Gieo thói quen tốt có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Một giáo viên tiểu học đã nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ quan điểm: “Ở giai đoạn tiểu học, kết quả học tập không phải là quan trọng nhất. Miễn là trẻ có thể duy trì được trình độ trên trung bình. Điều thực sự cần thiết hơn là bố mẹ giúp con hình thành thói quen học tập tốt, đặc biệt là rèn luyện 6 thói quen sau đây. Trong tương lai chắc chắn trẻ sẽ gặt hái được nhiều thành tích vẻ vang".
Thói quen xem trước bài học
Quá trình học tập phải trải qua nhiều trình tự, trong đó việc xem trước bài học là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Nếu có sự chuẩn bị chỉnh chu trước khi đến lớp, thói quen này có thể giúp quá trình học tập của trẻ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Lấy việc học toán làm ví dụ, giả sử một đứa trẻ sắp học một khái niệm toán học mới về phân số. Ở giai đoạn xem qua bài học trước khi đến lớp, trẻ có thể hiểu sơ bộ về định nghĩa cơ bản, tính chất và ứng dụng của phân số bằng cách đọc sách giáo khoa hoặc tài liệu học tập liên quan.
Với phương pháp học này, khi đến lớp, bé có thể tập trung và dễ dàng tiếp thu kiến thức, hiểu bài hơn, từ đó có thể tự tin giải nhiều bài toán ở mức độ cao hơn thay vì dành quá nhiều thời gian loay hoay với những kiến thức cơ bản.
Nếu có sự chuẩn bị chỉnh chu trước khi đến lớp, thói quen này có thể giúp quá trình học tập của trẻ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thói quen chăm chú lắng nghe trong lớp
Tập trung nghe giảng trong lớp là mắt xích quan trọng để trẻ tiếp thu kiến thức, và nâng cao kết quả học tập. Nhiều khảo sát thực tế đã cho thấy những học sinh tích cực tham gia lớp học, và chăm chú lắng nghe thường có điểm số cao hơn so với những học sinh mất tập trung, lơ là trong lớp.
Thông thường trên lớp, giáo viên sẽ truyền đạt kiến thức mới một cách có hệ thống, phân tích những điểm khó, chia sẻ phương pháp học tập và các kỹ năng giải quyết vấn đề.
Khi trẻ chăm chú lắng nghe, não của trẻ sẽ ở trạng thái hoạt động cao, có thể tiếp nhận và xử lý những kiến thức, thông tin mà giáo viên truyền đạt một cách trực tiếp và chính xác hơn, tránh đi chệch hướng hay hiểu sai và đảm bảo tính chính xác, hiệu quả của việc học.
Ví dụ, khi giáo viên đang giải thích cách tính phép nhân trong lớp, bộ não của học sinh lắng nghe kỹ sẽ hoạt động tích cực, làm theo ý của giáo viên, hiểu các khái niệm cơ bản, phương pháp tính toán và các tình huống ứng dụng của phép nhân, đồng thời cố gắng vận dụng kiến thức đã học để giải các bài toán thực tế. Khi giáo viên đặt câu hỏi hoặc đưa ra ví dụ, trẻ cũng sẽ suy nghĩ nhanh và đưa ra câu trả lời, củng cố thêm kiến thức đã học thông qua việc tương tác với giáo viên.
Ngược lại, học sinh mất tập trung trong lớp có thể bỏ lỡ những điểm mấu chốt trong lời giải thích của giáo viên và hiểu chưa rõ ràng về phép tính nhân. Khi giáo viên đặt câu hỏi, trẻ có thể cảm thấy bối rối hoặc không biết bắt đầu từ đâu, dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút. Theo thời gian, khoảng cách về thành tích môn toán giữa hai loại trẻ này sẽ ngày càng rộng hơn.
Tập trung nghe giảng trong lớp là mắt xích quan trọng để trẻ tiếp thu kiến thức, và nâng cao kết quả học tập.
Thói quen ôn tập kiến thức sau mỗi bài học
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc quên bắt đầu ngay sau khi học và tốc độ quên ban đầu là nhanh nhất, sau đó chậm dần theo thời gian.
Trẻ không hình thành thói quen ôn tập kiến thức sau mỗi giờ học thường thiếu kiến thức vững chắc, điều này có thể dẫn đến việc trẻ gặp phải những câu hỏi trong kỳ thi tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng thực chất lại khó trả lời chính xác.
