Hai bộ phận khi ăn vải ai cũng vứt, một trong số đó là vị thuốc chữa bệnh rất quý

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 03/06/2021 09:30 AM (GMT+7)

Nếu ăn vải vừa đủ, đúng cách và biết tận dụng các bộ phận trong quả sẽ rất tốt cho sức khỏe.

2 vị thuốc trong quả vải nhưng ai cũng bỏ đi

Hiện nay, quả vải đang bắt đầu vào mùa và được bày bán rất nhiều từ trong siêu thị, cho đến các cửa hàng tạp hóa nhỏ. Giá quả vải năm nay không quá đắt, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg nên nhiều người tmua về sử dụng như một loại đồ ăn giải khát, tráng miệng.

Ths.lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, quả vải không chỉ là đồ ăn mà trong đông y, vải là một vị thuốc có nhiều công dụng với sức khỏe. Quả vải giúp tỉnh táo tinh thần, tăng thân nhiệt, giúp tráng dương, làm đẹp nhan sắc…

Theo lương y Trung, đa phần người dân khi ăn vải chỉ ăn phần cùi trắng mà bỏ phí phần vỏ lụa bao bên ngoài, thậm chí phần hạt vải vứt đi cũng vô cùng lãng phí. Bởi hạt vải là vị thuốc quý, do chỉ có theo mùa nên nhiều người còn phải đi thu mua về để sử dụng dần.

Theo lương y Trung, phần vỏ lụa của vải có vị hơi chát nên không ai thích ăn. Tuy nhiên, vỏ lụa của vài ngoài cung cấp chất xơ, còn có tác dụng giảm độ nóng, ngọt của cùi vải.


Hai bộ phận khi ăn vải ai cũng vứt, một trong số đó là vị thuốc chữa bệnh rất quý - 1

Hạt vải là vị thuốc quý nhưng thường bị vứt bỏ khi ăn.

Đối với hạt vải, tuy không thể ăn trực tiếp nhưng đây lại là vị thuốc có giá trị trong đông y, được gọi là lệ chi hạch (lệ nhân). Hạt vải có vị ngọt chát, tính ấm, không độc, đi vào 3 kinh can, vị và thận, có tác dụng hành khí tán kết, tán hàn chỉ thống.

Hạt vải có tác dụng chữa các chứng bệnh liên quan đến chức năng của khí và dùng khi kết hợp với một số vị thuốc khác như hương phụ, trần bì, thanh bì… Ví dụ như hỗ trợ chữa đau bụng kinh hoặc đau bụng sau sinh ở phụ nữ với công thức hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ 40g tán bột mịn, ngày 6-8g uống với nước muối loãng hoặc nước cơm. Mỗi ngày sử dụng 2 lần.

Có thể dùng hạt vải hỗ trợ phòng sỏi mật với công thức: Hạt vải và hạt quýt - mỗi thứ 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 3 bát, đun sôi, uống thay trà trong ngày.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết người dân khi dùng để điều trị, hỗ trợ phòng bệnh thì cần phải tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, không tự ý sử dụng.

Vải ngon, rẻ nhưng tuyệt đối không ăn nhiều

Hai bộ phận khi ăn vải ai cũng vứt, một trong số đó là vị thuốc chữa bệnh rất quý - 2

Dù vải ngon, có nhiều tác dụng nhưng tuyệt đối không nên ăn nhiều.

Dù có nhiều công dụng nhưng lương y Trung khuyến cáo tuyệt đối không ăn nhiều vải, bởi ăn nhiều sẽ phản tác dụng. Vị chuyên gia này phân tích, quả vải có tính nóng, nếu ăn quá nhiều sẽ phát ban, sinh mụn nhọt cho cơ thể.

Ngoài việc ăn trực tiếp, cùi vải cũng có thể dùng để nấu chè kết hợp với một số vị khác như đậu xanh, hạt sen để giảm tính nóng của vải.

Một vấn đề cũng hết sức lưu ý đó là trong quả vải có chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều sẽ tăng lượng đường vào trong máu, khiến cơ thể tiết insulin tăng lên để làm hạ nồng độ đường máu xuống, từ đó sẽ gây ra phản ứng đường máu thấp dẫn đến các biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt…

“Ăn nhiều vải khiến cơ thể buồn nôn, mệt mỏi… hay người dân hay gọi đây là tình trạng “say vải”. Để tránh tình trạng này, người lớn chỉ nên ăn dưới 10 quả vải, còn trẻ nhỏ chỉ ăn khoàng 3-4 quả, tuyệt đối không nên ăn nhiều”, lương y Trung cho hay. 

Khi ăn vải có thể ngâm nước muối, rửa sạch trước khi ăn để có thể loại bỏ tạp chất, hạn chế nấm có ở ngoài bề mặt quả vải nếu có để tránh ngộ độc. Bởi quả vải có độ pH, hàm lượng đường cao nên rất thuận lợi để các loại nấm phát triển. 

Ai không nên hoặc hạn chế ăn quả vải?

Hai bộ phận khi ăn vải ai cũng vứt, một trong số đó là vị thuốc chữa bệnh rất quý - 3

Những người có bệnh lý như tiểu đường hoặc người bị nóng trong không nên ăn vải.

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết do quả vải có tính nóng nên những người bị rôm sảy, nóng trong, thủy đậu,…không nên ăn vải vì sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.

Ngoài ra, phụ nữ có thai khi ăn vải cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì ngoài tính nóng, quả vải có lượng đường cao nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Do quả vải tươi chứa hàm lượng đường cao, bệnh nhân tiểu đường không nên ăn vì gan không chuyển hóa hết fructose. Lúc đó, lượng đường trong máu sẽ tăng cao bất thường. Một số người đang có ý định giảm cân, phụ nữ trong thời kỳ đèn đỏ cũng không nên ăn nhiều vải.

Không chỉ quả chín, hồng xiêm xanh cũng là vị thuốc quý nhưng cần lưu ý điều này khi ăn
Đa số mọi người thường sử dụng quả hồng xiêm chín, nhưng ít ai biết rằng quả xanh, thậm chí là hạt cũng có công dụng mà nhiều người bỏ đi.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe