Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào?

Ngày 07/04/2020 06:56 AM (GMT+7)

Một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch COVID-19 đó là đeo khẩu trang. Tuy nhiên nên đeo khẩu trang loại nào và đeo như thế nào để phòng ngừa tốt nhất. Các chuyên gia của Học viện Quân y sẽ giải đáp cho các bạn vấn đề này.

Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào? - 1

1. Tại sao đeo khẩu trang có thể ngăn ngừa được bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp?

Khẩu trang khi sử dụng đúng loại và đúng cách có tác dụng ngăn ngừa được các tác nhân gây bệnh từ đường hô hấp của người mang mầm bệnh phát tán ra không khí và từ không khí vào đường hô hấp của người chưa bị nhiễm bệnh. Hiệu quả phòng ngừa sẽ cao hơn khi cả người mang mầm bệnh và người không mang mầm bệnh cùng sử dụng khẩu trang.

2. Có bao nhiêu loại khẩu trang y tế, cấu tạo cơ bản và công dụng của mỗi loại?

Khẩu trang y tế có hai loại là khẩu trang ngoại khoa và khẩu trang có hiệu lực lọc cao.

Khẩu trang ngoại khoa chỉ ngăn ngừa được các giọt bắn có kích thước lớn từ 5µm trở lên và lây truyền trong phạm vi 1m khi ho, hắt hơi, hút đờm dãi...

Khẩu trang hoạt lực cao (N95, N96, N99...) ngăn ngừa lây truyền qua đường hô hấp qua các giọt nhỏ dưới 5µm.

Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào? - 2

Khẩu trang N95 (bên trái) và khẩu trang y tế (bên phải).

3. Khi nào cần dùng khẩu trang y tế N95 để dự phòng lây nhiễm COVID-19?

Khi ở môi trường có nguy cơ tiếp xúc với các các giọt bắn nhỏ dưới 5µm bắn ra từ đường hô hấp của người mang mầm bệnh. Vì vậy, khẩu trang N95 được chỉ định cho nhân viên y tế và người nhà khi chăm sóc người bệnh có tiếp xúc trực tiếp trong vòng bán kính 2m để ngăn ngừa COVID-19 lây truyền qua đường không khí.

4. Đeo khẩu trang là để bảo vệ người chưa bị nhiễm hay bảo vệ người đã bị nhiễm COVID-19?

Đeo khẩu trang có tác dụng kép vừa để bảo vệ người chưa bị nhiễm và người đã bị nhiễm. Cả hai mục đích này đều quan trọng. Hiệu quả phòng ngừa sẽ cao hơn khi cả người mang mầm bệnh và người không mang mầm bệnh cùng sử dụng khẩu trang, đặc biệt là trong thời kỳ có dịch bệnh đường hô hấp như dịch COVID-19.

5. Tại sao người đã nhiễm COVID-19 vẫn cần phải đeo khẩu trang?

Người đã bị nhiễm vẫn cần đeo khẩu trang để bảo vệ tránh bị nhiễm thêm các mầm bệnh khác có thể làm cho bệnh nặng hơn, đồng thời ngăn phát tán virus ra môi trường bên ngoài làm lây cho người tiếp xúc hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng như bàn tay, tay nắm cửa, dụng cụ sinh hoạt… để bảo vệ cộng đồng.

Vì thế, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người mang mầm bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam, kể cả không phải lúc có dịch bệnh, nhiều người đã có ý thức tự đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng nếu họ bị ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh đường hô hấp cho cộng đồng. Đây là hành động thể hiện trách nhiệm của các nhân với cộng đồng.

6. Vì sao nói khẩu trang y tế 3 lớp đã có thể ngăn cản hiệu quả lây nhiễm COVID-19? 

Khẩu trang y tế 3 lớp có cấu tạo: Lớp ngoài cùng chống thấm, lớp giữa là màng lọc, lớp trong là lớp thấm nước. Khi sử dụng, không khí đi qua màng lọc và bị giữ lại các hạt nhỏ từ 90 - 95% các tác nhân gây bệnh. Nếu bị văng bắn giọt lớn vào mặt ngoài chúng sẽ bị rơi xuống đất nên nguy cơ hít vào mũi miệng người đeo là rất thấp, vì vậy đeo khẩu trang y tế 3 lớp đã có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19.

7. Đeo khẩu trang y tế như như nào là đúng cách?

Khi đeo đảm bảo tay sạch, luôn đeo mặt chống thấm ra ngoài, chỉnh thanh kim loại cho ôm sát mũi và quai đeo chắc chắn. Khẩu trang phải chùm kín được mũi, miệng. Không sờ tay vào mặt ngoài trong suốt quá trình sử dụng.

Khi tháo phải vệ sinh tay, dùng tay tháo dây đeo và chỉ cầm dây đeo bỏ vào thùng rác, không sờ vào mặt ngoài khẩu trang. Thời gian đeo khẩu trang dùng một lần khoảng 6 - 8 giờ.

Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào? - 3

8. Khi ở bên ngoài vùng có dịch có nhất thiết phải đeo khẩu trang không?

Khi ở ngoài vùng có dịch không có nghĩa là không có nguy cơ nhiễm mầm bệnh vì virus có thể phát tán từ người mang mầm bệnh không triệu chứng. Tuy nhiên, nguy cơ ấy khác nhau trong từng hoàn cảnh tiếp xúc, sinh hoạt khác nhau.

Ví dụ: Người chỉ ở nhà không tiếp xúc với người bên ngoài có nguy cơ thấp hơn so với đến dự một sự kiện ở nơi công cộng có nhiều người không quen biết. Mọi người nên học cách đánh giá nguy cơ để đưa ra quyết định nên đeo khẩu trang hoặc chưa cần thiết phải đeo khẩu trang. Có như vậy sẽ tránh được tâm lý hoang mang, nhất là tâm lý đám đông, dẫn đến các tình trạng hoảng loạn, quá lo lắng vì đã “quên không đeo khẩu trang” hoặc đổ xô đi mua khẩu trang gây ra các hệ lụy không tốt cho xã hội về cung ứng khẩu trang y tế.

9. Khi nào cần đeo khẩu trang?

Người dân cần đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp: Khi có các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở; khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm/nghi ngờ nhiễm COVID-19; khi chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở hoặc được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi khám tại cơ sở y tế.

10. Khẩu trang vải có tác dụng dự phòng lây nhiễm COVID-19 không?

Có. Tuy nhiên hiệu quả bảo vệ thấp hơn khẩu trang y tế và có thể khác nhau tùy theo cấu tạo và cách sử dụng (đặc biệt là vấn đề tái sử dụng ) của khẩu trang vải. Cần lưu ý thông tin từ nhà sản xuất xem khẩu trang vải định sử dụng có đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của Bộ Y tế hay không.

Mời quý độc giả đón đọc Phần 9: Những điều cần lưu ý khi rửa tay phòng lây nhiễm COVID-19 trên chuyên mục Sức khỏe vào lúc 7 giờ sáng ngày 8/4

Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào? - 4

Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào? - 5

Hỏi-đáp về COVID-19 (P8): Khi nào cần đeo khẩu trang và nên đeo khẩu trang loại nào? - 6

Hỏi-đáp về COVID-19 (P7): Người từ vùng dịch về hoặc đang sống trong vùng dịch cần lưu ý những gì?
Người đi từ vùng dịch về hay đang sống trong vùng dịch sẽ phải tiến hành cách ly như thế nào? Những thắc mắc này sẽ được các chuyên gia của Học viện...
PGS.TS.BS Lê Văn Đồng (Học viện Quân Y) - Tổ trưởng Tổ biên soạn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19