Mỗi món ăn từ vịt đều có hương vị hấp dẫn độc đáo riêng, đảm bảo ai thưởng thức cũng thích mê.
1. XÔI NGÔ VỊT
- Thịt vịt băm nhỏ ướp với gia vị, hành củ tím băm, hạt tiêu, mắm.
- Phi hành thơm lên và xào thịt vịt thật săn và thơm lên.
- Thái hành để phi hành khô ăn cùng xôi.
Món này ăn ngon mà không sợ béo.
2. VỊT GIẢ CẦY
Nguyên liệu:
- Vịt xiêm: ½ con (1-1,2kg)
- 1 củ riềng, 1 củ tỏi, 1 nhánh gừng, 2 trái ớt, mắm tôm, mẻ, bột nghệ, muối, dầu ăn, bột nêm
- Bún rối
Cách làm:
Vịt làm sạch, bóp với chút rượu, muối và gừng giã giập cho sạch. Rửa lại thật sạch, để ráo và cho lên bếp thui vàng, xém các mặt. Sau đó chặt thành miếng vuông vừa ăn.
Riềng cạo bỏ rễ, vỏ sau đó rửa sạch, xắt miếng rồi đem xay hoặc giã nhỏ. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, xắt nhỏ. Mẻ lọc qua rây lấy loại bỏ phần bã.
Ướp thịt vịt với riềng, mẻ, mắm tôm và 1 thìa nhỏ bột nghệ để khoảng 30-45 phút cho thịt vịt ngấm gia vị.
Bắc nồi lên bếp, thêm 1 thìa dầu ăn. Dầu nóng già cho tỏi đã bằm nhỏ ở trên vào phi thơm. Tiếp đến cho thịt vịt đã ướp gia vị vào xào săn.
Vịt săn, ngấm đều gia vị, thêm ít nước sôi vào đun nhỏ lửa đến khi nước cạn, vịt chín mềm. Nêm nếm cho vừa ăn là được.
3. TIẾT CANH VỊT CỦ DỀN
Chuẩn bị nguyên liệu: (cho 4 bát)
- Phần nhân: Sụn cuống họng lợn, mề ngan, vịt..., gan vịt
- Phần tiết: Củ dền đỏ, 2 thìa ăn phở bột sương sáo trắng
- Rắc lên: Lạc rang chín, xát vỏ, giã dập; rau thơm (húng chó, mùi tàu)
- Gia vị: nước mắm/bột canh
Cách làm
- Làm nhân: Sụn cuống họng lợn, các loại mề, gan làm sạch rồi đem luộc chín, thái nhỏ kiểu hạt lựu (trừ gan). Không thái nhỏ quá sẽ làm mất đi độ giòn của món ăn.
- Phần tiết: Xay một củ dền đã gọt vỏ ra với chút nước. Lọc lấy phần nước và bỏ bã.
Ninh chút nước xương, cho phần nước củ dền đã lọc vào cùng, để nguội rồi cho vào đó 2 thìa ăn phở bột sương sáo trắng cùng chút bột canh hoặc nước mắm cho đậm đà. Khuấy tan rồi đun sôi. Hớt bỏ bọt ở phần nước.
- Đánh tiết canh: Cho nhân vào bát, đổ phần nước củ dền còn nóng vào xâm xấp mặt nhân. Để nguội là phần nước sẽ đông lại.
Cho lên bát vài miếng gan vịt luộc chín, thái mỏng, rắc rau húng chó, mùi tàu thái nhỏ lên trên.
Cuối cùng trước khi ăn cho chút lạc rang chín giã dập, vắt thêm ít nước cốt chanh là có thể thưởng thức rồi.
Nếu thích ăn mát mọi người có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh một lúc cũng được.
Món này ăn có vị giống tiết canh thật đến 90%, chỉ khác là không có vị tanh của tiết.
