Nhiều người có các triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt. Một số loại đồ uống phổ biến có thể làm cho tình trạng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt tăng lên, phụ nữ nên tránh.
Trên tờ Insider, chuyên gia dinh dưỡng Monica Reinagel, công tác tại New York, Mỹ đã chỉ ra có 5 loại đồ uống chị em không nên dùng trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, tránh gây hại sức khỏe.
1. Đồ uống có ga
Không có gì ngạc nhiên khi đồ uống có ga có thể gây đầy hơi. Mặc dù tình trạng này sẽ ổn dần khi bạn đang trong giai đoạn không có kinh nguyệt. Nhưng nếu uống đồ uống có ga trong kỳ kinh nguyệt, không may bạn lại bị đau bụng kinh thì sẽ khiến tình trạng dữ dội hơn, đồng thời cơ thể sẽ mệt mỏi kéo dài.
Hơn nữa, uống nước ngọt có ga vào ngày "đèn đỏ" còn gây đầy bụng, chán ăn dẫn đến việc không nạp đủ dưỡng chất cần thiết, khiến bạn dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, đờ đẫn, mất sức nên hiệu quả học hành, làm việc sẽ thấp hơn rất nhiều.
2. Cà phê
Caffeine trong cà phê có thể gây giữ nước và đầy hơi. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau đầu. Tuy nhiên, việc từ bỏ caffein cũng có thể gây đau đầu, vì vậy đừng cắt bỏ hoàn toàn cà phê nếu bạn đã quen với việc uống một vài tách mỗi ngày.
Cà phê cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Nếu bạn có xu hướng bị tiêu chảy trong kỳ kinh nguyệt, giảm lượng cà phê có thể ngăn điều này xảy ra.
Ngoài ra, trong kỳ kinh nguyệt, uống cà phê nhiều không chỉ khiến bạn mệt mỏi, mà còn làm tăng huyết áp và nhịp tim, dẫn đến lo âu và căng thẳng.
3. Rượu
Rượu có thể có một số tác động tiêu cực đến cơ thể của bạn. Rượu sẽ làm gián đoạn nội tiết trong cơ thể, làm thay đổi sự rụng trứng, ảnh hưởng đến thời gian hành kinh cũng như lượng máu kinh nguyệt.
Hơn nữa, uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và sinh sản, cũng như dẫn đến tình trạng mãn kinh sớm. Ngoài ra, uống rượu cũng khiến các cơn co thắt đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Nước đá
Nước đá lạnh làm giảm tuần hoàn máu trong cơ thể gây nên tình trạng bế kinh, tức là máu kinh không ra được, dễ khiến cơ thể căng thẳng, khó chịu.
Hơn nữa, nước đá lạnh còn khiến cổ tử cung co thắt mạnh nên sẽ đau bụng hơn rất nhiều. Do đó, trong những ngày "đèn đỏ", bạn nên tránh xa các loại nước đá lạnh, thay vào đó là uống nước ấm sẽ an toàn hơn cho cơ thể.
5. Đồ uống chua
Dù nước chanh mà các bạn nữ thích uống có thể giúp chống oxy hóa, nước quất làm dịu cơn khát, hay giấm hoa quả thúc đẩy tiêu hóa thì phụ nữ cũng không nên uống nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt. Bởi điều này sẽ tác động kích thích hệ thống thần kinh thực vật, gây co thắt cơ trơn của dạ dày và tử cung. Dẫn đến tình trạng đau bụng kinh âm ỉ và xuất hiện dấu hiệu máu kinh ra nhiều hơn trong thời gian ngắn.
Vậy trong kỳ kinh nguyệt phụ nữ nên uống loại nước nào?
Nước lọc
Trên thực tế, loại nước tốt nhất cho chị em để uống vào ngày "đèn đỏ" chính là nước lọc. Trung bình mỗi ngày cơ thể mỗi người cần đến 1,5 lít nước từ thực phẩm, đồ uống... Nhưng bạn không nên uống quá nhiều nước trong một lúc mà nên chia nhỏ thành từng đợt.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, trong quá trình uống, chị em nên uống từng ngụm nhỏ để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể bị thiếu nước. Không nên uống nước trước khi đi ngủ.
Nước dừa
Nước dừa vừa giải khát, vừa tốt cho sức khỏe lại còn tốt cho phụ nữ trong “ngày đèn đỏ”. Nước dừa giúp máu lưu thông tốt hơn, cải thiện tình trạng trễ kinh, giảm đau bụng kinh rất hiệu quả.
Trà gừng
Bạn nên chuẩn bị gừng trong ngăn bếp của mình để pha vào những ngày “đèn đỏ”. Vì gừng có chứa nhiều tinh chất zingiberol, ginger oil giúp ức chế sự hình thành rostaglandin - tác nhân gây các cơn co thắt tử cung và đau bụng kinh.
Đậu nành
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong đậu nành có chứa chất isoflavon, có tác dụng làm giảm những cơn khó chịu và căng thẳng trong chu kỳ kinh nguyệt. Thêm vào đó, phytoestrogen có trong đậu nành là hợp chất có thể thay thế nội tiết tố nữ (estrogen), giúp làm giảm các triệu chứng thời kì mãn kinh do thiếu hụt estrogen như mất ngủ, lo âu, rối loạn kinh nguyệt...