Vợ chồng 12 năm mòn mỏi chờ đợi đứa con thứ 2, cả thai kỳ IVF hồi hộp và căng thẳng tột độ

Thảo Nguyên - Ngày 08/04/2023 14:00 PM (GMT+7)

Sau khi có em bé đầu lòng, vợ chồng trẻ kế hoạch và câu chuyện mệt mỏi bắt đầu từ đây.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch

 Giảng viên bộ môn Sản, ĐH Y Dược TP.HCM

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Hơn 20 tuổi kết hôn, chị Nguyễn Thị Minh (Tên nhân vật đã được thay đổi), Tp. Hồ Chí Minh đã có con đầu lòng. Do ngày ấy vợ chồng chị Minh còn trẻ khỏe nên dễ dàng thụ thai.

Sau sinh em bé, sợ bị nhỡ kế hoạch nên chị Minh áp dụng các biện pháp ngừa thai. Và khi con lớn được 5 tuổi chị quyết định “thả” để có bầu lại. Hành trình dài tìm con thứ 2 với bao mệt mỏi của vợ chồng chị Minh bắt đầu từ đây.

“Em rất khó đậu thai dù thả tự nhiên và vợ chồng gần nhau đều đặn. Phải 6-8 tháng em mới thụ thai được 1 lần. 2 lần đầu có bầu nhưng đều bị sảy khiến em rất stress. Em chủ quan không đi khám kiểm tra nguyên nhân sảy thai mà thả tiếp lần 3.

Sau 8 tháng em lại có bầu nhưng lần thứ 3 này em còn kém may mắn hơn nữa khi bị thai ngoài tử cung nên phẫu thuật cắt 1 bên ống dẫn trứng. Những ngày tháng sau đó em tiếp tục thả nhưng trong mấy năm liền không còn đậu thai nữa… Có lẽ ống dẫn trứng còn lại cũng đã tổn thương nên em không thể có thai tự nhiên nữa”, chị Minh nhớ lại những ngày tháng sảy thai liên tiếp trong tuyệt vọng.

Sau nhiều năm hiếm muộn, vợ chồng chị Minh quyết định làm thụ tinh nhân tạo (IVF) trong tình trạng dự trữ buồng trứng bắt đầu giảm nên số noãn và phôi thu được rất ít. Tuy nhiên rất may mắn cho chị Minh đã mang bầu ngay chu kỳ chuyển phôi đầu tiên.

“Bác sĩ hiếm muộn cũng thở phào nhẹ nhõm nhưng em lo lắng về những lần sảy thai và thai ngoài tử cung nên lúc nào cũng mong chờ ngày đi khám. Mỗi lần khám định kỳ là một lần em trút bỏ được áp lực khi lần lượt từng mốc khám thai quan trọng qua đi: 05 tuần siêu âm thai trong tử cung em thở phào nhẹ nhõm, 07 có tim thai, nhịp đập tim thai khiến em thổn thức như chính nhịp tim mình tăng tần số lên, rồi 12 tuần trôi qua không có bất kì dấu hiện xuất huyết hay đau bụng nào cùng với xét nghiệm khảo sát lệch bội bình thường đủ khiến em vô cùng hạnh phúc, giải phóng những muộn phiền căng thẳng em phải gánh chịu lúc đó”, mẹ bầu chia sẻ những cung bậc cảm xúc của mình.

Từ 12 tuần và những ngày sau đó, thai kỳ của chị Minh may mắn diễn ra hoàn toàn bình thường và không có vấn đề trở ngại nào cho đến lúc lên bàn mổ sinh: “Có lẽ ông trời bù đắp cho vợ chồng chị sau 12 năm chờ đợi thêm 1 bé nữa với bao vất vả, hồi hộp và căng thẳng tột độ mỗi khi có thai”.

Theo nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch - Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh - người trực tiếp thăm khám và điều trị cho chị Minh nói trên cho rằng, có rất nhiều phụ nữ khó đậu thai dù giao hợp tự nhiên và đều đặn. Nguyên nhân là do, khả năng có thai tự nhiên giảm dần theo tuổi. Sau 30 tuổi khả năng này giảm dần, đến mốc 35 tuổi giảm nhanh chóng hơn nữa. Mỗi chu kỳ phóng noãn và giao hợp tự nhiên tỷ lệ thụ thai khoảng 12-15 %, do vậy không phải cứ phóng noãn giao hợp sẽ có thai ngay. Đôi khi mất rất nhiều chu kỳ phóng noãn mới có thai tự nhiên 1 lần.

Riêng với những chị em bị sảy thai liên tiếp (trên 2 lần) cũng do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số nguyên nhân thường gặp như rối loạn dung nạp đường, bất thường nhiễm sắc thể, dị dạng nặng tinh trùng hoặc kháng thể kháng phospholipid, bất thường buồng tử cung.

Nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch. (Ảnh: NVCC)

Nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Thạch cũng khuyên, đối với trường hợp sảy thai liên tiếp cần tìm nguyên nhân và điều chỉnh nguyên nhân trước khi để có thai lại, tiếp tục dự phòng sảy thai khi đã có thai lại. Có thể sử dụng thuốc, chế độ ăn, vận động, làm việc hợp lý. Đối với một số bệnh lý đặc biệt như kháng thể kháng phospholipid cần sử dụng thuốc chống đông chích mỗi ngày và hoặc sử dụng Progesteron trong 12 tuần đầu thai kỳ.

Ngoài ra, các chị em có thể làm IVF nhưng IVF chỉ giúp điều trị nếu có hiếm muộn kèm theo, còn bản thân IVF không làm thay đổi kết cục sảy thai liên tiếp. Tuy nhiên đối với trường hợp 2 vợ chồng bất thường nhiễm sắc thể hay có bằng chứng bất thường nhiễm sắc thể của thai ở những lần trước thì có thể chọn lựa IVF kết hợp sinh thiết phôi.

Nam bác sĩ hiếm muộn Sài Gòn khuyến cáo: “Đối với các chị em bị sảy thai liên tiếp nên gặp bác sĩ để tìm nguyên trước khi quyết định để có thai lại, cần thay đổi lối sống, bổ sung một số loại thuốc cần thiết, cân nhắc IVF trong một số trường hợp mong con”.

Vợ chồng Sài thành hiếm muộn 5 năm vì tinh trùng dị dạng, mỗi lần đi khám cầm tờ giấy xét nghiệm là run
Sau 2 năm tìm hiểu và chuẩn bị cho thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng 30 tuổi đã có rất nhiều kiến thức và quyết định dứt khoát.

Hiếm muộn - Vô sinh

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ Thân Trọng Thạch