T.S Đinh Đoàn: “Đàn ông Việt sợ thua vợ”

Ngày 25/12/2013 14:00 PM (GMT+7)

Theo chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, nhiều anh ở cơ quan bị lép vế không dám làm gì nhưng về nhà là gây gổ với vợ.

Trong cuộc sống gia đình, mối quan hệ vợ chồng nảy sinh không ít vấn đề. Nhiều đàn ông vẫn còn giữ tâm lý trụ cột gia đình, có tiếng nói nhiều nhất và có quyền quyết định mọi việc. Tuy nhiên, khi cảm thấy không hoàn thành được nhiệm vụ trụ cột lại quay ra bạo lực với vợ vì sợ bị coi thường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn về vấn đề này.

Quan niệm “đàn ông trụ cột gia đình” đã lỗi thời

Người Việt Nam thường quan niệm “đàn ông là trụ cột gia đình”, vậy theo chuyên gia, quan niệm đó liệu còn phù hợp trong xã hội ngày nay?

Cho đến thời điểm này, quan điểm người đàn ông là trụ cột gia đình, là người kiếm tiền, nâng đỡ vợ con đã lỗi thời. Hiện nay, phụ nữ cũng có thể làm trụ cột gia đình. Nếu người phụ nữ có thể đảm đang việc nhà, vừa làm tốt công việc ngoài xã hội thì quá tốt. Tuy nhiên, cũng có những gia đình, ông chồng không phải kém cỏi nhưng nghề nghiệp thu nhập không được cao mà đòi hỏi phải làm trụ cột gia đình là điều không thể được.

Theo chuyên gia, việc mang tâm lý đó, liệu có điều gì tốt và có hệ lụy nào không tốt?

Nếu như thời điểm này, người đàn ông vẫn ôm cái suy nghĩ cho rằng bản thân mình là người trụ cột gia đình thì theo hướng tích cực sẽ là động lực để vươn lên nhưng ngược lại khiến cho người đó bực tức, mặc cảm, giận dỗi khi không hoàn thành được nhiệm vụ này. Từ đó dẫn đến giận cá chém thớt, trở thành người ngăn cản vợ phát triển năng lực bản thân, dùng bạo lực vì sợ không giữ nổi vai trò trụ cột gia đình.

Thực tế nhiều người đàn ông thường sợ thua vợ trong mọi thứ, liệu có phải đàn ông Việt có tâm lý so đo thiệt hơn với vợ?

Cho đến bây giờ không dám khẳng định tất cả đàn ông Việt Nam đều như thế nhưng cũng có không ít người cũng ganh đua với vợ, sợ vợ hơn mình. Ở cơ quan là người lép vế không dám làm gì nhưng về nhà mà lếp vế là gây gổ, gây hấn với vợ. Nếu cứ tranh đua thì có lẽ ra bên ngoài, muốn vươn lên thế nào cũng được còn trong gia đình dù ai làm được, ai cố gắng được cũng là vì cái chung mà thôi.

T.S Đinh Đoàn: “Đàn ông Việt sợ thua vợ” - 1

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho rằng: "Cho đến thời điểm này, quan điểm người đàn ông là trụ cột gia đình, là người kiếm tiền, nâng đỡ vợ con đã lỗi thời"

Liệu tâm lý so sánh hơn, thua ngoài việc dẫn đến bạo lực như vừa nói sẽ nảy sinh những vấn đề gì nữa, thưa chuyên gia?

Đầu tiên, bạo lực để làm cho vợ sợ hãi, vì mang cảm giác không hoàn thành được trụ cột gia đình sẽ dẫn đến mối quan hệ lỏng lẻo, nhạt và cảm giác bị chán. Khi người phụ nữ đang mong muốn sự cố gắng của bản thân được ghi nhận, đền đáp, được khen ngợi thì cuối cùng lại bị dèm pha, dè bỉu thậm chí cản đường chắn lối. Chung sống bên người đàn ông cứ kèn cựa như vậy dẫn đến việc khi gặp một người đàn ông khác lịch sự, biết quan tâm, biết khen đúng lúc… thì hạnh phúc gia đình bị lung lay.

