Hai đứa trẻ có sự chênh lệch lớn về chiều cao và cân nặng gây chú ý.
Kể từ khi trẻ chào đời, chiều cao và cân nặng đã trở thành chủ đề trò chuyện của các bà mẹ bỉm sữa với nhau, đặc biệt là đối với trẻ cùng độ tuổi. Tất nhiên, bà mẹ nào cũng đều mong muốn con mình cao hơn và phát triển cân nặng tốt hơn những đứa trẻ khác.
Tiểu Thanh và Tiểu Minh (Trung Quốc) là một cặp em bé gần như được sinh ra cùng một lúc, hai đứa trẻ không chỉ là bạn học mà còn là hàng xóm thân thiết của nhau. Khi mới sinh ra, cân nặng và chiều cao của Tiểu Thanh và Tiểu Minh đều gần như nhau. Cả 2 lớn lên cùng nhau và trở thành những người bạn tốt. Tuy nhiên, khi dần lớn lên thì chiều cao và cân nặng của Tiểu Thanh và Tiểu Minh lại có sự chênh lệch rất lớn.
Mới đây, khi mẹ của Tiểu Thanh đăng tải bức hình của cô con gái với cậu bạn lên trang cá nhân, nó đã thực sự thu hút sự chú ý của nhiều người, làm dấy lên những sự tranh luận vì ai cũng cho rằng, nhìn 2 đứa trẻ không giống như ngang tuổi nhau.
Trong hình, Tiểu Thanh tuy là một cô bé nhưng đã cao hơn 100 cm và nặng hơn 40 kg. Còn Tiểu Minh là một bé trai, nhưng chỉ cao hơn 80 cm và nặng hơn 20 kg. Khi đứng chung trong một khung hình, Tiểu Thanh cao hơn Tiểu Minh một cái đầu và nặng gần gấp đôi cậu bé. Nếu ai không biết thì đều nghĩ 2 cô cậu là chị gái và em trai trong gia đình. Nhiều người còn thích thú để lại bình luận: "Hai đứa nhóc trông giống như cỡ nhỏ gặp cỡ lớn vậy, đáng yêu quá".
Bên cạnh những lời khen dành cho sự dễ thương này, đã có không ít tranh cãi diễn ra giữa các bậc phụ huynh về vấn đề cân nặng và chiều cao chênh lệch giữa 2 đứa trẻ bằng tuổi nhau. Một số ông bố bà mẹ cho rằng, đứa trẻ trông "có da có thịt", mũm mĩm một tí và sở hữu chiều cao ấn tượng sẽ tốt hơn. Điều này chứng tỏ đứa trẻ được bố mẹ nuôi dưỡng rất tốt.
Ngược lại, nếu so sánh với bạn bè đồng trang lứa mà trẻ có sự yếu thế hơn về chiều cao và cân nặng thì bố mẹ cần phải xem xét lại cách nuôi con của mình. Bởi chỉ khi bố mẹ nuôi con sai cách thì đứa trẻ mới chậm lớn, và chậm phát triển như thế.
Tuy nhiên cũng có các bậc phụ huynh khác nêu ý kiến rằng, trẻ tăng trưởng chiều cao là tốt, nhưng cân nặng thì không nên vượt quá, vì có thể sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh béo phì, hoàn toàn không có lợi cho sức khoẻ của trẻ.
Có thể thấy, vấn đề này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều ông bố bà mẹ. Là bố mẹ thì ai cũng mong con mình sẽ khỏe mạnh và cao lớn hơn. Để làm được điều này, bố mẹ cần phải nắm rõ những cách nuôi con đúng đắn và phù hợp. Có như vậy thì trẻ mới có thể đạt được chỉ số tăng trưởng, phát triển tốt nhất.
Cân nặng và chiều cao tiêu chuẩn của trẻ theo độ tuổi là gì?
Cân nặng của một đứa trẻ có thể khác nhau tùy theo nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, chiều cao và di truyền. Việc xác định cân nặng chuẩn của một đứa trẻ thường được thực hiện bằng cách so sánh với các tiêu chuẩn phát triển và tăng trưởng của trẻ em trong cùng độ tuổi.
Một cách thông thường để đánh giá cân nặng của trẻ em là sử dụng chỉ số BMI (Body Mass Index) cho trẻ em. Chỉ số BMI cho trẻ em tính dựa trên cân nặng và chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, để xác định cân nặng chuẩn, cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau, và tư vấn từ các chuyên gia y tế như bác sĩ hoặc chuyên gia trẻ em.
Thông thường, bảng số liệu tăng trưởng và phát triển của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) được sử dụng để đánh giá cân nặng chuẩn của trẻ em. Bảng này cung cấp các phạm vi cân nặng theo độ tuổi và giới tính, dựa trên nghiên cứu và dữ liệu toàn cầu về tăng trưởng của trẻ em.