4. VỊT HẤP SẢ MUỐI TIÊU
- Vịt làm sạch, rửa với gừng và giấm cho hết hôi
- Ướp vịt với muối trắng và tiêu rang lên cho thơm + sả + gừng + hành + gia vị. Có thể cho thêm 1 ít rễ mùi, lá chanh và vỏ chanh vàng giúp vịt thơm hơn (không có bỏ qua).
- Hấp vịt 30-40 phút tuỳ kích thước vịt.
- Hấp 40 phút thịt vịt chín vừa tới, mềm ngọt bằng nồi chiên hơi nước. Nếu không có bạn dùng cách hấp như bình thường.
- Pha nước chấm vịt: 2 mắm + 1 chanh + 2 nước + 1 đường + tỏi băm + ớt băm.
5. VỊT OM HOA CHUỐI
- Vịt ướp cùng gia vị thêm chút gừng và hành củ, sả. Xào săn cho ngấm gia vị. Sau đó đậy nắp áp suất lại chọn chế độ: "Thịt gia cầm".
- Sau khi kết thúc đợi 3-4 phút cho nồi tự xả bớt hơi thì nhấc van xả lên mở nắp.
- Lúc này cho hoa chuối và quả cà chua vào nấu cùng. Chọn chế độ xào, và nêm nếm cho vừa vị.
- Đun cho hoa chuối mềm ngấm ngon.
- Thêm rau thơm và múc ra tô thưởng thức.
6. MÌ VỊT TIỀM
Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 3 khẩu phần)
- 500g thịt vịt (đùi hoặc ức)
- 300g xương heo
- 80g nấm đông cô
- 30g thảo mộc (hoa hồi, quế, đinh hương, cam thảo)
- 300g cải thìa
- Gia vị: 80ml nước tương; 40g bột nêm; 80g đường; 5g tiêu
- Gừng
- Rượu trắng
- Dầu ăn
- Mì trứng
Thực hiện:
Rửa sạch nấm đông cô và cải thìa. Cắt bỏ gốc nấm và chọn lấy phần gốc cải thìa.
Dùng rượu trắng và gừng để khử mùi của thịt vịt. Ướp vịt với 60ml nước tương, 20g bột nêm, 60g đường, 5g tiêu khoảng 15 phút.
Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho một ít dầu vào, mở lửa lớn. Khi dầu nóng, nhẹ nhàng thả vịt vào chiên vàng lớp da.
Cắt lấy 4 – 5 lát gừng. Cho gừng cùng thảo mộc vào chảo rang nóng.
Rửa sạch xương heo, cho vào nồi nước đun sôi khoảng 5 phút để xương nhả bọt bẩn. Đem bỏ phần nước bẩn đó đi.
Đổ 1.5 lít nước sạch cùng gừng, thảo mộc vào nồi xương, đặt lên bếp hầm khoảng 45 phút.
Lược lấy nước dùng. Sử dụng phần nước dùng đó, tiếp tục hầm với thịt vịt, nấm đông cô khoảng 45 nữa, nêm thêm 20ml nước tương, 20g bột nêm, 20g đường rồi tắt bếp. Trong lúc nấu nước dùng, trụng sơ cải thìa khoảng 1 phút rồi vớt ra.
Trụng mì trứng qua nước sôi khoảng 2 phút để mì mềm. Dọn mì, cải thìa ra tô, dùng chung với mì vịt tiềm.
7. VỊT NƯỚNG CHAO
Nguyên liệu:
- 1 kg vịt
- Gia vị: 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh chao, 1/2 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng nước mắm, ít sa tế, 2 muỗng cà phê dầu màu điều, 1 xíu hạt tiêu, hành và tỏi băm nhỏ
- Rau sống, khế, chuối vừa đủ ăn
- củ quả muối chua
Cách làm:
Vịt sau khi mua về rửa sạch với gừng và muối cho bớt hôi rồi chặt miếng to vừa, khứa vài đường trên miếng thịt vịt.
