1 năm, bạn nhận ra mình đã có 12 triệu tiết kiệm trong tài khoản mà thậm chí bản thân có khi không nhớ đến. Áp dụng lãi suất kép, để khoản tiền lãi tiếp tục tham gia tiết kiệm, sau 5 năm khoản tiền 12 triệu của bạn đã biến thành 16,8 triệu (với lãi suất 7%) và sau 30 năm, con số này là bao nhiêu bạn biết không? Là 91,34 triệu đó!
Phép toán đơn giản này đã khiến bạn hào hứng với việc tiết kiệm hơn chưa? Giờ thì hãy xem tôi đã làm gì trong tháng để có thể tích cóp được khoản tiền 100 triệu nhé!
Trao đổi đồ dùng cũ
Tôi chợt nhận ra mình có rất nhiều chiếc váy trong tủ chỉ mặc đến 1, 2 lần và không có sau đó nữa. Đó đều là những bộ trang phục tôi mua để chuẩn bị cho ngày tiệc cuối năm của công ty, mặc vào những dịp quan trọng. Phần vì tiết kế khá cầu kỳ, không mặc hợp để đi làm hay đi chơi đơn giản nên tôi hầu như không mặc nữa mà chỉ để treo trong tủ.
Chúng đều còn rất mới, vậy tại sao tôi không đổi những chiếc váy đó đi để nhận về một món đồ hữu dụng khác hoặc một chiếc váy khác để xuất hiện trong dịp quan trọng tới đây?
Vậy là tôi bắt đầu tham gia vào các hội nhóm trao đổi đồ. Bạn có thể dễ dàng tìm các hội nhóm này trên facebook. Họ trao đổi từ quần áo đã qua sử dụng, hàng mua về không vừa size hay cả đồ dùng, đồ chơi trẻ em cho các mẹ bỉm sữa...
Sau một hồi lọc ra và thanh lý, trao đổi những bộ trang phục không mấy khi mặc đến cũng như vài đồ dùng cá nhân, tôi đã nhận về 1,7 triệu đồng cùng 2 chiếc váy mới 90%, rất phù hợp vào dịp sinh nhật công ty sắp tới.
Với sự phát triển hiện nay, các đồ dùng đều rất bền và chỉ với việc trao đổi đồ dùng này, bạn hoàn toàn có thể có được sản phẩm mình cần với giá có khi chỉ bằng 50% mua mới và thanh lý bớt những thứ đã lâu rồi mình không động đến. Vậy là chỉ một thay đổi nhỏ, bạn đã có thể tiết kiệm không ít chi phí.
Sống đơn giản, bớt giải trí
Sau khi thực hiện đơn giản hóa tủ quần áo bằng việc thanh lý những đồ ít sử dụng, mua những trang phục dễ kết hợp, tôi bắt đầu "xử lý" đến khâu ăn uống, giải trí - phần tốn kém nhất trong chi tiêu hàng tháng.
Ở công ty tôi làm, phần đông là nữ nên "phong trào ăn uống" rất mạnh mẽ. Có người đã có gia đình, có người độc thân như tôi, ai ai cũng khá ăn diện, đến công ty là thơm nức mùi nước hoa.
Các chị thường đến công ty rồi mới ra ngoài ăn sáng, trưa đến là đi ăn ngoài. Lúc đơn giản thì cơm văn phòng 30 - 50 nghìn, hôm nào hứng lên thì buffet nướng lẩu, nhẹ nhàng cũng mất 250 nghìn. Chiều đến là "buồn miệng" alo cốc trà sữa giải khuây, vậy là đi tong 30 nghìn.
Tôi chợt nhận ra vì sao mình phải tốn nhiều tiền như vậy cho việc đi ăn hàng rồi lại đau đáu về việc giảm béo, thậm chí là tốn cả triệu đồng mỗi tháng để mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân.
Mỗi tháng tôi góp với bạn 2,5 triệu tiền nhà và tiền ăn. Sau khi trừ đi 2,5 triệu tiền nhà, hai đứa vẫn còn 2,5 triệu tiền ăn và thường sẽ "nướng" bằng sạch vào những bữa cuối tháng.
Thay vì cố "ăn cho hết còn đóng tháng mới", tôi và bạn bàn nhau đóng thêm 500 nghìn và bắt đầu mang cơm đi làm. Với 3,5 triệu đồng tiền ăn cho 2 đứa, chúng tôi hoàn toàn có thể ăn 2 bữa ở nhà và chuẩn bị cơm mang đi làm buổi trưa. Vậy là không chỉ được ăn đồ ăn đảm bảo an toàn, tôi còn dễ dàng tránh được những lời mời từ các chị em đồng nghiệp.
Tôi cũng tạo thói quen giảm dần các hoạt động giải trí tốn kém. Thay vì hẹn gặp bạn bè đi ăn, giờ tôi hẹn bạn bè đi uống nước, vừa có thể tâm sự hàn huyên mà lại không tốn kém 200 - 400 nghìn. Sau đó, thay vì đi uống cà phê hay trà sữa mất 40 nghìn, chúng tôi vẫn vui vẻ khi ngồi uống trà chanh giá 10 nghìn và cắn hướng dương 15 nghìn/gói.
Quan trọng không phải mình ăn gì, chơi gì mà quan trọng là mình đi với ai. Tôi vẫn giữ được mối quan hệ tốt với bạn bè mà vẫn đảm bảo được khoản tiền tiết kiệm.
Chủ động tăng thêm thu nhập, tránh xa bẫy "thu nhập càng tăng, chi tiêu càng nhiều"
Sau khoảng 3 tháng ổn định với khoản tiết kiệm 5 triệu/tháng, tôi nhận thấy mình cần tăng tốc vì nhìn chung các khoản chi của tôi cũng khá khó để có thể tiết kiệm hơn nữa. Và cách duy nhất giúp tôi tăng khoản tiền tiết kiệm lúc này chính là tăng thu nhập.
Tôi bắt đầu tìm hiểu và nhờ bạn bè giới thiệu cho những công việc có thể làm ngoài giờ. Chị sếp tôi có lẽ nghe được câu chuyện ai đó tâm sự nên đã tạo điều kiện cho tôi bằng việc làm ngoài giờ 1 tiếng mỗi ngày, nhập số liệu cho chị với mức lương 1,5 triệu/tháng. Vào buổi tối, tôi sẽ nhận thêm dịch tài liệu cho bạn bè, có tuần nhiều được cả triệu, có tuần thì không có việc gì. Tính trung bình, tôi cũng thu được 1,5 triệu từ công việc này.
Vậy là làm việc chăm chỉ hơn, tận dụng thời gian rảnh rỗi, tôi đã có thêm 3 triệu/tháng và tăng khoản tiết kiệm lên 8 triệu/tháng. Tất nhiên, hãy nhớ rằng bản thân cần tránh xa bẫy chi tiêu "thu nhập càng tăng, chi tiêu càng nhiều". Trước đây, khi có thêm một khoản tiền nào đó, tôi ngay lập tức sẽ nghĩ đến việc mình nên mua gì, ăn gì thật ngon.
Vậy là với 3 tháng đầu tiết kiệm 5 triệu/tháng, 9 tháng sau tiết kiệm 8 triệu/tháng là tôi có 87 triệu tiết kiệm. Cùng với khoản thưởng tết 13 triệu đồng, tôi gom luôn vào gửi tiết kiệm và có 100 triệu chỉ sau 1 năm. Với số tiền này, tôi hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đầu tư trong năm tới hay đơn giản nhất là gửi ngân hàng, tận dụng lãi suất kép và có cho mình một khoản kha khá để tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân.