Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải?

Ngày 23/10/2019 09:39 AM (GMT+7)

Chăm sóc sản phụ sau sinh và bé sơ sinh thế nào là đúng cách, chuẩn khoa học? Câu trả lời sẽ có trong buổi trò chuyện cùng thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú (Khoa Quốc tế, bệnh viện Nhi Trung Ương) vào 10h00 hôm nay trên fanpage Eva.vn hoặc website Eva.vn.

"Sinh xong phải kiêng gió, kiêng nước? Sinh xong chỉ được ăn canh rau ngót, thịt kho nghệ? Trẻ sơ sinh không được nằm phòng điều hòa, phải được ủ ấm kỹ?",... Những quan điểm về việc kiêng cữ cho sản phụ và trẻ sơ sinh này liệu có phải đã quá lỗi thời? Mẹ và bé sau sinh cần được chăm sóc như thế nào mới đúng chuẩn khoa học?

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và chia sẻ kiến thức của các mẹ bầu và người thân đặc biệt là những chị em sắp sinh nở, ngày 26/9, Báo Gia đình Xã hội kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi Eva Chatting tháng 10 với chủ đề: Chăm sóc mẹ và bé sau sinh đúng cách.

Chương trình được dẫn dắt bởi Chị "Kính Hồng" Thanh Hằng (MC của Đài truyền hình Việt Nam), cùng sự góp mặt của chuyên gia là Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú (Khoa Quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung Ương).

Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải? - 1

MC Thanh Hằng và thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

(Mời độc giả F5 để theo dõi chương trình)

SAU SINH CẢ MẸ VÀ BÉ ĐỀU CẦN TẮM RỬA SẠCH SẼ

MC Thanh Hằng: Nói đến việc chăm sóc sản phụ vừa sinh con, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến chuyện kiêng cữ. Từ xa xưa, mọi người luôn truyền tai nhau về việc phải kiêng gió, kiêng nước, thậm chí Thanh Hằng còn được nghe nói nhiều bà mẹ kiêng tắm, gội trong suốt 1 tháng sau sinh. Không biết quan điểm này có đúng không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Bản thân người mẹ khi sinh con, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi, chất bẩn, dịch và máu nên sau sinh cần vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn cho con. Đặc điểm của trẻ sơ sinh là rất dễ tổn thương do vi khuẩn tấn công nên mẹ không nên kiêng tắm rửa đến một vài tuần hay một vài tháng sau sinh.

MC Thanh Hằng: Vậy sản phụ sau khi sinh nở bao lâu thì có thể tắm, gội và cần lưu ý gì khi tắm gội không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Việc vệ sinh cho sản phụ nên được thực hiện ngay trong vòng 24h sau sinh đối với trường hợp bình thường, không xảy ra biến chứng gì. Khi tắm, sản phụ cần lưu ý những vùng vết thương như vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn cần được chăm sóc đặc biệt, vệ sinh bằng nước đun sôi để nguội và cồn y tế để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, để an toàn cho bản thân, mẹ sau sinh nên tắm ở nơi kín gió với nhiệt độ nước ấm vừa phải, thời gian vừa đủ. 

Thực tế không phải mọi kiến thức dân gian do các bà, các mẹ truyền lại đều sai hoàn toàn. Chẳng hạn như có nhiều loại lá tắm dành cho sản phụ và em bé theo truyền thống đều rất tốt. Vì vậy sau sinh mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của những người đi trước có kinh nghiệm, kết hợp với kiến thức y học hiện đại để tìm ra cách chăm sóc khoa học nhất và an toàn nhất cho mẹ và con.

Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải? - 2

MC Thanh Hằng cho biết sau sinh đến 1 tuần cô mới được mẹ chồng và mẹ đẻ cho gội đầu.

MC Thanh Hằng: Còn với trẻ sơ sinh khi nào nên tắm gội lần đầu sau khi chào đời và có cần thiết phải tắm gội hàng ngày không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Về sinh lý học, sau khi sinh xong trẻ có rất nhiều chất gây trên người và quá trình sinh nở ở trong bệnh viện cũng có nhiều tác nhân gây nhiễm trùng. Bản thân trẻ sơ sinh lại rất hay có gỉ nhèm trên mắt và phần rốn nối thông với nhiều động mạch, tĩnh mạch sâu trong cơ thể nên trong vòng 24h sau sinh cần được tắm lần đầu, vệ sinh mắt, da và rốn. Đối với một số trường hợp đặc biệt như ối bẩn thì bác sĩ còn chỉ định tắm sớm hơn, trong vòng 6-8h sau sinh. 

Và những ngày sau đó, khi được về nhà bé cũng cần được tắm rửa đều đặn mỗi ngày 1 lần vừa để vệ sinh và cũng để quan sát những thay đổi trên da, mắt, rốn của con.

MC Thanh Hằng: Rất nhiều người có chung thắc mắc là trong những ngày đầu trẻ chưa rụng rốn thì có cần thiết phải sử dụng nước đun sôi để nguội dùng để tắm cho bé hay chỉ cần sử dụng nước sạch thông thường? Bác sĩ Tú có thể giải đáp câu hỏi này với độc giả không ạ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Cũng không cần thiết phải sử dụng nước chín hoàn toàn để vệ sinh cho con. Chỉ cần đảm bảo nước tắm của bé là nước sạch và có nhiệt độ phù hợp, khoảng 37 độ C, đồng thời các dụng cụ tắm cho bé như chậu, bình nước cũng phải sạch sẽ, tay người tắm cũng cần đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn. 

MC Thanh Hằng: Bên cạnh việc kiêng nước, nhiều người cũng nhắc đến việc sản phụ và trẻ sơ sinh phải kiêng gió, đặc biệt là không nên nằm phòng điều hòa ngay cả khi mùa hè nóng nực. Bác sĩ có ý kiến gì về vấn đề này ạ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Sau khi sinh, nhiệt độ của cơ thể sản phụ thường rất cao do tức sữa và sản dịch vẫn còn. Người mẹ thường cảm thấy rất khó chịu, nóng nực. Đặc biệt, nếu sinh đúng vào thời điểm mùa hè có nhiệt độ cao mà không được sử dụng điều hòa thì sẽ càng khiến sản phụ mệt mỏi, khó chịu và ảnh hưởng tâm lý. Tâm lý người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến lượng sữa cho con.

Ngoài ra, chịu cảnh nóng nực khiến mồ hôi ra nhiều cũng tăng nguy cơ bị viêm phổi, viêm phế quản cho người mẹ. Vì vậy, sau sinh mẹ vẫn có thể nằm phòng điều hòa nhưng cần lưu ý đảm bảo phòng sạch sẽ, hút bụi hằng ngày và có thời điểm mở cửa thông gió để đẩy hết vi khuẩn ra ngoài. Nhiệt độ điều hòa được khuyến cáo cho mẹ sau sinh là từ 26 đến 28 ° C.

Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải? - 3

Bác sĩ Ngọc Tú cho biết cả mẹ bà bé sau sinh đều cần được tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ.

MC Thanh Hằng: Liệu việc nằm phòng điều hòa có phải là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đễ bị viêm phế quản, viêm phổi? Nên để nhiệt độ phòng có trẻ sơ sinh khoảng bao nhiêu độ là phù hợp thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Vấn đề khiến mẹ sau sinh băn khoăn khi cho bé nằm phòng điều hòa chính là phòng có thể bị bí hơi, vi khuẩn dẫn đến nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm đường hô hấp cho bé. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta chỉ cần mở cửa phòng điều hòa mỗi ngày để thông thoáng, có giao lưu khí bên ngoài vào và tránh ẩm mốc. Thứ hai là những phòng kín thì còn được hút bụi hằng ngày, những đồ dùng của bé như khăn sữa, chăn ủ, quần áo cần đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh.

Chỉ cần đảm bảo những điều trên là bé sơ sinh có thể nằm phòng điều hòa thoải mái mà không lo mắc bệnh. Nhiệt độ phòng điều hòa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cho trẻ sơ sinh là từ 25 đến 26 ° C. Tuy nhiên ở các nước nhiệt đới gió mùa như Việt Nam và chúng ta đã thích nghi với nhiệt độ cao thì nhiệt độ có thể tăng lên đến 27 hoặc 28 °. Mẹ cần theo dõi con có bị nhiễm lạnh không để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.

MC Thanh Hằng: Mặc dù các chuyên gia luôn khuyến cáo về việc sản phụ và em bé sơ sinh tuyệt đối không được hơ than, nằm than sau sinh nhưng vẫn có không ít sản phụ làm việc này trong tháng đầu sau sinh. Bác sĩ có thể nói thêm về những tác hại của việc nằm than sau sinh không?

Bác sĩ Ngọc Tú: Việc nằm than sau sinh đã được các bác sĩ sản khoa và Nhi khoa khuyến cáo rất nhiều lần. Tuy nằm than có thể làm tăng nhiệt độ trong phòng nhưng rất nguy hiểm vì khi đốt than các khí độc như CO, CO2 thoát ra nhiều. Mẹ và bé hít phải các khí này rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc, ngừng thở, cần cấp cứu. 

