Massage thường xuyên giúp trẻ tiêu hóa nhanh hơn, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân tốt và chóng lớn.
Ngay từ những năm 1940, những nghiên cứu về xúc giác của trẻ sơ sinh đã được tiến hành. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những trẻ được mẹ thường xuyên chạm và massage ngay từ khi mới sinh vài tuần thường có hệ hô hấp và tuần hoàn phát triển tốt hơn.
Ngày nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, massage cho trẻ sơ sinh cũng dần trở nên vô cùng nổi tiếng vì lợi ích mà phương pháp này mang lại. Nhiều bà mẹ nghe tin rằng massage cho trẻ sơ sinh có nhiều lợi ích như tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy tiêu hóa, một số người nói rằng nó có thể thúc đẩy sự phát triển của dây thần kinh cảm giác và làm cho trẻ thông minh hơn.
Dưới đây là những thông tin hữu ích mà mẹ nên biết khi massage cho bé.
Lợi ích to lớn của việc massage cho bé
Các chuyên gia cho biết nếu cha mẹ thường xuyên massage cho con sẽ mang đến những lợi ích to lớn.
Tăng cường giao tiếp giữa mẹ và con
Khi mẹ dùng tay mình để massage cho bé, sự kích thích cơ được tạo ra có thể thúc đẩy sự phát triển của các dây thần kinh cảm giác trên da bé.
Hơn nữa, sự giao tiếp giữa mẹ và con trong quá trình massage cũng là một kích thích lành tính cho sự phát triển trí não của bé, thúc đẩy sự phát triển hệ thần kinh của bé.
Đối với trẻ sinh non, việc massage đúng cách có thể giúp thúc đẩy quá trình hồi phục của trẻ và rút ngắn thời gian điều trị.
Tăng cảm giác an toàn
Những sự tiếp xúc về thể chất một cách tích cực trong các động tác massage giữa bố mẹ và bé; sẽ khiến bé có cảm giác được yêu thương và nâng niu. Cảm giác này cho bé sự tự tin trong quá trình phát triển.
Khoa học chứng minh, massage giúp trẻ ngủ ngon và cải thiện hệ tiêu hóa.
Nâng cao chất lượng giấc ngủ
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, so với những em bé không được massage, những em bé được cha mẹ massage thường xuyên sẽ ngủ nhiều hơn từ 1 đến 1,5 giờ mỗi ngày.
Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa của bé và tăng cảm giác thèm ăn
Massage giúp kích thích các dây thần kinh đi qua đường tiêu hóa vì thế rất có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Massage thường xuyên giúp trẻ tiêu hóa nhanh hơn, tăng cảm giác thèm ăn của trẻ giúp bé lên cân tốt và chóng lớn.
Thêm vào đó, massage bụng cho bé còn có thể giúp bé phòng ngừa bệnh táo bón hiệu quả.
Mẹ cần lưu ý gì trước khi massage cho trẻ?
Để việc massage đạt hiệu quả tối ưu, trước khi bắt đầu, cha mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
Chú ý đến nhiệt độ phòng
Cha mẹ nên chú ý thực hiện massage cho con trong một căn phòng ấm áp, nhiệt độ từ 25-28℃, độ ẩm 50% -60%. Để tăng hiệu quả, cha mẹ có thể chú ý đến cường độ ánh sáng và mở thêm một bài nhạc thư giãn để con nghe.
Cha mẹ có thể mặc bỉm cho con cũng có thể không cần mặc.
Tháo bỏ trang sức, cắt móng gọn gàng
Khi massage cho con, cha mẹ đặc biệt không được đeo kiện hay trang sức nào trên tay. Đồng thời, móng tay cũng nên được cắt tỉa gọn gàng và vệ sinh sạch sẽ để tránh gây ra vết thương và làm nhiễm trùng cơ thể yếu ớt của các con.
Thời gian massage
Cha mẹ có thể bắt đầu massage cho con kể từ ngày thứ 2 sau khi con chào đời.
Thời gian hiệu quả nhất để cha mẹ tiến hành massage cho con là sau khi tắm, trước khi ngủ trưa hoặc ngủ tối.
Massage có thể được thực hiện 2-3 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 15 phút.
Trước khi massage cho bé, mẹ nên chú ý đến nhiệt độ phòng và thời gian cần massage.