Tâm lý hơn thua trong suy nghĩ của một bộ phận đàn ông Việt Nam, phải chăng xuất phát từ những định kiến về giới hay còn nguyên nhân nào khác?

Thật ra để nói nhiều ở mức nào thì cũng chưa ai dám khẳng định nhưng cũng có những người hành hạ vợ bằng đòi hỏi chuyện ấy nhiều hơn, lạnh nhạt, bỏ rơi vợ…Nhưng để chấm dứt được điều này thì cần nhiều thời gian hơn nữa, do những định kiến về giới, về khuôn mẫu gia đình, quan niệm chồng là trụ cột vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, lỗi một phần cũng là do người phụ nữ còn mang tâm lý định hướng cho con gái khi lấy chồng phải chọn người giàu có, chuột sa chĩnh gạo…

Có nhiều trường hợp, thời sinh viên yêu người có hình thức đẹp nhưng ra trường sẵn sàng lấy người nhiều tuổi hơn rất nhiều để có chỗ dựa. Hay những người đàn ông khó làm giàu hơn vợ, không kiếm tiền  nhiều hơn vợ thì cũng bị dè bỉu là đẹp để làm gì… Thậm chí, chính chị em ngồi cũng phàn nàn về chuyện sướng khổ, chuyện lấy chồng giàu rồi đi shopping cả ngày còn lấy chồng nghèo thì nai lưng kiếm tiền. Tất cả những điều đó lại gieo vào người đàn ông nhiều suy nghĩ. Thậm chí, trên truyền hình đàn ông thường gắn với hình ảnh xe máy, hàng hiệu, ô tô… khiến cho ai đó không kiếm được nhiều tiền cũng có cảm giác tự ti.

Trong thực tế, có một số gia đình xuất hiện tình trạng ai kiếm được nhiều tiền thì có tiếng nói quyết định, điều này liệu có nên?

Thật ra thì gia đình không phải là công ty để ai là cổ đông to nhất sẽ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Gia đình cần được xây dựng trên nền tảng của sự cảm thông, chia sẻ yêu thương. Ngay từ xưa, các cụ đã nói là của chồng công vợ, nghĩa là một người kiếm được tiền đưa về là của chung. Nếu cứ suy nghĩ rằng, ai kiếm được nhiều tiền hơn thì mạnh miệng hơn, người kiếm được ít thì lép vế sẽ rất khó có sự thông cảm. Không phải không có những phụ nữ khi chồng kiếm được nhiều tiền hơn thì hí hửng chi tiêu, tâm lý hãnh diện. Nhưng một lúc nào đó, chồng gặp khó khăn, vợ kiếm được nhiều tiền hơn thì quay ra có những lời nói không được tế nhị, thậm chí lên mặt thể hiện nên người chồng tự ái, cảm thấy không có tiếng nói trong gia đình.

Gần đây có thông tin thống kê cho thấy đàn ông thu nhập thấp hơn vợ thường hay đánh vợ, đứng ở góc độ tâm lý, chuyên gia suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Thật ra những người đàn ông thua kém vợ về một số mặt khác ngoài thu nhập như địa vị,học vấn, gia cảnh sẽ dẫn đến mặc cảm tự ti. Sự tự ti khiến họ phải dùng bạo lực để răn đe, đánh phủ đầu… Đặc biệt, người đàn ông bị lép vế sẽ cảm thấy mặc cảm hơn phụ nữ. Nếu phụ nữ không có công ăn việc làm thì có thể không băn khoăn nhiều nhưng người đàn ông không có việc làm, sống dựa vào vợ luôn mang tâm lý tự ti, khổ tâm và rất dễ dùng bạo lực để giải tỏa.

Bạo lực, lạnh nhạt của người chồng khi cảm thấy mặc cảm không kiếm nhiều tiền hơn vợ liệu có giải quyết được vấn đề?