MC Thanh Hằng: Vậy các bà, các mẹ vẫn thường "dọa" rằng không chịu kiêng cữ như kiêng nước, kiêng gió thì sẽ đau nhức xương khớp, hay bị lạnh khi về già. Thực tế có phải như thế không bác sĩ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Sinh nở là một quá trình khiến cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều từ hormone đến các bộ phận khác bên trong nên đây là một giai đoạn phụ nữ cần thực sự chú ý đến sức khỏe của bản thân. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, cơ thể người mẹ cần liên tục cung cấp các vi chất cho thai nhi và sau khi sinh lại tiếp tục lấy dinh dưỡng nuôi con qua sữa mẹ. Vì vậy, nếu mẹ quá kiêng khem, không ăn uống đầy đủ và bổ sung bù lại dinh dưỡng thì cơ thể sẽ bị thiếu chất như sắt, canxi. Và đây mới là lý do người phụ nữ về già bị đau nhức xương.

Còn việc kiêng gió, kiêng lạnh thì đương nhiên vì kể cả người khỏe cũng nên tránh tiếp xúc với những tác nhìn này. Vậy nhưng mẹ không cần kiêng đến mức không tắm rửa, vệ sinh vì như vậy sẽ chỉ phản tác dụng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho cả mẹ và bé.

TRONG ĂN UỐNG SAU SINH, VẪN NÊN TÔN TRỌNG NHỮNG KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI XƯA

MC Thanh Hằng: Bên cạnh các vấn đề kiêng cữ trong sinh hoạt thì chế độ dinh dưỡng với sản phụ sau sinh là vô cùng quan trọng. Không biết là chế độ dinh dưỡng cho sản phụ có cần thiết phải kiêng cữ như các bà các mẹ thường nói là kiêng đồ tanh, đồ chua rồi rau cải,... không thưa bác sĩ? Và nên ăn thế nào để mẹ nhanh phục hồi, có nhiều sữa cho con?

Bác sĩ Ngọc Tú: Trong vấn đề ăn uống sau sinh, dù có hiện đại đến đâu thì cũng nên tôn trọng những kinh nghiệm của người xưa, đặc biệt là những kinh nghiệm đã được khoa học chứng minh. Chẳng hạn như các bà thường cho sản phụ ăn rau ngót thì rất đúng vì rau ngót rất giàu vitamin và sắt. Ngoài ra, rau ngót còn chứa chất giúp thúc đẩy co hồi tử cung, ra sản dịch nhanh hơn và mẹ cũng về dáng nhanh hơn. Hay như rau cải thì không nên ăn nhiều vì ăn rau cải dẫn đến đi tiểu nhiều, có thể khiến mẹ mất nước, mất sữa. 

Tuy nhiên, cũng có những kinh nghiệm thì đã không còn phù hợp nữa, chẳng hạn như kiêng các loại hải sản giàu canxi như tôm, cua. Nếu sản phụ kiêng quá kỹ, ăn uống không đủ chất có thể bị thiếu vi chất, dẫn đến chất lượng sữa cho con cũng không được đảm bảo, mẹ thì kém hồi phục sức khỏe. 

Tóm lại, sản phụ sau sinh nên ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm để có chất lượng sữa tốt cho con và đảm bảo sức khỏe bản thân. 

Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải? - 4

Bác sĩ Ngọc Tú cho rằng không nên phủ nhận hoàn toàn kinh nghiệm của người xưa vì nhiều quan niệm đã được chứng minh bởi khoa học.

MC Thanh Hằng: Còn với việc ăn uống của trẻ trong những tháng đầu đời, Hằng được biết nhiều bà mẹ có thói quen cho trẻ uống nước lọc để "tráng miệng" sau khi ti sữa mẹ hay dùng sữa công thức. Việc này liệu có nguy hiểm đến sức khỏe của em bé sơ sinh không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Việc dùng nước để tráng miệng cho con sau khi ti mẹ hay sữa công thức là hoàn toàn không cần thiết bởi trong sữa mẹ hay sữa công thức thì đều có đến 70-80% là nước và lượng nước này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của bé trong 6 tháng đầu đời. 

Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, nếu bé đã ăn no mà mẹ còn cho bé uống thêm nước thì sẽ khiến dạ dày bé bị căng, no quá mức và đến cữ sữa sau bé sẽ bú ít đi, về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. 

