Cô giáo viết vào tấm bảng nhỏ đặt trước lớp học con tôi, “Phụ huynh chuẩn bị cho bé một lồng đèn, một ít bánh hoặc trái cây. Sáng mai, các cháu sẽ được phá cỗ để biết cách sẻ chia”.
Con trai dặn, “Ba mang cho con lồng đèn điện siêu nhân, nha”. “Ba cho con thêm bánh trung thu chia cho các bạn, ha?”, mình hỏi lại. Con trai đồng ý. Ba lô lắc lư theo nhịp vai, bé xíu, thương ngút ngàn.
1. Trong tất cả những điển cố để lý giải về Tết Trung thu, đẹp nhất vẫn là điển cố Đường Minh Hoàng đêm sáng trăng dạo chơi vườn Ngự Uyển, được đạo sĩ La Công Viễn đưa lên cung trăng chơi. Ở cung trăng, có tiên nữ múa điệu nhạc hơn đắm hơn say.
Đường Minh Hoàng về lại hạ giới, ngơ ngẩn mà ra chỉ nhạc sư phải chế tác ra khúc Nghê Thường, để mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc thần diệu ấy, lại cùng thưởng ngoạn với người ngọc Dương Quý Phi.
Trong chấp chới đời sống này, đôi lúc không cần nhớ quá nhiều thứ như Đường Minh Hoàng dạo nọ. Chỉ là một đêm trăng sáng tháng Tám, lên sân thượng một mình, nhìn quoanh rồi da diết nhớ những tháng ngày đã trôi qua. Má sinh năm một, anh trai hơn mình mười mấy tháng. Từ bé, mình làm gì cũng vụng. Trẻ con trong xóm hay nhầm lẫn mình là anh trai, cho chơi cùng. Một chốc, phát hiện là đuổi ra ngay.
Hình minh họa
2. Gần Trung thu, nhìn bạn bè trong xóm chơi xe lon, thích quá mà không làm được. Anh trai thương, tìm đâu hai lon sữa bò, hì hục khoan lỗ, lấy căm xe đạp làm trục. Nối thêm nhánh tre tươi, đẩy đi. Lon phía dưới quay tròn kéo theo lon phía trên xoay. Cắt một đoạn vỏ xe đạp, bé xíu như manh vá quần, châm lửa đốt rồi đặt vào trong lon. Cẩn thận thì thêm cái nắp lon nước ngọt đập dập cho kêu leng keng.
Mình nhận cái xe từ anh, mừng đến không ngủ trưa được. Cứ mong cho trời chóng tối. Đó là mùa trung thu còn nhớ cho đến lúc này, cả xóm leng keng tiếng xe lon, gió xào xạc tiếng cười ấu dại. Sau này đọc tích Đường Minh Hoàng, không biết Dương Quý Phi đẹp ra sao, chỉ ngạc nhiên là vì sao ông ấy không tự đốt cho mình một đốm lửa vào đêm rằm tháng Tám, mà lại phung phí với trăng.
Lớn chút, ba má đỡ cực. Trung thu có mua cho anh em cái đèn lồng dán giấy kiếng màu, đốt đèn cầy nhỏ. Năm má có chút tiền, ba còn sắm cả đèn kéo quân. Những hình thù như giấc chiêm bao, quay đều một miền hoa niên.
Sớm tháng Tám này soi gương, thấy lòa xòa tóc bạc trên đầu, chắc đã già. Đêm đi làm về muộn, ngước lên thấy trăng lất phất một màu. Bật nhớ hôm xưa, một đêm trăng sáng, một khuya mưa bay. Đốt đèn lồng đi chơi về, đêm nằm ngủ có khi còn nghe được tiếng tí tách trên mái nhà, mùi chăn màn cũ thơm như mùi mồ hôi của má.
Đừng tin chuyện Trung thu phương Nam có phá cỗ, mấy ông nhà văn bịa đấy. Mình nói thật. Có một chút lửa cho riêng mình đêm Trung thu, đã viên mãn lắm rồi. Hôm về quê chơi, thấy bán lồng đèn. Mua cho hai con trai hai cái, nghĩ rằng con trai sẽ thích. Biết đâu, con trai nhất định chơi lồng đèn điện. Thì thôi, mỗi người có một tuổi thơ.
3. Mấy lâu xót xa ngày cũ, có viết trên facebook cá nhân, “Thi thoảng, lại nhớ nhà. Nhớ con đường bụi đỏ vướng víu khói lá khô nhà ai đốt vội, gót chân nứt và bàn tay bẩn, ngong ngóng tiếng má gọi cơm chiều.
Thi thoảng, lại nhớ nhà. Nhớ lũ sóc ô ríu rít chen chúc nhau trong chiếc tổ nhỏ, trên cây bằng lăng, mùa không hoa. Mấy con lợn đói kêu cám trong chuồng. Thảng thốt phía nhà sau, mái mẹ tìm gà con mải chơi.
Thi thoảng, lại nhớ nhà. Nhớ nếp ngói rêu xanh buông mình tuyệt vọng vào đêm, thấp thoáng ánh đèn dầu gọi tối. Nhớ em, cô gái có vết sẹo bỏng bóng đèn nơi cánh tay, cánh tay cưu mang tôi một thời thơ dại.
Thi thoảng, lại nhớ nhà. Đuôi chó mực vui gì mà vẫy, móng bới sỏi tìm chi. Những tuổi âu yếm trôi qua, miết mải không trở lại. Thằng bạn cùng xóm vừa ra đi, chết đuối dưới ao hôm qua. Thi thoảng, lại nhớ nhà. Vết lằn da ba đánh, trốn học nghĩ vẩn vơ. Trái cao su bóng như mặt trời, xoay mòng mòng một chong chóng tre. Ống thụt vỡ nát mận non, bắn vụn mấy trưa hè.
Có chiếc xe bánh đất, chở tiếng cười lũ trẻ đói ăn, tiền dâm bụt xanh thối lại bao nhiêu thì đủ một giấc mơ cơm nguội cá kho ớt.
Thi thoảng, lại nhớ nhà. Đuôi cá bảy màu loe hoe suối tung bọt trắng, đôi mắt nhíu lọ keo. Không thấy ngày qua đi, chỉ để lại một giấc mơ về trái bắp nướng phết nước mắm, thơm lừng. Thi thoảng lại nhớ nhà, nơi gốc mít cụt, có một tôi ngồi hoài mà không chịu lớn lên”. Làm sao tìm con đường về quá khứ?
Xem bài viết cùng tác giả: Câu chuyện ký ức giữa những bàn tán cộng điểm |