Nguồn: Internet
Bên cạnh cân nặng thì như chúng ta đã biết, trẻ phát triển chiều cao vượt bật chỉ ở trong một độ tuổi nhất định. Vì vậy, nếu bố mẹ không chú trọng mà bỏ qua thì rất có thể con sẽ sở hữu một chiều cao "khiêm tốn" sau khi lớn.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, có hai giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ, và cũng là "giai đoạn vàng" tăng trưởng chiều cao tốt nhất:
- Giai đoạn sơ sinh
Năm đầu tiên sau khi sinh là giai đoạn phát triển nhanh nhất của trẻ, chiều cao sẽ tăng khoảng 25 cm. Trong đó, chiều cao sẽ tăng khoảng 10-13 cm trong 3 tháng đầu. Sau khi trẻ được 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại đôi chút, khoảng 10-12cm. Khi trẻ được 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ giảm xuống còn khoảng 6-7cm/năm.
Nếu tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ dưới 5cm mỗi năm thì có nghĩa là tốc độ tăng trưởng quá chậm, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để cải thiện tình hình kịp thời trước khi quá muộn.
- Giai đoạn tuổi dậy thì
Các bé gái thường bắt đầu bước vào tuổi dậy thì trong độ tuổi từ 9 đến 11, lúc này cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng và trẻ có thể cao từ 8 đến 9 cm mỗi năm.
Tuổi dậy thì của bé trai sẽ muộn hơn một chút, thông thường chiều cao của bé trai bắt đầu tăng nhanh khi được 11 đến 13 tuổi, và tăng khoảng 9 đến 10 cm mỗi năm. Sau tuổi dậy thì, chiều cao của trẻ về cơ bản đã được thiết lập, và không gian để phát triển thêm là rất hạn chế.
Chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố di truyền, nhưng hiện nay nhiều trẻ đã cao hơn bố mẹ rất nhiều nên tiềm năng tăng trưởng của trẻ vẫn còn rất lớn.
Bố mẹ nên chú ý đến những yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao của con mình dưới đây để có cách nuôi dạy phù hợp:
- Chế độ ăn uống
Ngày nay, điều kiện sống của trẻ đã tốt hơn nhưng ngày càng có nhiều trẻ rơi vào tình trạng kén ăn, biếng ăn. Một số trẻ thích ăn vặt, thậm chí ăn thay bữa ăn chính. Nếu ăn quá nhiều đồ ăn chứa chất béo, lượng đường cao thì trẻ rất dễ có nguy cơ trở thành một “đứa trẻ mũm mĩm”. Việc tăng cân quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Ngược lại, cũng có một số trẻ không thích ăn gì, dẫn đến thân hình gầy gò, chiều cao "khiêm tốn", khả năng miễn dịch kém và thường xuyên ốm đau.
Đó là lý do mà trẻ cần phải duy trì một chế độ ăn uống đều đặn, đa dạng các loại thực phẩm, cung cấp đủ chất đạm, carbohydrate, vitamin và các nguyên tố vi lượng cho cơ thể phát triển hàng ngày. Thịt gà, cá, thịt, trứng, sữa, rau củ quả tươi… là những thực phẩm trẻ cần bổ sung thường xuyên. Chỉ khi trẻ không kén chọn thức ăn thì trẻ mới có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể phát triển và cao lớn nhanh hơn.
- Giấc ngủ
Người lớn hay thức khuya thì trên thực tế trẻ em cũng không ngoại lệ. Tình trạng thiếu ngủ, giấc ngủ không đủ, kém chất lượng là trở ngại lớn cho quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ. Sự phát triển của cơ thể trẻ không thể tách rời khỏi hormone tăng trưởng do não tiết ra, và sự tiết ra hormone tăng trưởng đạt đến đỉnh điểm khi trẻ ngủ sâu.
Trẻ mầm non cần đảm bảo ngủ từ 11 đến 13 giờ mỗi ngày, và trẻ ở độ tuổi đi học cũng cần đảm bảo ngủ từ 10 đến 11 giờ mỗi ngày. Trẻ có thể cao lên nhanh chóng nếu ngủ đủ giấc.
- Thói quen rèn luyện thể chất, tinh thần
Việc trẻ em ngày nay gặp nhiều áp lực trong học tập, và thiếu vận động là điều rất bình thường. Vận động đúng cách ở trẻ có thể thúc đẩy tiết hormone tăng trưởng, giúp trẻ ăn nhiều, khỏe mạnh, ít ốm đau. Điều này sẽ rất có lợi cho việc tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Chạy, chơi cầu lông, kéo xà, nhảy dây đều là những môn thể thao tốt cho sức khoẻ, cần có sự kiên trì để trẻ hình thành thói quen yêu thích thể thao và dành thời gian để rèn luyện mỗi ngày.
Sự tăng trưởng của trẻ không chỉ liên quan đến việc hỗ trợ dinh dưỡng, nâng cao thể chất mà tinh thần cũng ảnh hưởng vô cùng lớn. Quá nhiều căng thẳng về mặt tinh thần đối với trẻ cũng sẽ cản trở sự phát triển chiều cao và cân năng. Vì vậy, việc bố mẹ tạo dựng một không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận có thể làm giảm bớt áp lực học tập cho trẻ, và cũng là điều kiện cần để trẻ trưởng thành toàn diện.