Ngoài ra, nếu mẹ cho bé uống quá nhiều nước sau khi bú (5-15ml) thì có thể dẫn đến tình trạng thừa nước và những hệ lụy nghiêm trọng. Tuy chưa phổ biến nhưng đã có trường hợp y văn báo cáo trẻ sơ sinh bị thừa nước dẫn đến hạ natri trong máu, li bì, hôn mê. 

MC Thanh Hằng: Cuối cùng là một vấn đề tế nhị nhưng lại được rất nhiều cặp đôi quan tâm sau khi sinh đó là chuyện chăn gối vợ chồng. Nhiều cặp đôi lúng túng không biết bao lâu sau khi người vợ sinh nở mới có thể làm "chuyện ấy" trở lại. Bác sĩ có thể chia sẻ về vấn đề này không ạ?

Bác sĩ Ngọc Tú: Thời kỳ hậu sản được tính là 6 tuần sau sinh. Sau thời gian này, mẹ đã hết sản dịch, sức khỏe hồi phục và các vết thương như vết mổ, vết rạch tầng sinh môn cũng đã liền lại. Vì vậy, đây là khoảng thời gian thích hợp để việc gẫn gũi giữa vợ chồng có thể khôi phục. Tuy nhiên, lúc này thì vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng vì dù sao người phụ nữ vừa trải qua một cơn biến động lớn về sức khỏe nên người chồng cần có sự tế nhị, nhẹ nhàng để tạo được sự hòa hợp tốt nhất. 

Và đặc biệt là vợ chồng cần hết sức chú ý đến việc phòng tránh thai sau sinh bởi vì dù cho con bú hoàn toàn thì vẫn không đảm bảo tránh thai được 100%. Mang thai dày sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mẹ và cả việc chăm sóc, cho bú đối với bé đầu. 

Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải? - 5

Bác sĩ Ngọc Tú trực tiếp trả lời các câu hỏi từ độc giả.

Chuyên gia trực tiếp giải đáp những thắc mắc của quý độc giả:

Câu hỏi 1: Thưa bác sĩ, em sinh con từ hôm 10/10, tới hôm nay da bé vẫn chưa hết vàng. Cho em hỏi có phải nguyên nhân em bé luôn ở trong phòng ít ánh sáng nên quá trình vàng da sinh lý này kéo dài hơn bình thường không ạ? Em có nên cho bé ra ngoài nhiều hơn để cải thiện tình trạng này không bác sĩ?

Độc giả Vũ Mai Anh

Bác sĩ Ngọc Tú: Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh do hàm lượng chất lên là Bilirubin trong cơ thể trẻ sơ sinh là cao hơn. Vàng da được chia làm hai nhóm là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý đối với trẻ sinh đủ tháng sẽ kéo dài khoảng 1 tuần còn với trẻ đẻ non thì thời gian được chấp nhận là khoảng 2 tuần. Hiện tại con em đã được 13 ngày tuổi, nếu bé không phải trẻ đẻ non thì thời gian vàng da sinh lý này là hơi kéo dài. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như bú sữa mẹ cũng có thể gây ra vàng da hay trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc thiếu một số loại men chuyển hóa,... Như vậy nếu bé nhà em đã vàng da đến 2 tuần thì nên đưa bé đi thăm khám để tìm nguyên nhân.

Trong điều trị vàng da thì có sử dụng liệu pháp ánh sáng vì ánh sáng sẽ thúc đẩy quá trình đào thải bilirubin qua phân và nước tiểu. Vì vậy việc em để bé trong phòng kín, tối cũng có thể là nguyên nhân khiến vàng da bị kéo dài, tuy không phải vàng da bệnh lý. Em nên cho bé ra ngoài không gian có ánh sáng, không nhất thiết phải là ánh sáng trời mà ánh sáng trắng, ánh sáng đèn cũng giúp làm giảm vàng da. 

Câu hỏi 2: Em mới sinh bé được 2 tuần, tuy nhiên vết khâu tầng sinh môn vẫn còn rất đau, xót. Em muốn hỏi bác sĩ, sau sinh phải chăm sóc vết khâu này như thế nào để nhanh liền, giảm đau mà tránh được viêm nhiễm?

Độc giả Nguyễn Khánh Hằng

Bác sĩ Ngọc Tú: Nếu bạn bị đau nhiều quá thì có thể sử dụng thuốc giảm đau. Về việc vệ sinh vết khâu tầng sinh môn, bạn nên dùng nước đun sôi để nguội để rửa rồi sau đó sát khuẩn bằng cồn povidine hàng ngày. Đến khi vết thương lành lại, lên da non thì bạn sẽ thấy đỡ đau hơn. Trong trường hợp việc đau xót kéo dài, vết khâu bị sưng tấy, chảy nước, chảy mủ thì bạn nên đi khám sản phụ khoa để các bác sĩ có thể thăm khám và điều trị kịp thời. 

