Nhâm nhi bò khô cay ngọt ngày Tết rồi cùng nhau nói chuyện năm mới thì còn gì bằng nhỉ.
Thịt bò khô là món ăn nhâm nhi, lai rai được rất nhiều người yêu thích vì có vị thơm ngon đặc trưng, cay cay, ngọt ngot, hơi dai. Bạn có thể ăn bò khô quanh năm nhưng cứ đến dịp Tết, rất nhiều chị em lại săn lùng công thức làm để mời khách tới nhà. Bên cạnh các loại bánh kẹo, mứt Tết thì bò khô cũng là món đắt khách ngày Tết. Nhâm nhi bò khô cay ngọt với chút rượu vang rồi cùng nhau nói chuyện năm mới thì còn gì bằng nhỉ.
Chị Vũ Nga Ninh.
Nếu chưa biết cách làm bò khô thế nào cho ngon, các bạn có thể tham khảo cách làm bò khô của chị Vũ Nga Ninh (34 tuổi, Hà Nội) dưới đây nhé. Chị Ninh hiện đang là nhân viên tại 1 trường Quốc tế tại Hà Nội. Chị vô cùng yêu thích công việc nấu ăn, đi du lịch và chăm sóc gia đình.
Cách làm bò khô của chị Ninh không khó, các bạn hãy cùng thử nhé:
1. Nguyên liệu làm bò khô:
- Thịt bò mông/ thăn: 3kg
- Sả: 12 củ
- Tỏi: 5 củ
- Dầu điều: 150g
- Rượu trắng: 100ml
- Gấc( cơm gấc): 100g
- Đường vàng/ đường nâu: 270g
- Hạt nêm: 20g
- Dầu hào: 50g
- Muối: 15g
- Mì chính: 5g
- Ngũ vị hương/ bột cari: 10g
- Gia vị bò kho: 10g
- Gừng: 50g
- Bột nghệ hoặc củ nghệ tươi: 15g
- Nước mắm: 10ml
- Ớt: 5 quả
- Ớt bột Hàn Quốc: 20g
Cách chọn thịt bò ngon:
- Bò khô ngon nhất nên được làm từ thịt mông hoặc thịt nạc thăn, không nên lấy phần có lẫn gân hoặc nhiều mỡ.
- Khi mua, để chọn được thịt ngon nhớ lấy các miếng có màu đỏ tươi. Nên chọn mua những miếng thịt có thớ mềm, nhỏ nhưng không quá mịn. Ấn đầu ngón tay vào thịt, nếu thịt có độ đàn hồi tốt, không dính tay, khô ráo, không nhớt và không có mùi hôi thì đó là thịt bò tươi và vẫn mới.
Cách làm bò khô:
- Thịt bò mông hoặc thăn bò thái dọc thớ dày khoảng 0,4-0,5cm, thái to bản bằng lòng bàn tay.
Nếu làm bò khô xé thì sau khi thái miếng to bản, lại thái dọc tiếp để chia các miếng bò thành các miếng có chiều rộng khoảng 1,5cm.
- Sả cắt khúc 1-2 cm sau đó cho vào máy xay nhỏ. Để ra 1 bát riêng (sẽ trộn sau cùng để sả bám đều lên miếng thịt bò).
- Hỗn hợp sốt: tỏi, gừng, ớt xay nhỏ sau đó trộn cùng tất cả các nguyên liệu trên sao cho hoà quyện rồi ướp với thịt bò.
- Đeo găng tay trộn để cho sốt ướp đều lên tất cả các miếng thịt. Sau đó đổ tiếp sả đã băm nhỏ vào trộn. Đậy kín và để ngăn mát tủ lạnh ướp khoảng 4-8 tiếng hoặc ướp qua đêm.
- Thịt sau khi ướp xong lấy thịt ra áp chảo, lửa vừa. Khi thịt săn lại và khô ráo thì cho vào lò sấy.
- Làm nóng lò trước 10 phút sấy ở nhiệt độ 100 độ C trong 2-3 tiếng. Khi sấy được 1 tiếng thì mở cửa lò cho lò bay bớt hơi nước rồi lật mặt thịt và sấy đến khi miếng bò khô ráo.
- Sấy xong mở cửa lò và để thịt trong lò đến khi nguội hẳn rồi cất vào hộp kín. Bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc tủ lạnh. Hộp chứa đựng phải đảm bảo sạch và khô để bảo quản thịt được lâu.
- Như mẻ thịt bò này thái dày khoảng 0,4cm. Vì vậy sấy thịt trong 3 tiếng. Thành phẩm sau sấy miếng thịt khô vừa phải mà vẫn giữ được độ ẩm bên trong miếng thịt.
Lưu ý khi làm bò khô:
- Nên sử dụng đường nâu, đường vàng, mật mía để bò khô có màu sắc đẹp mắt và thơm ngon.
- Cho sả xay ướp sau cùng để sả bám dính đều trên mặt thịt.
- Nếu thích làm bò khô dạng sợi thì sau khi thái dọc thớ thì luộc thịt với chút nước, muối, sả và gừng đập dập. Khi thịt nguội thì xé sợi. Sau khi ướp xong thì cho lên chảo sên khô và sấy như bình thường.
- Nếu không có lò nướng. Thịt sau khi áp chảo đến khô ráo thì cho phơi nắng to 1-2 nắng là được.
- Sau khi thịt bò nguội, cho vào túi hút chân không hoặc cho vào lọ thủy tinh sạch, đậy kín rồi cất tủ lạnh dùng dần đến Tết nhé.
Chúc các bạn thành công!