Như người ta thường nói: “Ôn lại để học cái mới”. Tầm quan trọng của việc ôn tập không chỉ nằm ở việc củng cố và hiểu sâu hơn những kiến thức đã học trên lớp, mà còn ở việc khám phá những điểm học tập và nguồn cảm hứng mới thông qua việc ôn tập và suy ngẫm.
Vì vậy, với tư cách là bố mẹ, các bậc phụ huynh nên chú ý rèn luyện thói quen ôn tập kịp thời cho con sau mỗi giờ học, để giúp trẻ nâng cao khả năng ghi nhớ hiệu quả và tránh tình trạng quên kiến thức, dù là cơ bản nhất.
Thói quen hoàn thành bài tập về nhà hiệu quả
Làm bài tập về nhà là để củng cố kết quả học tập ở trường, và là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập.
Những đứa trẻ có thể hoàn thành bài tập về nhà một cách hiệu quả, nhìn chung sẽ có khả năng tích hợp kiến thức mới và cũ trong lớp tốt hơn vào ngày hôm sau. Trong khi những đứa trẻ không hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, sẽ có nhiều khả năng gặp khó khăn về vấn đề kết nối kiến thức cũ và mới trên lớp.
Đó là lý do mà bố mẹ cần giáo dục cho trẻ hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của việc hoàn thành bài tập về nhà một cách hiệu quả đối với việc học tập của bản thân, và có những biện pháp tích cực để giúp con xây dựng thói quen làm bài tập về nhà mỗi ngày.
Làm bài tập về nhà là để củng cố kết quả học tập ở trường, và là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập.
Thói quen ghi nhớ tốt
Trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong việc học kiến thức mới, cũng như "xây nền móng" cho những kiến thức cơ bản đã được học. Khi trẻ học cái mới thì cũng nên kết hợp với kiến thức cũ, suy nghĩ nhiều, tổng hợp nhiều hơn để trẻ có thể tiếp thu kiến thức mới tốt hơn.
Đối với học sinh dù ở cấp tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông thì đều có rất nhiều kiến thức cần phải ghi nhớ. Nếu trí nhớ của trẻ không tốt hoặc chưa tìm được phương pháp ghi nhớ phù hợp, thì trẻ sẽ khó có thể nhớ lại những kiến thức đã học một cách trôi chảy. Kết quả là các bé sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức mới.
Vì vậy, bố mẹ nên chú ý rèn luyện thói quen ghi nhớ tốt cho trẻ và dạy con một số phương pháp ghi nhớ hiệu quả. Ví dụ: phương pháp ghi nhớ bản đồ tư duy, phương pháp ghi nhớ liên kết,...
Thói quen đọc sách mỗi ngày
Nhà giáo dục nổi tiếng Suhomlinsky từng nói: “Một đứa trẻ không biết đọc có thể là một học sinh kém trong học tập”. Đọc sách không chỉ là quá trình nâng cao kiến thức, mà còn là quá trình hình thành phẩm chất, rèn luyện thói quen tư duy.
Khi trẻ đọc sách, trẻ không chỉ tiếp nhận thông tin từ sách mà còn được đối thoại với thế giới trong sách và có sự giao tiếp tinh thần với tác giả. Những trao đổi như vậy có thể giúp trẻ hình thành những giá trị đúng đắn, phát triển thói quen tư duy tốt và thậm chí ảnh hưởng đến quan điểm của trẻ về cuộc sống và thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ lướt qua những trang sách một cách hấp tấp mà không có sự chú tâm và tư duy sâu sắc thì có thể trẻ sẽ chỉ đọc được bề nổi của nó, chứ không thực sự hiểu hay tích luỹ được gì cho bản thân. Thói quen đọc như vậy không có hiệu quả, thậm chí còn có thể khiến trẻ chán học, chán đọc sách.
Chính vì như thế, bố mẹ không chỉ nên rèn thói quen đọc sách mỗi ngày cho con, mà còn hình thành phương pháp đọc sách chất lượng, hướng dẫn trẻ tìm hiểu sâu nội dung, tập cách đưa ra bình luận, viết suy nghĩ và những trải nghiệm bản thân sau khi đọc một cuốn sách để việc đọc đạt được hiệu quả cao nhất.
Đọc sách không chỉ là quá trình nâng cao kiến thức, mà còn là quá trình hình thành phẩm chất, rèn luyện thói quen tư duy.