Câu hỏi 3: Thưa bác sĩ hiện em đang mang thai 35 tuần. Em dự định sau sinh sẽ nhờ dịch vụ tắm bé sau sinh hỗ trợ việc tắm rửa cho tới khi con rụng rốn. Nhưng mẹ chồng em không đồng ý vì thấy tốn kém và nói bà vốn có kinh nghiệm tắm trẻ sơ sinh từ lâu rồi. Em rất lo lắng nhưng không muốn làm phật ý mẹ chồng. Vậy bác sĩ có thể hướng dẫn em các bước vệ sinh cuống rốn cho bé sau khi tắm để em có thể tự làm tại nhà được không ạ?

Độc giả Phạm Thị Thanh

Bác sĩ Ngọc Tú: Hiện nay các dịch vụ tắm bé sau sinh rất phổ biến nhưng đúng là đối với các cặp vợ chồng trẻ, chưa có điều kiện thì phí dịch vụ khá đắt đỏ, tốn kém. Nếu được hướng dẫn thì em hoàn toàn có thể tự tắm bé tại nhà mà không cần thuê dịch vụ vì thao tác khá đơn giản.

Khi tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn thì tiến hành tắm từng phần một từ đầu mặt đến nửa thân người trên và cuối cùng là nửa thân người dưới. Sau khi tắm thì cần lưu ý việc vệ sinh rốn cho con. Em sử dụng cồn i ốt 1% thấm vào bông và lau sạch sẽ phần cuống rốn, lưu ý làm nhẹ nhàng, tránh để cồn dây ra da bé có thể gây bỏng rát.

Vì sao sản phụ nào sinh xong cũng nên ăn rau ngót, hạn chế rau cải? - 6

 Đại diện trang tin eva.vn tặng hoa cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú và MC Thanh Hằng.

Câu hỏi 4: Em mới sinh con được 7 ngày nhưng bị táo bón, rất khó chịu, người lại càng mệt mỏi. Em cần phải làm thế nào để cải thiện tình trạng này càng sớm càng tốt?

Độc giả Phạm Thương Dung

Bác sĩ Ngọc Tú: Việc bị táo bón có thể diễn ra ngày từ trong thai kỳ do sự lớn lên của thai nhi gây ra những thay đổi trong giải phẫu của mẹ cộng với chế độ dinh dưỡng. Sau khi sinh, nếu em bị táo bón quá nặng và khó chịu thì có thể sử dụng biện pháp thụt phân bằng thuốc, tránh để tình trạng táo bón kéo dài từ 3-5 ngày. 

Quan trọng hơn, để đề phòng táo bón thì em cần thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống. Trước tiên là sau sinh tránh nằm nhiều, cần vận động sớm để tăng nhu động ruột, thúc đẩy phân ra nhanh hơn và đều đặn. Sau đó chế độ ăn đừng nên tập trung quá nhiều vào thịt cả, cần bổ sung chất xơ bằng rau xanh, khoai sắn và đặc biệt là uống đủ nước. 

Câu hỏi 5: Em sinh mổ đã được 10 ngày nhưng mọi người đều khuyên không được ăn thịt gà và trứng vì sợ vết mổ bị nhức và bị loang. Không biết điều này có đúng không? Em có cần thiết phải kiêng 2 món này không thưa bác sĩ?

Độc giả Trần Kim Nhung

Bác sĩ Ngọc Tú: Thịt gà và trứng là hai loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và không hề liên quan đến việc đau nhức hay loang vết mổ. Vì vậy không có khuyến cáo nào về việc phải kiêng hai loại thực phẩm này sau sinh. Việc nhức hay loang vết mổ thực chất là do nhiễm khuẩn nên bạn cần chăm sóc, vệ sinh vết mổ kĩ càng, sạch sẽ thì đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra. 

Bác sĩ dặn sinh mổ kiêng 7 ngày không tắm, Chúng Huyền Thanh kiêng cả tuần không dám rửa chân
Chúng Huyền Thanh cho biết, sau sinh cô hiểu nhầm lời bác sĩ dặn không được tắm trong 7 ngày đầu vì vết mổ chưa lành mà kiêng luôn cả không được rửa...
Minh An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiêng sau sinh