Dùng bạo lực không giải quyết được vấn đề. Bởi vì, bạo lực có thể khiến người vợ sợ hãi lúc đó nhưng về lâu dài sẽ chán nản, mất hết ý chí phấn đấu. Có người cân nhắc việc để chồng hành hạ và rút lui về sống cam chịu là không nên nhưng cũng có khá nhiều phụ nữ quyết tâm phấn đấu hoặc tìm con đường riêng của mình

Đừng nhìn vào bằng cấp

Một số người đàn ông còn quan niệm không nên lấy vợ giỏi hơn vì sợ bị giáo huấn, qua mặt, chuyên gia có ý kiến như thế nào về suy nghĩ này?

Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa hơn một cái đầu và hơn một cái bằng. Có thể có người phụ nữ bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng đó có thể chỉ giỏi trong phạm vi nghiên cứu cụ thể, chứ không có nghĩa mọi thứ đều giỏi. Suy nghĩ đó là đánh giá tấm bằng trong khi cần đánh giá ở cách nhìn nhận cuộc sống như thế nào.

Tuy nhiên có một số ít những người phụ nữ có học vấn và địa vị cao hơn chồng lại tỏ ra coi thường người bạn đời của mình?

Một số ít người vợ có địa vị cao, bằng cấp cao thường băn khoăn khi sống với ông chồng không tương xứng với mình. Bởi vì, chính họ quan niệm, nếu vợ chồng không sống được với nhau thì có thể chia tay, họ có sự nghiệp để lo được cuộc sống riêng. Cũng có những người phụ nữ, vì không có công việc ổn định, lấy được chồng giàu là kiêu hãnh nhưng cứ để bị hành hạ, nghiến răng chịu đựng như vậy.

Thật ra khó để nói được ai hơn ai, tùy vào tính cách từng người. Không nên vạch định ra khi có tiền thì đàn ông thế này, phụ nữ thế kia. Chúng ta không nên đòi hỏi người phụ nữ đó phải chu toàn mọi thứ, chính người chồng cũng cần nghĩ đến công sức của vợ, thông cảm, biết chia sẻ.

Có ý kiến nói sự so sánh hơn thua trong mối quan hệ vợ chồng là xuất phát từ sĩ diện quá lớn của người đàn ông, vậy có nên giữ sĩ diện trong gia đình?

Người đàn ông và phụ nữ đều có sĩ diện và muốn chứng minh cho người khác thấy sĩ diện của mình. Ai là người bỏ được sĩ diện khi chúng ta đã có sĩ diện nhưng về một mặt nào đó sĩ diện là tốt, bởi sợ nhất là người không có tí sĩ diện nào. Phải khẳng định cái sĩ diện đó bằng hành động, nỗ lực của bản thân. Cũng có những người vợ biết chồng không kiếm được nhiều tiền nhưng rất trân trọng, đôi khi chỉ cần cái đầu, bờ vai làm chỗ dựa…Có thể người phụ nữ đó đã giỏi rồi, lo được kinh tế thì cần sự dịu dàng, tế nhị, lịch sự của chồng.

Vậy, chuyên gia có ý kiến gì với những cặp vợ chồng còn mang tâm lý hơn thua, so sánh với người bạn đời của mình?

Trong gia đình không có sự hơn,thua, hơn nữa sông có khúc người có lúc, đôi khi hơn cái này mà mua thua cái khác. Cái đích kiếm được nhiều tiền, phấn đấu địa vị cũng là vì cuộc sống chung. Cho nên, bất cứ thành viên nào trong gia đình phấn đấu vươn lên cũng là đáng mừng, thành viên còn lại cần động viên,ghi nhận công sức đó.

Xin cảm ơn chuyên gia đã chia sẻ!

Xem thêm tin bài liên quan hấp dẫn tại đây:

Đàn ông không còn là… trụ cột?

Khi trụ cột lung lay

Phụ nữ mới là trụ cột của gia đình?

Đừng tham quyền "trụ cột"

T.S Đinh Đoàn: “Ly hôn là do đàn bà”

Tôi đã từng vỗ ngực nhận mình đoan chính

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vợ giỏi hơn chồng