Dù là hôn nhân hay cuộc sống, yếu tố then chốt quyết định hạnh phúc của một người vẫn là bản thân người đó chứ không phải bất kỳ ai khác.
Hôn nhân là gì?
Nhiều phụ nữ mang trong mình suy nghĩ rằng sau khi kết hôn, họ đã tìm được người che mưa che nắng cho mình và sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc từ đó về sau.
Tuy nhiên, càng kỳ vọng lớn vào hôn nhân thì bạn sẽ càng dễ thất vọng. Bởi dù là hôn nhân hay cuộc sống, yếu tố then chốt quyết định hạnh phúc của một người vẫn là bản thân người đó chứ không phải bất kỳ ai khác.
Khi bạn có khả năng hạnh phúc, bất kể bạn kết hôn với ai, bạn sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc. Ngược lại, nếu bạn không có khả năng hạnh phúc, bất kể bạn kết hôn với ai, bạn sẽ không thể sống một cuộc sống tốt đẹp. Những kiểu phụ nữ dưới đây khó có thể có cuộc sống tốt đẹp bởi họ đã phớt lờ trách nhiệm của bản thân mình:
Sống chết vì yêu, khiến người ta ngột ngạt, làm khổ mình
Trong một mối quan hệ thân mật, bất kể là nam hay nữ, việc đòi hỏi tình cảm từ nửa kia không đúng cách sẽ không khiến đôi bên xích lại gần nhau hơn mà còn khiến bạn đời ngột ngạt và bản thân khổ sở.
Là người mồ côi cha từ khi còn nhỏ, Lan chỉ biết dựa vào chính mình, khi khó khăn cũng không có một người giúp đỡ. Những năm tháng đã qua khiến từ sâu thẳm bên trong, cô luôn cảm thấy thiếu an toàn. Mang chính tâm lý ấy bước chân vào hôn nhân, cho đến ngày đổ vỡ cô vẫn không nghĩ rằng một phần lớn trách nhiệm nằm ở chính mình.
Lan sẽ tức giận khi chồng không đứng về phía cô, Lan sẽ cáu kỉnh khi chồng không nghe lời cô ấy; Lan sẽ cau có khi chồng không hiểu cô nói gì. Đôi khi chẳng phải điều gì cụ thể, cô luôn cảm thấy rằng cách cư xử của chồng chứng tỏ anh không hiểu cô, không yêu cô để rồi rơi vào trạng thái cuồng loạn, liên tục cãi nhau với chồng, buông những lời cay độc. Cô luôn lấy tuổi thơ và những gì mình đã phải trải qua để bao biện cho hành động của bản thân.
Vấn đề lớn nhất của Lan là cô ấy muốn có được tình yêu từ người khác nhưng không cảm thấy rằng mình cần biết yêu người khác và yêu chính mình.
Nhớ rằng, cảm giác an toàn là do chính mình mang lại, tình yêu cũng là từ chính mình mà ra. Chỉ khi biết yêu thương bản thân và thoát ra khỏi tâm lý đòi hỏi tình yêu từ người khác thì bạn mới có được sự nhất quán trong chính mình.
Thứ hai, không kiềm chế được cảm xúc, nội bộ xích mích trầm trọng
Bạn nghĩ kiểu người nào là nguy hiểm nhất trong một mối quan hệ thân mật? Đó có lẽ là một người không ổn định về mặt cảm xúc. Dù là vợ hay chồng, chỉ cần có một người cực kỳ bất ổn về mặt cảm xúc và không có khả năng tự kiểm soát thì hôn nhân sẽ khó có thể lâu bền.
Chồng Lan là một người rất điềm đạm, anh ấy khoan dung và có thể bỏ qua nhiều điều cho vợ mình. Anh không phải là người hay để bụng, càng không bao giờ muốn nhắc lại những chuyện đã qua. Điểm quan trọng nhất là anh ấy có thể kịp thời dập tắt ngọn lửa và hạ nhiệt khi mối quan hệ nổ ra xung đột.
Nhưng Lan thì khác. Cô thường không kiềm chế được cảm xúc của mình, dễ rơi vào trạng thái mâu thuẫn nội tâm nghiêm trọng, đồng thời kéo bạn đời vào hố đen tiêu cực của mình. Những cảm xúc tiêu cực của Lan không chỉ làm tổn thương bản thân cô mà còn làm tổn thương đến những người xung quanh, từ bạn đời, con cái, cha mẹ đến người thân và bạn bè...
Chồng Lan rất bao dung nhưng sức chịu đựng, khả năng nhẫn nhịn của một người là bao nhiêu? Hết lần này đến lần khác chịu đựng, hết lần này đến lần khác nuốt xuống tổn thương… cuối cùng, tổn thương vẫn là hai người. Nếu Lan có thể biết cách kiểm soát cảm xúc của mình và ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực nhấn chìm những người xung quanh cô, có thể cuộc hôn nhân đã được xoay chuyển tình thế.
Luôn coi mình là nạn nhân
Quan sát những người phụ nữ có cuộc sống éo le, bạn sẽ thấy họ có một đặc điểm chung là luôn mang tâm lý nạn nhân. Bất kể họ nói hoặc làm những điều xúc phạm gì với nửa kia của mình, luôn có những lý do để hợp lý hóa hành vi của họ.
Giống như Lan, cô cho rằng tuổi thơ bất hạnh thiếu thốn tình thương chính là lý do khiến cô trở nên cuồng loạn, thiếu kiểm soát như vậy. Cô nói với chồng mình rằng: “Bởi vì em đã phải trải qua những điều này, vì em là nạn nhân nên em mới như vậy. Anh cần phải thông cảm cho em…”
Cô cũng cho rằng mình ít tuổi hơn chồng, cần được bao dung và che chở. Những việc cô làm cho gia đình như sinh con, chăm sóc cửa nhà… tất cả chồng cô đều phải thấy trân trọng và biết anh nợ cô. Lan chưa bao giờ nghĩ rằng những việc mình làm là lựa chọn của chính mình và bản thân cần phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó.
Khi bạn tự cho mình là nạn nhân của cuộc đời, bạn sẽ sống ngày càng bất hạnh hơn. Tiềm thức của bạn lặp đi lặp lại rằng bạn thật bất hạnh và như vậy, bạn sẽ không thể hạnh phúc. Không những vậy, bạn sẽ lặp đi lặp lại những bất hạnh này với bạn đời và những người xung quanh mình.
Muốn cuộc sống của mình suôn sẻ hơn, hãy học cách vận dụng “Luật hấp dẫn”, nghĩ nhiều hơn về những điều tốt đẹp, những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Hãy nói với bản thân rằng bạn có khả năng hạnh phúc, bạn là xứng đáng được yêu thương và cuộc sống của bạn sẽ dần trở nên hạnh phúc.
Hãy nhớ rằng, đừng bao giờ đòi hỏi tình yêu mà không có điểm mấu chốt của chính mình, đừng suốt ngày sống trong tâm trạng tồi tệ, mặc cảm rằng mình không xứng đáng có được hạnh phúc.