Tùy theo từng giai đoạn mà nguyên nhân dẫn tới hiện tượng ra máu như hành kinh khi mang thai sẽ khác nhau, việc nắm rõ các nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ có phương pháp điều trị thích hợp.
Ra máu như hành kinh khi mang thai có thể rất nguy hiểm nhưng không phải lúc nào đây cũng là dấu hiệu cho những rắc rối. Chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu (đến tuần thứ 12) có thể xảy ra và hầu hết các mẹ bầu đều sinh con khỏe mạnh.
Tuy nhiên, chảy máu khi mang thai lại là dấu hiệu cảnh báo sắp sảy thai hoặc một tình trạng nào đó cần phải điều trị kịp thời. Hiểu rõ các nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu khi mang thai sẽ giúp sản phụ biết phải làm gì khi rơi vào trường hợp đó và khi nào cần phải liên hệ với bác sĩ.
Ra máu như hành kinh khi mang thai có thể rất nguy hiểm với cả mẹ và bé. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây chảy máu khi mang thai
Tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ mà nguyên nhân gây chảy máu âm đạo khi mang thai cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Tam cá nguyệt thứ nhất
Nguyên nhân có thể gây chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu bao gồm:
- Mang thai ngoài tử cung: Thai làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong ống dẫn trứng.
- Phôi thai làm tổ: Xảy ra khoảng 10-14 ngày sau khi trứng đã được thụ tinh làm tổ trong thành tử cung.
- Sảy thai: Tình trạng mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Chửa trứng: Đây là trường hợp hiếm gặp, trong đó trứng được thụ tinh sẽ phát triển thành cụm tế bào bất thường thay vì thai nhi.
- Gặp các vấn đề về tử cung, chẳng hạn như nhiễm trùng cổ tử cung, cổ tử cung bị viêm hoặc tăng sinh nội mạc tử cung.
2. Tam cá nguyệt thứ 2 và 3
Nguyên nhân gây ra máu như hành kinh khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3 của thai kỳ có thể là:
- Suy cổ tử cung: Cổ tử cung mở sớm, có thể dẫn đến sinh non.
- Sảy thai (trước tuần thứ 20 của thai kỳ) hoặc thai chết lưu trong tử cung.
- Bóc tách nhau thai: Điều này có nghĩa là nhau thai, nơi cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho bé, sẽ tách ra khỏi thành tử cung thay vì gắn vào như bình thường.
- Nhau thai bám thấp hoặc che cổ tử cung sẽ gây xuất huyết nghiêm trọng khi mang thai.
- Sinh non: Hiện tượng này có thể dẫn đến xuất huyết nhẹ, đặc biệt là khi đi kèm với các cơn co thắt, đau lưng âm ỉ hoặc áp lực vùng chậu.
- Gặp các vấn đề về tử cung, chẳng hạn như nhiễm trùng cổ tử cung, cổ tử cung bị viêm hoặc tăng sinh nội mạc tử cung.
- Vỡ tử cung: Một trường hợp hiếm gặp nhưng sẽ đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
Nếu chảy máu âm đạo khi mang thai kèm theo cơn đau bụng, mẹ bầu nên đi khám ngay. Ảnh minh họa
3. Gần cuối thai kỳ
Nếu xuất huyết ít và trộn lẫn với các chất nhầy ở những ngày cuối thai kỳ thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo thai phụ đang bắt đầu chuyển dạ. Dịch tiết âm đạo thường có màu hồng hoặc có máu và thường được gọi là máu báo.
Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Khi có thai nhưng ra máu như hành kinh, các mẹ bầu chớ chủ quan và hãy tới bệnh viện thăm khám hoặc tìm tới sự tư vấn của các bác sĩ trong các trường hợp sau đây:
- Xuất huyết nhẹ suốt một ngày đối với tam cá nguyệt thứ nhất và trong vài giờ với tam cá nguyệt thứ 2.
- Chảy máu âm đạo kèm theo cơn đau bụng, chuột rút, sốt hoặc ớn lạnh.
- Chảy máu âm đạo và bạn thuộc nhóm máu Rh-.
Dù trong bất kỳ trường hợp nào, nếu ra máu như hành kinh khi mang thai, các mẹ bầu cũng cần phải giữ bình tĩnh, quan sát lượng máu ra nhiều hay ít, màu sắc và các đặc điểm khác rồi tới bệnh viện để các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hơn vấn đề mà bạn đang gặp phải.
NGUỒN THAM KHẢO: Bleeding during pregnancy - Mayoclinic - 22/1/2020 |