Hình dạng đầu có ảnh hưởng đến ngoại hình bên ngoài của trẻ.
Em bé chào đời là sự kiện trọng đại của cả gia đình. Ngoại trừ việc bú thì trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ, điều này rất có ích cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Tuy nhiên, khi bé ngủ, bố mẹ đừng bỏ qua vấn đề về tư thế ngủ. Trẻ sơ sinh ngủ khoảng 15 - 18 tiếng mỗi ngày, nếu ngủ sai tư thế, hộp sọ của trẻ sẽ rất dễ bị biến dạng.
Những điều bố mẹ cần biết về sọ trẻ sơ sinh?
Xương sọ của trẻ sơ sinh đặc biệt rất mềm và có độ đàn hồi, linh hoạt để phù hợp với môi trường. Điều này là do đặc điểm thích nghi của con người trong quá trình tiến hóa.
Con người đã tiến hóa để có thể đứng thẳng, và do đó, xương chậu của người mẹ bị thu hẹp lại để cho phép việc sinh nở dễ dàng hơn đối với thai nhi. Để thích nghi với điều này, não của thai nhi trở nên co giãn trước và sau quá trình sinh.
Khi trẻ mới sinh, có hai khoảng trống rõ ràng giữa các xương sọ, được gọi là thóp, để làm cho não có thể co lại một cách thích hợp trong quá trình sinh. Mục đích của điều này là muốn đảm bảo rằng đầu của trẻ có thể đi qua bộ phận sinh của mẹ một cách dễ dàng.
Khoảng thời gian trước khi thóp đóng lại, thường xảy ra khi trẻ khoảng 15 tháng tuổi, đầu của trẻ có độ linh hoạt và hộp sọ chưa hoàn toàn cứng. Do đó, hình dạng đầu của trẻ dễ bị ảnh hưởng và biến dạng.
Hộp sọ của trẻ sơ sinh khá mềm và dễ bị biến dạng bởi những tác động.
Tuy hình dạng đầu của trẻ sơ sinh chủ yếu do yếu tố di truyền và bẩm sinh quyết định, nhưng sự phát triển cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 30% trẻ sơ sinh bình thường có nguy cơ bị biến dạng hộp sọ, phần lớn là do tư thế ngủ không đúng.
Tư thế ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sự biến dạng hộp sọ của trẻ sơ sinh?
Hầu hết trẻ sơ sinh đều có hình dạng đầu tròn, ngoại trừ một số trẻ bị ống sinh chèn ép khi sinh khiến hình dạng ban đầu có chút biến dạng, nhưng vài ngày sau nó sẽ từ từ hồi phục.
Sự biến dạng nhẹ của hộp sọ trẻ không gây ra nhiều tác hại, mà chỉ ảnh hưởng đến diện mạo bên ngoài. Tuy nhiên, nếu bị biến dạng nặng thì có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các dây thần kinh đầu, không có lợi cho sự phát triển bình thường của não.
Tư thế ngủ của trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng đến hình dạng đầu của bé trong tương lai.
Mặc dù hình dạng đầu không ảnh hưởng đến trí thông minh, nhưng những thay đổi ở xương sọ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình của trẻ. Vô hình trung, nó còn tác động đến thể trạng khuôn mặt và các đường nét trên khuôn mặt, điều mà nhiều bà mẹ mới sinh em bé thường rất dễ bỏ qua.
Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ phải đặc biệt chú ý đến tư thế ngủ của con, không để bé chỉ quen với một tư thế ngủ duy nhất để đảm bảo đầu của bé phát triển bình thường, có một hình dạng đẹp, cân đối.
Làm sao bố mẹ có thể giúp con ngủ đúng cách để có một hình dạng đầu đẹp?
Nói chung, hình dạng đầu của trẻ về cơ bản được hình thành sau 1 tuổi và sẽ giữ nguyên những đặc điểm ban đầu khi trẻ lớn lên. Vì thế bố mẹ nên điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ trong vòng 6 tháng sau khi sinh, khoảng thời gian này sẽ quyết định phần lớn đến hình dạng đầu của trẻ về sau.
Tránh ở cùng một tư thế ngủ trong thời gian dài
Trẻ sơ sinh hầu hết đều ở trong trạng thái ngủ từ sáng đến tối, tuy nhiên giai đoạn này bé không thể tự mình thay đổi tư thế. Đó là lý do mà bố mẹ phải luôn chú ý đến việc thay đổi tư thế ngủ của trẻ, cách 2-3 giờ thay đổi một lần là thích hợp nhất, nên nằm nghiêng, nằm ngửa xen kẽ tùy theo tình hình thực tế.
Ví dụ, nếu trẻ ngủ ngay sau khi ăn no, trước tiên trẻ có thể nằm nghiêng bên phải để tránh sữa tràn ra ngoài; nếu trẻ có xu hướng “đầu phẳng bên phải” thì trẻ có thể ngủ nghiêng bên trái để điều chỉnh cân đối hơn.
Ngủ một tư thế lâu dài mà không có sự thay đổi, hình dạng đầu của trẻ sẽ bị lệch, mất cân đối.
Không nên sử dụng gối dưới 1 tuổi
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên đợi bé được 1 tuổi mới sử dụng gối. Khi trẻ sơ sinh nằm ngủ, phần sau đầu nằm trên cùng một mặt phẳng, cơ cổ và lưng được thả lỏng tự nhiên.
Vì vậy, trẻ sơ sinh không cần sử dụng gối trong vòng 1 tuổi, nếu đặt gối cho trẻ quá sớm sẽ dễ khiến đầu và cổ bị cong. Khoảng 1 tuổi mới làm quen với gối, bố mẹ có thể đảm bảo rằng cơ cổ và cấu trúc xương của trẻ đã phát triển đủ để hỗ trợ việc sử dụng gối.
Ở giai đoạn này, khả năng kiểm soát đầu và khả năng điều chỉnh tư thế khi ngủ của trẻ đã được cải thiện, giảm nguy cơ bị bất kỳ tác động tiêu cực nào từ việc sử dụng gối đến hình dạng đầu của trẻ.
Tập cho bé ngẩng đầu lên thường xuyên hơn
Sau khi trẻ được 2 tháng, cổ đã có đủ lực để cử động đầu, có thể cho bé tập ngóc đầu lên khi thức, điều này không những giúp bé phát triển tốt hơn mà còn giúp hình thành thói quen ngóc đầu lên cao để tạo hình dáng đầu đẹp.
Bố mẹ hãy chăm tập cho bé ngẩng đầu lên thường xuyên, đừng chỉ nằm mãi một chỗ sẽ không tốt cho hình dạng đầu.
Nếu hình dạng đầu của bé đã bắt đầu biến dạng nhẹ, bố mẹ không nên hoảng sợ mà chỉ cần chỉnh sửa kịp thời. Nói chung, trẻ càng nhỏ thì việc điều chỉnh biến dạng đầu càng dễ dàng, căn cứ vào tình hình thực tế của trẻ mà có biện pháp thích hợp để hướng dẫn và điều chỉnh.