Nhiều người giảm cân mãi không thành vì đang rơi vào những "cái bẫy" sau đây khiến mọi nỗ lực đều thành công cốc.
Giảm cân là câu chuyện muôn thuở của chị em. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc sao người khác chỉ cần cố gắng vài tuần đã giảm được 4-5kg, trong khi bạn cũng hùng hục tập luyện và ăn kiêng mà cũng chỉ giảm được vài lạng, thậm chí có lúc còn tăng lên.
Dưới đây là 4 "cái bẫy" khi giảm cân khiến nhiều người dù nỗ lực mãi vẫn không giảm mà còn tăng hoặc có những người dù ăn uống rất ít nhưng lại bị béo phì.
1. Không chú ý tới tốc độ ăn
Hầu hết mọi người chỉ quan tâm tới ăn gì ít calo, ít tinh bột hay ít béo mà quên mất rằng cách ăn cũng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhanh hơn cũng béo hơn.
Một cuộc khảo sát do Đại học Y khoa Fukuoka, Nhật Bản công bố năm 2011 với 529 nam giới. Họ được chia thành nhóm ăn nhanh, ăn vừa phải và ăn chậm. Sau 8 năm, nhóm ăn nhanh tăng 1,9kg, cao gấp 2,7 lần so với nhóm ăn chậm.
Tại sao ăn quá nhanh khiến bạn béo? Sau bữa ăn, cơ thể sẽ ức chế sản xuất "hormone đói" ghrelin khiến bạn có cảm giác no và có thể ngừng ăn, nhưng quá trình này thường diễn ra trong 20 phút. Do đó, nếu chúng ta ăn nhanh, tín hiệu no chưa kịp gửi lên não nên rất dễ ăn quá nhiều. Vì vậy, bạn nên ăn chậm khoảng 20-30 phút mỗi bữa để cơ thể kịp nhận ra tín hiệu no.
Một nghiên cứu nhỏ trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ cho thấy việc tăng số lần nhai trong bữa ăn từ 15 lên 40 lần nhai sẽ làm giảm lượng calo hấp thụ và tăng cảm giác no. Toshi Sasaki, giáo sư khoa Y trường Đại học Tokyo, Nhật Bản cũng cho biết, đã có nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa tốc độ ăn uống và mức độ béo phì, kết quả cho thấy phụ nữ dù ở độ tuổi nào nếu ăn nhanh thường xuyên cũng béo hơn trung bình 6kg so với người ăn chậm. Tình trạng này ở nam giới thể hiện rõ hơn, chênh lệch cân nặng trung bình giữa người ăn nhanh nhất và ăn chậm nhất là 9kg.
2. Trái cây rất tốt cho sức khỏe nên ăn thật nhiều
Khẩu phần trái cây bình thường được khuyến nghị là khoảng bằng nắm tay mỗi bữa, vì đường fructoza trong trái cây cũng là đường nên bạn không nên ăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, một số người lại ăn quá nhiều trái cây vì nghĩ rằng nó tốt cho sức khỏe, dẫn đến lượng đường trong máu cao và tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ. Trong "đĩa ăn lành mạnh" do trường Y Harvard xây dựng khuyên mọi người nên ăn nhiều rau hơn trái cây, đặc biệt là trong quá trình giảm cân và coi trái cây là "đường đặc". Hoa quả nên ăn thành ba bữa, không nên ăn xen kẽ để tránh insulin tiết ra hoạt động trở lại, gây dao động đường huyết.
3. Uống sữa đậu nành không đường như nước
Ngoại trừ trà đặc, nước đun sôi và cà phê đen, các loại đồ uống khác đều được coi là “đồ ăn lỏng”, sữa đậu nành không đường tốt cho sức khỏe nhưng cũng rất “bổ dưỡng” nên hoàn toàn có thể đưa vào 3 bữa ăn chính thay vì bữa ăn bổ sung.
Do đó, nếu bạn thường xuyên uống sữa đậu nành vào giữa các bữa ăn thì chẳng khác gì đang liên tục bổ sung calo. Chẳng trách nhiều người uống sữa đậu nành như nước lọc mãi không giảm cân.
4. Không quan tâm tới giấc ngủ
Nhiều người khi giảm cân chỉ quan tâm tới ăn uống và luyện tập mà bỏ qua giấc ng ủ. Thực tế nếu bạn ngủ không ngon giấc cũng dễ sẽ tìm nhầm thức ăn. Vì khi thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng sinh lý đến quá trình bài tiết leptin và ghrelin trong cơ thể.
Leptin: Nồng độ leptin sẽ tăng lên trong khi ngủ, khiến cơ thể ít bị đói. Nhưng nếu bạn ngủ không ngon, nồng độ của nó sẽ giảm xuống, khiến não bạn muốn ăn nhiều hơn, tích trữ nhiều năng lượng hơn và về lâu dài sẽ khiến bạn béo lên.
Ghrelin: Chức năng ngược lại với leptin, nồng độ sẽ giảm xuống trong khi ngủ, làm giảm ham muốn ăn uống của chúng ta, nhưng nếu bạn ngủ không ngon, cơ thể sẽ tiết ra quá nhiều ghrelin khiến bạn luôn muốn ăn.
Vì vậy, trong trường hợp giảm cân không thành, bạn có thể tự kiểm tra xem mình có ngủ đủ giấc không.