Ngắt lời mọi người không bao giờ là một cái nhìn tốt. Dưới đây là những thói quen trò chuyện khác cũng thô lỗ không kém.
Ngắt lời người khác
Đây là tình trạng chung của rất nhiều cuộc trò chuyện. Đó là khi chợt có điều gì xảy ra trong đầu bạn khi người khác đang nói và bạn chọn cách ngắt lời người khác để mình nói trước.
Điều này khá phổ biến và thực sự là thói quen trò chuyện thô lỗ mà bạn nên từ bỏ. Emilie Dulles, chuyên gia có hơn 29 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu phép xã giao truyền thống, nói rằng ngắt lời người khác là thói quen trò chuyện thô lỗ phổ biến nhất mà bà từng gặp.
Theo Dulles, việc ngắt lời không chỉ thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu tôn trọng đối với người nói mà còn khiến mọi người không thể chia sẻ hết câu chuyện của họ. Hãy luôn tôn trọng và để người khác nói ra hết suy nghĩ của mình trừ khi những gì bạn phải nói là khẩn cấp.
Lạm dụng ngôn ngữ châm biếm
Trong một số cuộc trò chuyện, những câu châm biếm có thể là phần hài hước, khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn song đó sẽ là điều thô lỗ khi những người xung quanh không phải bạn bè thân thiết và chưa biết đến khiếu hài hước của bạn.
Hãy luôn chú ý xem "khán giả" của mình là ai và xác định xem đó có phải là thời điểm hoặc địa điểm thích hợp.
Chỉ nói về bản thân mình
Khi bạn chỉ chăm chăm nói về bản thân trong khi trò chuyện với người khác, bạn đang truyền đi thông điệp rằng bạn chỉ quan tâm đến chính mình và không quan tâm đến người khác cũng như cảm xúc của họ.
Nhớ rằng trải nghiệm và cảm xúc của mọi người cũng quan trọng như của bạn vậy. Theo Julia Esteve Boyd, chuyên gia tư vấn về phép xã giao quốc tế tại Thụy Sĩ, mọi người đều muốn có thể chia sẻ câu chuyện của mình giống như cách bạn muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Việc biến cuộc trò chuyện trở thành buổi độc thoại sẽ khiến mọi người cảm thấy khó chịu và nhàm chán. Mọi người sẽ nghĩ rằng bạn có chút ích kỷ và không thể cân bằng tốt cuộc trò chuyện.
Dùng điện thoại khi trò chuyện
Bị phân tâm bởi điện thoại là một trong những thói quen trò chuyện thô lỗ phổ biến nhất. Không thể phủ nhận những lợi ích mà điện thoại mang đến cho chúng ta, nó giúp bạn kết nối với những người ở xa nhưng nếu bạn chăm chú vào điện thoại khi trò chuyện với người khác, bạn sẽ mất đi mối quan hệ ở ngay gần mình.
Khi bạn dùng điện thoại trong lúc trò chuyện, điều đó truyền đi thông điệp rằng bạn đang buồn chán, muốn ở nơi khác chứ không phải ở đây nói chuyện với người kia hoặc những thứ trên điện thoại mới hấp dẫn và là điều bạn cần. Các chuyên gia giao tiếp đều đồng ý rằng sử dụng điện thoại trong khi trò chuyện là rất thô lỗ, cần phải từ bỏ sớm.
Luôn cho mình là đúng
Nếu cuộc trò chuyện bỗng trở thành một cuộc tranh luận nhiều hơn, đừng lo lắng về việc đúng hay sai. Theo các chuyên gia giao tiếp, việc khăng khăng giành chiến thắng trong một cuộc trò chuyện không có nghĩa là bạn thắng cuộc mà đơn giản là bạn đang hành xử thô lỗ.
Điều quan trọng không phải là bạn đúng hay sai, mà là các bạn hiểu nhau đến đâu, khả năng đồng cảm thế nào. Đó là cách để chúng ta có những cuộc trò chuyện hiệu quả hơn, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Hãy luôn tích cực và cho mọi người cơ hội trò chuyện, bạn trở thành người thú vị mà ai cũng muốn kết thân.
Chuẩn bị lượt của mình trước khi người khác kết thúc câu chuyện
Ngày nay, có rất nhiều người thực sự không hề lắng nghe người khác trò chuyện. Thay vào đó, họ chỉ đang đợi đến lượt của mình để nói, tệ hơn là ngắt cả lời của người khác để nói luôn.
Hãy là người lịch sự, tôn trọng người trò chuyện cùng và để họ nói hết câu chuyện của họ. Đừng lơ đãng và chỉ chăm chăm đến phần nói của mình. Giao tiếp không phải lúc nào cũng là chỉ đợi đến lượt mình nói.
Đưa ra nhận xét không phù hợp
Điều quan trọng trong một cuộc trò chuyện là đôi bên phải tôn trọng ranh giới và sự nhạy cảm của người kia, bất kể đó là về giới tính hay văn hóa. Nếu bạn vô tình nói ra những lời bình luận không phù hợp, hãy xin lỗi, nhận trách nhiệm của mình và coi đó là bài học để lần sau không mắc phải nữa.