Những bộ phận của trẻ cần được massage
Dưới đây sẽ là một số động tác massage đơn giản dễ thực hiện, ba mẹ có thể làm cho bé con của mình để giúp bé ăn ngon ngủ ngoan nhé.
Massage chân
Khi massage mẹ có thể tiến hành theo các bước sau:
- Nhẹ nhàng massage từ đùi xuống chân của bé
- Nhẹ nhàng xoa bóp các gót chân rồi đến các ngón chân
- Sử dụng lòng bàn tay hoặc dùng ngón tay xoa bóp thành một vòng trên chân của bé.
- Dùng 2 ngón tay cái của mẹ để kéo nhẹ nhàng 2 ngón chân cái của bé.
Chân là bộ phận mẹ nên massage cho bé mỗi ngày, để giúp con phát triển khỏe mạnh hơn.
Massage cánh tay
- Nhẹ nhàng nâng cánh tay của bé lên, sau đó từ từ xoa bóp.
- Mẹ phải dùng cả 2 tay của mình để xoa bóp 2 cánh tay của bé.
- Dùng các ngón tay thực hiện động tác theo chuyển động tròn lên lòng bàn tay của bé;
- Sau đó, mẹ xoa bóp các ngón tay, kéo ngón tay của con một cách nhẹ nhàng.
Massage ngực
- Đặt 2 bàn tay úp lên ngực bé. Sau đó bắt đầu vuốt nhẹ 2 bàn tay theo chiều dọc từ giữa ngực ra phần vai và 2 bên nách của bé;
- Đặt bàn tay vuốt từ phần bả vai phải xuống phần ngực đến sườn, mẹ thực hiện động tác tương tự cho phần vai trái.
Massage bụng
- Bắt đầu thực hiện bằng cách khép các ngón tay lại, sau đó nhẹ nhàng xoa quanh vùng bụng của con theo chiều kim đồng hồ. Sau đó, mẹ xoa bóp quanh vùng bụng của con theo chiều dọc hoặc ngang
- Massage quanh rốn trẻ theo chuyển động tròn
- Bắt đầu gập phần đầu gối của trẻ đưa vào sát bụng trong khoảng 10 giây, sau đó duỗi chân trẻ ra và lắc nhẹ để thả lỏng các cẳng chân
Chú ý: Bụng của bé rất nhạy cảm, do vậy mẹ cần chú ý các thao tác phải nhẹ nhàng khi massage vùng bụng cho con.
Ngoài chân thì bụng, lưng, ngực, hai cánh tay của bé cũng cần được massage.
Massage mặt và đầu
- Mẹ nên dùng cả 2 tay để xoa bóp, động tác massage như cách mẹ gội đầu cho bé
- Úp 2 lòng bàn tay vào má trẻ, sau đó nhẹ nhàng vuốt sang 2 bên má và di chuyển lên trên lông mày
- Xoa bóp phần mũi từ 2 bên cánh mũi đến má
- Sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ nhẹ nhàng massage tai của bé từ dưới lên vành tai trên.
Chú ý: Phần đầu của trẻ sơ sinh còn rất mềm, do đó các mẹ phải cận thận khi massage vùng đầu của con.
Massage lưng
- Đặt trẻ trong tư thế nằm sấp
- Một tay giữ lấy phần hông, tay còn lại xoa bóp nhẹ nhàng từ phần cổ về hông
- Sau đó nhẹ nhàng xoa lên vai bé
- Để tránh đè vào phần xương sống của con, mẹ nên xoa bóp theo vòng tròn xoắc ốc: Mẹ dùng 2 ngón tay cái của mình ấn nhẹ day dọc theo 2 bên cột sống
- Massage theo hình vòng tròn ở vai và hông của con.
Những vấn đề cần chú ý cho khi massage cho con
Trong quá trình massage mẹ nên chú ý những điều sau:
- Không massage khi con đang mệt hoặc quấy khóc.
- Giao tiếp bằng mắt và ngôn ngữ thân thiện với con khi massage để con luôn thoải mái trong suốt quá trình massage.
- Đừng ép bé ở một vị trí cố định.
- Ngừng massage cho con nếu con xuất hiện các tình trạng như nôn mửa, thường xuyên quấy khóc, da ở một số vị trí đổi màu,...
- Không để dầu vào mắt bé.
Mẹ nên ngừng massage cho trẻ xuất hiện các tình trạng như nôn mửa, thường xuyên quấy khóc, da ở một số vị trí đổi màu.