Nhiều cha mẹ thắc mắc, bản thân đã chuẩn bị rất kĩ càng nhưng con vẫn bị ốm những ngày đầu đi mẫu giáo. Lý do là ở đâu?
Nhiều trẻ mới đi học mẫu giáo rất dễ bị ốm khiến các bậc phụ huynh khổ sở điều trị và phòng tránh. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là tại sao hầu hết trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo đều rất dễ ốm?
Thứ nhất, khoảng thời gian trước khi đi học, bé chủ yếu ở nhà, hoạt động trong phạm vi tương đối nhỏ, môi trường đơn giản, ít tiếp xúc với người khác và thời gian tiếp xúc ngắn. Khi đi học thì phạm vi hoạt động bỗng lớn hơn, nhiều người tiếp xúc với con nên nguy cơ mầm bệnh nhiều hơn, khả năng lây nhiễm cao. Chỉ cần 1 đứa trẻ trong lớp bị bệnh là có thể lây cho các bé khác nhanh chóng.
Thứ 2, khi ở nhà con được chăm sóc chu đáo. Trong khi đó ở lớp học có rất nhiều trẻ nhỏ, một vài cô giáo không thể chăm sóc kĩ càng và đầy đủ cho con được.
Thứ 3, hệ miễn dịch của con còn chưa hoàn thiện nên dễ dàng bị ốm hơn.
Thứ 4, dạ dày của con còn yếu. Dạ dày được coi là nền tảng cho sức khỏe khỏe mạnh. Nếu dạ dày yếu dễ nhiễm bệnh, không thể tiêu hóa thức ăn tốt, không thể chuyển hóa sinh học trong cơ thể dẫn đến suy giảm khả năng chống lại bệnh tật.
Vậy làm thế nào để hệ miễn dịch của con được khỏe mạnh, đảm bảo tránh được bệnh tật khi đi học mẫu giáo?
1. Hàng ngày cha mẹ nên mở cửa sổ thông thoáng và lau chùi sạch sẽ nhà cửa nhưng không nên khử trùng, tiệt trùng thường xuyên bởi như thế trẻ sẽ không thể tiếp xúc với chất độc từ bên ngoài. Khi đột ngột tiếp xúc chất độc dù là nhỏ nhất từ không khí bên ngoài con cũng sẽ bị ốm.
2. Đảm bảo cho con ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đều đặn. Lúc ngủ là khi cơ thể con tự phục hồi những chức năng đã mất trong ngày, tích trữ năng lượng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy việc đảm bảo ngủ đủ giấc cho bé là yếu tố quan trọng để đảm bảo thể chất và sự phát triển bình thường của cơ thể.
3. Những ngày thời tiết ấm đừng vội bỏ bớt quần áo cho con mà cần phải từ từ để bé thích nghi dần.
4. Tăng cường thể dục thể thao: Trẻ em đang trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển nên duy trì vận động thường xuyên, vận động nhiều và tham gia các môn thể thao nhiều hơn, có tác dụng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, thúc đẩy sự phát triển của xương và cơ, tăng cường sức đề kháng.
5. Cố gắng cho bé ăn ít đồ ngọt, đồ lạnh và ăn nhiều rau củ quả để đảm bảo dinh dưỡng cân bằng. Ăn đồ ngọt, đồ lạnh có thể làm hại dạ dày, tăng gánh nặng cho thận và đường hô hấp.
6. Uống nhiều nước và ít dùng thuốc. Việc dùng thuốc thường xuyên khiến trẻ lệ thuộc vào thuốc, chức năng tự phục hồi của cơ thể bị suy giảm.
Trên thực tế, trẻ bị cảm, sốt là quá trình tự nâng cao khả năng miễn dịch bởi khả năng miễn dịch cơ thể cũng cần sự kích thích của vi khuẩn, virus để ngày càng hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh, cố gắng không cho trẻ uống thuốc kháng sinh để không làm hỏng khả năng miễn dịch của con.