Sau đó ướp vịt với 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh chao, 1/2 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng nước mắm, ít sa tế, 2 muỗng cà phê dầu màu điều, 1 xíu hạt tiêu, hành và tỏi băm nhỏ. Trộn đều ướp từ 2-3 tiếng.
Rau sống nhặt rồi rửa sạch. Khế rửa sạch thái nhỏ. Chuối bỏ vỏ, bào mỏng, ngâm vào tô nước có vắt chanh, khi ăn thì lấy ra cho khỏi thâm.
Cà, rốt và củ cải trắng gọt vỏ, thái sợi rồi cho giấm, đường trộn đều cho có vị vừa ăn. Thêm ớt nếu thích.
Bạn có thể nướng vịt bằng lò hay trên bếp than tùy thích. Khi nướng thỉnh thoảng lật để thịt vịt chín đều, không bị cháy. Ngoài ra, cứ vài phút lại quết nước ướp thịt vịt lên cho ngấm thêm gia vị và vịt thơm hơn.
Khi thấy thịt vịt có màu vàng ruộm, hoặc hơi vàng đỏ sậm là vịt nướng chao chín. Bạn cũng có thể chọc thử đũa vào, thấy thịt vịt không chảy nước hồng ra là được.
8. MÌ VỊT HẦM
- Vịt rửa sạch với gừng và giấm cho hết mùi hôi
- Ướp vịt với các gia vị + bột hành, sả, gừng + 1 thìa dầu mè + 1 thìa dầu hào. Ướp để tủ lạnh qua đêm.
- Sáng hôm sau, cho vịt vào nồi chiên không dầu, set nhiệt 165 độ 15 phút, tăng 175 độ 5 phút cho da vàng se lại và chảy hết mỡ. Vịt nướng qua trước khi hầm giúp món hầm thơm hơn rất nhiều, thịt chắc và bớt rất nhiều lượng mỡ từ da vịt.
- Trong lúc chờ vịt thì đi chuẩn bị đồ hầm gồm: Hạt sen + củ sen + táo đỏ + kỷ tử + nấm hương (Hoặc dùng gói gia vị hầm/gia vị thuốc bắc có sẵn). Chần mì trứng với nước sôi thêm chút dầu ăn cho mì tơi.
- Rửa rau thơm ăn kèm: mùi ta, mùi tàu (ngò rí).
Vịt nướng xong đem hầm, chọn chế độ hầm ở nồi áp suất, thời gian tùy chọn và phụ thuộc vào sở thích ăn vịt mềm đến đâu của mỗi người.
Hầm xong, múc nước chan mì, thêm rau thơm lên trên và thưởng thức.
9. VỊT OM SẤU
Nguyên liệu:
- Vịt: 1kg
- Sấu: tùy theo sở thích, nếu thích ăn vị chua rõ thì bạn nấu từ 10-12 quả.
- Rau rút, khoai sọ
- Gừng, tỏi, hành khô, sả, riềng, chanh...
- Gia vị, muối, đường...
Cách làm:
Rau rút nhặt sạch bấc, bóc vỏ hành tỏi, gừng riềng, sả đập dập.
Vịt mua về rửa sạch với nước lạnh, sau đó rửa lại với ½ quả chanh để vịt hết hẳn mùi hoi. Chặt hoặc cắt miếng to bằng bao diêm. Ướp vịt với hỗn hợp hành, tỏi, sả, riềng, 1 thìa muối gia vị, 1 thìa cafe đường trong khoảng 30 phút cho thịt ngấm.
Khoai sọ gọt vỏ, ngâm nước để khoai ra hết nhớt.
Thịt đã ướp đủ thời gian các bạn xào qua, sau đó thêm lượng nước dùng vừa đủ ăn và đun sôi liu riu. Thêm sấu vào om đến khi thử thấy vịt đã chín mềm.
Khi vịt chín thì cho khoai sọ vào đun tới khi khoai chín bở, tiếp tục cho rau rút vào để rau vừa chín tới, nêm nếm lại gia vị vừa miệng ăn rồi tắt bếp.