Áp dụng các chế độ ăn kiêng giảm cân không đúng cách có thể khiến bạn vừa không bớt được chút cân nặng nào lại ảnh hưởng sức khỏe.
Trong Tết, nhiều người ăn uống thả phanh các món dầu mỡ, thịt cá, bánh chứng, đồ ngọt... nhưng lại ăn ít rau củ nên cân nặng tăng nhanh hoặc vòng 2 tăng thêm vài phân. Vì vậy, nhiều người bắt đầu công cuộc giảm cân sau Tết để lấy lại vóc dáng.
Tuy nhiên có không ít người vì muốn giảm cân nhanh nên chọn những cách giảm cân thiếu khoa học hoặc thực hiện không đúng dẫn tới cân nặng không giảm mà cơ thể lại ngày càng yếu.
Pan Fuzi, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Quản lý Sức khỏe Beitou, Đài Loan phân tích rằng có một số chế độ ăn kiêng mà nhiều người đang hiểu sai, thực hiện sai nên dẫn tới kết quả giảm cân không như mong đợi. Chuyên gia Pan Fuzi nêu tên 4 loại chế độ ăn kiêng phổ biến có vẻ lành mạnh nhưng thực tế lại là "cái bẫy" tăng cân, hại sức khỏe.
1. Giảm ăn thịt, sử dụng các sản phẩm từ đậu nành để bổ sung đạm và giảm ăn mỡ
Chuyên gia Pan Fuzi cho biết nhiều người cho rằng ăn thịt gây béo phì nên chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm đậu nành để thay thế lượng protein từ thịt và giảm lượng chất béo. Có rất nhiều các sản phẩm từ đậu nành có thể được sử dụng, trong đó đậu phụ là món ăn được nhiều người áp dụng để giảm cân nhất.
Ăn đậu phụ chiên nhiều dầu mỡ khiến bạn tiêu thụ nhiều calo hơn bạn nghĩ. (Ảnh minh họa)
Ngay cả nữ diễn viên Song Hye Kyo nổi tiếng cũng đã từng giảm hơn chục cân nhờ ăn đậu phụ và thực hiện luyện tập thể dục thể thao. Tuy nhiên, nhiều người khi ăn đậu phụ lại chọn cách chiên giòn để ăn ngon miệng hơn. Điều này khiến món đậu phụ từ món ăn ít calo đã trở thành món ăn nhiều calo vì chiên trong dầu mỡ.
Hơn nữa, ăn đồ chiên rán thường xuyên không có lợi cho sức khỏe, dễ gây tăng cân béo phì, góp phần gây ra huyết áp cao, cholesterol HDL tốt thấp và tất cả đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
2. Chế độ ăn kiêng không dầu trong thời gian dài
Chuyên gia Pan Fuzi chỉ ra rằng chế độ ăn ít chất béo giúp kiểm soát lượng calo nạp vào, nhưng chế độ ăn ít chất béo không có nghĩa là bạn hoàn toàn không ăn chất béo. Dầu cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong chức năng trao đổi chất của cơ thể, nhiều hormone trong cơ thể con người cần dầu để hỗ trợ, đồng thời nó cũng có thể bảo vệ các tế bào và mô của cơ thể. Điểm mấu chốt là chọn dầu tốt, chẳng hạn như: dầu ô liu, dầu bơ... Một lượng dầu vừa phải cũng tốt cho nhu động ruột, giảm táo bón.
3. Ăn nhiều rau, uống không đủ nước
Ăn nhiều rau mà quên uống nước dễ gây táo bón. (Ảnh minh họa)
Ăn một bữa toàn rau có thể khiến bạn nhận được rất nhiều chất xơ và chất phytochemical, tất nhiên là có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, chuyên gia Pan Fuzi nhắc nhở rằng lượng calo của chế độ ăn toàn rau rất thấp, hơn nữa nếu bạn không ăn đủ tinh bột hoặc protein để cung cấp đủ cảm giác no, cảm giác đói sẽ nhanh chóng quay trở lại không lâu sau khi ăn. Điều đó khiến bạn sẽ càng ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, chuyên gia Pan Fuzi cũng cho biết, rau và trái cây rất giàu chất xơ, có thể giúp nhu động ruột hoạt động tốt nhưng nếu không uống đủ nước sẽ dễ gây táo bón. Nói chung, người lớn nên uống 6-8 ly nước (240 ml/ly) mỗi ngày.
4. Lựa chọn sai nguyên liệu cho bữa ăn từ thực vật
Chuyên gia dinh dưỡng Pan Fuzi chia sẻ rằng nhiều trường hợp cô tư vấn thường nghĩ rằng ăn các thành phần có nguồn gốc thực vật tương đương với ăn rau, nhưng trên thực tế không phải tất cả thực vật đều là rau khi xét về phân loại dinh dưỡng. Khoai lang và củ sen về mặt dinh dưỡng được xếp vào loại tinh bột, quả bơ thực chất là chất béo.