"Hai vợ chồng và con gái sống ở Thụy Sĩ trong khi cha mẹ chồng sống ở Australia nên ít gặp mặt nhau. Nhưng phải nói là mối quan hệ giữa Tâm Phan và mẹ chồng rất tốt”.
Chuyện mẹ chồng - nàng dâu có lẽ là đề tài muôn thuở trong các gia đình Á Đông. Vấn đề đáng nói là không ít mẹ chồng - nàng dâu vấp phải những mâu thuẫn khi sống chung dưới một mái nhà. Điều này vô cùng dễ hiểu khi 2 người đàn bà (mẹ chồng - nàng dâu) cùng yêu một người đàn ông (con trai/chồng). Người đàn ông đứng giữa cần phải dung hòa mối quan hệ này.
Tùy từng trường hợp, có một số người nói với Tâm Phan là họ làm dâu nước ngoài khá vất vả, không được giúp đỡ như ở Việt Nam. Người phương Tây quen sống độc lập, con ai người đó nuôi, ông bà không có trách nhiệm trông cháu cho vợ chồng đi làm. Bên cạnh đó họ thích sống riêng, không ở chung một nhà với dâu con và các cháu. Đây là sự khác biệt về Văn hóa và lối sống nên nhiều cô dâu Việt cảm thấy khó khăn, không hợp với mẹ chồng Tây.
"Tìm sự hòa hợp trong khác biệt"
Nàng dâu Việt và mẹ chồng Tây của Tâm Phan
Ấy là chuyện gia đình Á Đông, còn trong các gia đình phương Tây, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu không phải là không có. Nhiều người cứ nghĩ với suy nghĩ thoáng trong lối sống thì các mẹ chồng sẽ không để ý nàng dâu và ngược lại. Nhưng thực tế không phải vậy. Một số cô dâu Việt khi lấy chồng ở nước ngoài cũng phải đối diện với không ít khó khăn. Đó chưa kể là hòa hợp với văn hóa nước ngoài mà còn là sự khác nhau về phương pháp nuôi con, thói quen ăn uống, gu thẩm mỹ..v...v.. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tâm Phan xoay quanh chủ đề này.
Với một cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, khả năng ngôn ngữ nhạy bén và khá sắc sảo, có thể nhiều người nghĩ Tâm Phan khó có thể hòa hợp với mẹ chồng, bởi cái “tôi” nhiều khi quá lớn chăng? Trên thực tế, chị và mẹ chồng lại là những người bạn thực sự. Tâm Phan tâm sự, hai vợ chồng và con gái sống ở Thụy Sĩ trong khi cha mẹ chồng sống ở Australia nên ít gặp mặt nhau. Tuy nhiên, không phải “xa mặt cách lòng”, “phải nói là mối quan hệ giữa Tâm Phan và mẹ chồng rất tốt”.
Tâm Phan và mẹ chồng rất hợp nhau
Chưa nói đến những sở thích khác như ăn mặc hay lối sống, Tâm Phan và mẹ chồng hợp nhau trước hết là sự quan tâm đến những vấn đề thời sự Quốc tế. Cách nhau hàng ngàn km nhưng chiếc điện thoại luôn là phương tiện để gắn kết tình cảm mẹ chồng và nàng dâu Việt này. “Mỗi khi gọi điện thoại là hai mẹ con lại nói chuyện thời sự, rồi đàm đạo với nhau, trao đổi thoải mái. Không chỉ có chuyện thời sự mà chuyện thời trang cũng là chủ đề tâm đầu ý hợp giữa Tâm Phan và mẹ chồng. Chính vì vậy, chừng ấy năm làm dâu, Tâm Phan nhận ra rằng, chị và mẹ chồng như là hai người bạn gái với nhau.
“Từ trước khi cưới, tôi đã sống trong nhà và được hai cụ coi như là con gái. Kể cả khi tôi chia tay với con trai hai cụ, họ vẫn muốn tôi ở lại và nhận tôi làm con nuôi. Sau này, tôi cưới con trai hai cụ thì tôi mới trở thành con dâu. Vì vậy, mối quan hệ giữa chúng tôi đặc biệt thân thiết, như thể cha mẹ đẻ với con ruột vậy”, Tâm Phan tâm sự.
Tuy nhiên, theo lời Tâm Phan, xung quanh chị cũng có những cô gái Việt Nam lấy chồng Tây phải trải qua những cãi vã hay thiếu sự hòa hợp với mẹ chồng. Từ chuyện chăm con, cách ăn uống, lối sống… khác nhau nhưng không tìm ra được “liều thuốc” để dung hòa những mâu thuẫn đó. Cho nên, nhiều cô dâu Việt phần nào choáng ngợp trước nếp nghĩ cách làm của các bà mẹ chồng phương Tây.
Tâm Phan chia sẻ, chưa bao giờ có có xích mích gì với mẹ chồng
Nói về chuyện khác biệt trong cách chăm con – nguyên nhân khiến cho mẹ chồng Tây và nàng dâu Việt nảy sinh những mâu thuẫn, Tâm Phan đưa ra dẫn chứng, tâm lý các nàng dâu Việt hay bồng bế con, còn mẹ chồng Tây thì không thích như vậy. “Mẹ chồng Tây quan niệm nuôi trẻ tự lập, không thể cứ ngồi ôm ấp con cả ngày, không làm được việc gì khác. Mâu thuẫn đôi khi nảy sinh từ những việc nhỏ nhặt như vậy. Điều đó cho thấy, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu trong các gia đình phương Tây không phải là không có”, Tâm Phan chia sẻ
Thậm chí, không ít nàng dâu Việt cho con bú đến khi trẻ đã 3 tuổi nhưng mẹ chồng Tây lại không đồng ý với quan điểm này. Cho con bú quá lâu khiến trẻ bện mẹ, nửa đêm không ngủ thẳng giấc. Có một số cô dâu Việt nghĩ rằng cho con bú đến 3 tuổi mới tốt nhưng thực tế là sữa mẹ đến lúc đó không còn chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của con nữa.
