Ở nhà hết vào bếp, ra tủ lạnh lại về... giường, chị em hầu như ai cũng dễ tăng cân. Nhiều người cố gắng tập luyện, giảm ăn nhưng mỡ vẫn tích ngày càng nhiều bởi vô tình mắc phải sai lầm rất cơ bản.
Trong thời gian giãn cách ở nhà, nhiều người ít vận động, ăn ngủ nhiều hơn nên việc tăng cân khá thường gặp. Để xử lý vấn đề này không ít chị em thực hiện chế độ giảm ăn, ăn kiêng, kết hợp với tập thể dục tại nhà để giữ vóc dáng.
PGS Nguyễn Xuân Ninh - Chuyên gia Dinh dưỡng và Y học thể thao (Trưởng phòng khám Dinh dưỡng Viam - Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết việc ăn kiêng, giảm ăn cũng là một phương án vì ngoài giữ được vóc dáng còn giúp tiết kiệm trong thời điểm giảm thu nhập do dịch bệnh.
Tuy nhiên, PGS Ninh cũng cảnh báo nếu ăn kiêng không đúng cách sẽ để lại những vấn đề nguy cấp hơn đối với sức khỏe, đó là không đủ sức chống lại COVID-19.
Đối với vấn đề tập luyện thể thao tại nhà, PGS Ninh nhận được rất nhiều thắc mắc của chị em là dù chăm chỉ tập luyện nhưng không giảm được cân, không tan được mỡ thừa. Từ những thắc mắc trên, PGS Nguyễn Xuân Ninh chỉ ra những sai lầm về tập luyện và dinh dưỡng thường gặp nhất.
Nhiều chị em lo lắng sau thời gian giãn cách ở nhà sẽ tăng cân vùn vụt. (Ảnh minh họa)
Sai lầm 1: Quá nóng vội, nhịn ăn và tập luyện một cách thái quá để giảm cân
PGS Nguyễn Xuân Ninh cho biết điều này thường gặp ở các bạn trẻ hoặc người cần giảm cân gấp cho một sự kiện quan trọng nào đó. Theo đó, sai lầm thường gặp nhất đó là nhịn ăn toàn bộ chất bột, không ăn cơm, chỉ ăn ít thịt nạc, một chút hoa quả không ngọt, uống thật nhiều nước ép rau tươi, rau xanh... như vậy có thể giảm 3-5kg sau 10-15 ngày.
Với cách này, dù có thể giảm được cân, giảm nước, giảm khối lượng cơ, nhưng sẽ thiếu năng lượng để làm việc, người luôn mệt mỏi, có thể kèm theo hạ huyết áp, hạ đường máu, đau đầu, nặng có thể trụy tim mạch, nguy hiểm cho sức khỏe. Điều đáng nói, áp dụng cách này lượng mỡ không giảm hoặc giảm rất ít.
Tiếp theo là nhiều người dù ăn ít, nhưng tập thể dục thật nhiều, cách này có thể giảm cân nhưng hậu quả cũng rất tai hại. Đó là dễ bị mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, rối loạn tim mạch, dễ gặp tai nạn, người mệt mỏi đau nhức, sức khỏe giảm sút toàn bộ, yếu sinh lý, giảm khả năng làm việc trí óc, tinh thần lơ mơ, buồn ngủ... và có thể bị trụy tim mạch, tử vong.
Chế độ giảm cân, giảm mỡ phải phụ thuộc vào cơ địa từng người chứ không có công thức chung cho tất cả mọi người. (Ảnh minh họa)
Sai lầm 2: Không hiểu rõ bản chất của tập thể dục giảm mỡ với tập thể dục thông thường
PGS Xuân Ninh cho biết tập thể dục để khỏe, để hết mệt, đau mỏi chân tay, thoải mái đầu óc, mỗi ngày tập 10-15 phút khi ngủ dậy, 5 phút giải lao giữa giờ làm việc…
Tuy nhiên với những người tập thể dục với mục tiêu giảm mỡ nếu chỉ tập như trên thì chưa đủ. Giảm mỡ khác giảm cân, giảm cân có thể giảm nước là chính, sau mỗi buổi tập 40-50 phút, ra mồ hôi nhiều có thể giảm 1-2kg. Còn giảm mỡ phải tập cả tuần, mỗi ngày 50-60 phút, mới giảm được 1kg mỡ.
Để đạt được hiệu quả giảm mỡ, PGS Ninh cho biết cần phải tính được lượng calo đầu vào (do ăn uống) và lượng calo tiêu hao (do hoạt động), sao cho lượng tiêu hao phải lớn hơn đầu vào.
Để giảm được 1kg mỡ cần giảm được 7500-8000 calo từ giảm ăn và tập thể dục. Nếu tính bình quân mỗi ngày giảm 800 calo (tập 350-400 calo, ăn giảm 400 calo), thì sau 10 ngày sẽ giảm được 1kg mỡ và 1 tháng giảm được 3kg mỡ.
Việc ăn vặt, ăn bổ sung sau tập thể dục là một sai lầm thường gặp ở chị em. (Ảnh minh họa)
Một vấn đề nữa đó là chị em khi tập luyện rất tích cực, trong 40-50 phút có thể giảm được 350 calo. Tuy nhiên, sau tập luyện nhiều chị em lại “bồi dưỡng” món ăn đồ uống nạp vào cơ thể khoảng 400-450calo. Như vậy, số calo không những không giảm được mà còn tăng thêm 50-100 calo nữa. Điều này dẫn đến việc tập đều, tập chăm mà không giảm mỡ, lại tăng cân.
Sai lầm 3: Không xác định rõ mục tiêu trước khi tập
PGS Nguyễn Xuân Ninh cho biết khi bắt đầu liệu trình giảm cân, giảm mỡ, nhiều người không xác định được lượng mỡ thừa của mình là bao nhiêu nên không đưa ra được mục tiêu cụ thể để tập luyện. Vì thế, khi tập được 3-4 ngày nhưng không thấy hiệu quả liền sinh chán nản, bỏ cuộc.
Để xác định lượng mỡ thừa trong cơ thể, mọi người có thể đến các phòng khám dinh dưỡng, hoặc có số liệu cụ thể nhờ bác sĩ dinh dưỡng tư vấn online trong mùa dịch. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết về ăn uống, tập thể dục, với thời gian phù hợp... để đạt kết quả tốt, giảm cân, giảm mỡ, dáng đẹp, khỏe mạnh.
Tuyệt đối không nhịn ăn để giảm cân, điều này sẽ rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Để tập luyện có hiệu quả, không ảnh hưởng sức khỏe, PGS Nguyễn Xuân Ninh cho biết ngoài việc lựa chọn môn thể dục phù hợp, tập luyện đúng khoa học về thời gian tập, động tác tập thì vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, vấn đề kết hợp dinh dưỡng và tập luyện cơ địa mỗi người mỗi khác, vì thế không có công thức chung cho tất cả mọi người. Để đạt được hiệu quả cao nhất tốt nhất, trước khi tập luyện cần lên kế hoạch cụ thể, tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, thể thao để tìm một “giáo án” phù hợp nhất.
Giám đốc bệnh viện Thể Thao Việt Nam