“Sự xung đột giữa mẹ chồng Tây và nàng dâu Việt đó là chưa kể đến tính cách khác nhau, gu thẩm mỹ, ăn uống cũng khác nhau như mẹ chồng Tây không thích ăn đồ Việt Nam và ngược lại con dâu không thích ăn đồ Tây. Sở thích tuy khác nhau nhưng không phải vì thế mà khó hòa hợp. Tôi cũng không cho rằng dâu Việt bảo thủ mà đó là Văn hóa Á Đông”, Tâm Phan nhận định.
Bí quyết để mẹ chồng nàng dâu hợp nhau là các cô dâu Việt nên tìm đọc nhiều sách
Những mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con hay sự khác biệt Văn hóa Đông -Tây sẽ được giảm bớt nếu các cô dâu Việt trước khi về nhà chồng tìm đọc thông tin nuôi con khoa học, đọc sách báo tìm hiểu Văn hóa Xã hội phương Tây. Không nên chỉ áp dụng những kinh nghiệm truyền lại theo cách dân gian ở Việt Nam. Bởi các bà mẹ chồng phương Tây luôn tin vào khoa học và làm theo lời khuyên của các bác sĩ có chuyên môn.
“Thói quen và sở thích của mỗi người cần được tôn trọng. Sở thích khác nhau không có nghĩa là phải ghét nhau. Nếu mẹ chồng thích ăn đồ Âu, con dâu thích ăn đồ Á thì vẫn có thể hòa hợp với nhau, điều quan trọng là hai bên cần phải đối đãi nhau như khách quí. Đó không phải là giả tạo mà là phép lịch sự tối thiểu để mối quan hệ tốt đẹp hơn” - Tâm Phan bày tỏ.
Người chồng sẽ làm gì khi đứng giữa mẹ đẻ và vợ?
Trong gia đình phương Tây, mẹ chồng và nàng dâu khá độc lập với nhau. Tâm Phan chia sẻ, có những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi con dâu sinh con xong không cho phép mẹ chồng thăm cháu hay bế cháu. Ở phương Tây, người mẹ tự quyết định mọi thứ đối với đứa con của mình, bà nội hay bà ngoại không có quyền can thiệp.
Mẹ chồng Tây của cô rất trẻ trung và 'xì-tin'
Đôi khi đứng giữa những mâu thuẫn, người chồng khó xử hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đàn ông phương Tây thường có quan điểm riêng. Bởi vốn dĩ, từ bé, họ đã có thói quen sống tự lập. "Gia đình tôi chưa bao giờ xảy ra cuộc tranh cãi nào khiến ông xã phải khó xử giữa vợ hay mẹ đẻ. Ngược lại, có thời điểm trước khi cưới tôi và anh ấy chia tay nhau, mẹ anh ấy đã bênh vực tôi và thậm chí định từ mặt con trai vì đã gây đau khổ cho tôi", Tâm Phan bật mí.
Đứng giữa cuộc tranh cãi bất đồng mẹ chồng - nàng dâu, người chồng hết sức khó xử. Tuy nhiên, là người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm với gia đình, đủ chín chắn thì anh ta phải biết cái gì đúng cái gì sai.
"Đôi khi mẹ chồng dùng từ "sợ vợ" để chế giễu người đàn ông đứng về phía vợ nhưng đó là cách bà điều khiển con trai làm theo ý mình. Một người đàn ông thực thụ sẽ nhìn nhận để quyết định đúng đắn, biết dùng lý trí để xử lý tình huống.
Cũng có những trường hợp, người chồng đứng về phía vợ dù biết vợ sai. Tuy nhiên, người chồng cần phải giải thích với vợ để vợ hiểu điều phải trái. Mặt khác cũng nên khuyên vợ xin lỗi mẹ chồng để mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được hòa hợp" - Tâm Phan tâm sự.
Cũng có những người chồng "sợ vợ" thật, dù vợ sai vẫn khen là đúng, bênh vợ chằm chặp không cần biết phải trái. Tâm Phan cho rằng "trường hợp đó không cần lời khuyên mà rồi chính họ sẽ tự nhận ra". Đã có một độc giả nam kể với Tâm Phan rằng, anh ta là người luôn nghe theo lời vợ, cãi lại mẹ đẻ, lương hàng tháng đều đưa cho vợ, làm mọi việc theo lời vợ, sau hai năm chung sống anh ta nhận ra rằng, người vợ thực sự quá quắt, cô gái anh yêu ngày xưa đã thay đổi. Cuối cùng anh ta làm đơn ly hôn để tự giải thoát cho mình.
Câu chuyện về mẹ chồng nàng dâu dù ở Việt hay ở nước ngoài, nói chung cũng đều là vấn đề đáng bàn. Nhưng có lẽ, đối với người phương Tây, chuyện con dâu, mẹ chồng sẽ không nặng nề như ở Việt Nam.
Xem thêm tin bài liên quan hấp dẫn tại đây: Tâm Phan: “Từng bị kỳ thị vì lấy chồng Tây” T.S Đinh Đoàn: “Đàn ông Việt sợ thua vợ” T.S Đinh Đoàn: “Ly hôn là do đàn bà” Làm mẹ đơn thân, nhất định xin con trai Tây |