Kinh nguyệt màu đen, nâu, đỏ,... có phải dấu hiệu bệnh? Chị em cần lưu ý khi thấy màu này

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 20/08/2021 19:45 PM (GMT+7)

Dựa vào màu sắc của máu kinh nguyệt, chị em có thể biết được tình trạng sức khỏe phụ khoa của bản thân.

Tại sao máu kinh lại có màu khác nhau?

Đối với hầu hết phụ nữ, kinh nguyệt bắt đầu từ 12 đến 13 tuổi. Theo Học viện Sản phụ khoa Mỹ, kinh nguyệt có thể được coi là một dấu hiệu sức khỏe quan trọng. Từ độ dài chu kỳ đến kết cấu và màu sắc của máu kinh nguyệt đều có thể cảnh báo về sức khỏe của bạn.

Bạn có thể thấy máu có màu sắc khác nhau như đen, đỏ tươi, nâu hoặc cam. Mặc dù hầu hết các màu có thể được coi là bình thường, nhưng một số màu nhất định có thể là dấu hiệu báo động bạn nên đến gặp bác sĩ.

Kinh nguyệt màu đen, nâu, đỏ,... có phải dấu hiệu bệnh? Chị em cần lưu ý khi thấy màu này - 1

Màu sắc kinh nguyệt cảnh báo điều gì?

Kinh nguyệt màu đen 

Bạn có thể hoảng hốt khi thấy máu đen, nhưng đừng quá lo lắng. Màu này gần giống như máu nâu là máu cũ. Máu đen thường là máu kinh bị ứ đọng nhiều ngày trong tử cung trước khi ra ngoài.

Kinh nguyệt màu nâu 

Kinh nguyệt màu nâu thường là máu đã dính cả máu cũ. Máu đã có thời gian oxy hóa, đó là lý do tại sao nó có màu nâu thay vì màu đỏ bình thường. Kinh nguyệt có màu nâu thường liên quan đến các vấn đề như:

Máu đầu hoặc cuối kỳ kinh 

Khi máu chảy chậm sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát ra khỏi cơ thể. Khi máu ở trong tử cung lâu hơn, nó có thể có màu nâu. Kinh nguyệt màu nâu cũng có thể là do máu còn sót lại từ kỳ kinh lần trước.

Lochia (sản dịch)

Phụ nữ có thể bị chảy máu trong 4 đến 6 tuần đầu tiên sau khi sinh con được gọi là sản dịch. Những ngày đầu nó có màu đỏ vừa, đỏ tươi nhưng ngày thứ 4 trở đi, nó có thể có màu hơi hồng hoặc hơi nâu.

Sảy thai

Mặc dù sảy thai có thể đi kèm với ra máu đỏ tươi, nhưng một số phụ nữ có thể gặp phải hiện tượng sảy thai mà không có biểu hiện gì. Hiện tượng sảy thai này là khi thai ngừng phát triển nhưng không ra khỏi tử cung trong ít nhất 4 tuần. Phụ nữ có thể không bị chảy máu nhiều hoặc không bị chảy máu vón cục, nhưng một số người có thể bị ra máu hoặc đốm màu nâu sẫm.

Kinh nguyệt màu đỏ sẫm 

Kinh nguyệt màu đen, nâu, đỏ,... có phải dấu hiệu bệnh? Chị em cần lưu ý khi thấy màu này - 2

Màu đỏ sẫm có thể chỉ đơn giản là máu đã đọng trong tử cung một thời gian nhưng không bị oxy hóa đến mức chuyển sang màu nâu. Kinh nguyệt đỏ sẫm có liên quan đến:

Cuối kỳ kinh

Bạn có thể thấy máu có màu này vào cuối chu kỳ kinh nguyệt bình thường khi máu chảy chậm lại.

Lochia (sản dịch)

Sau khi sinh, máu ban đầu ra nhiều và có thể có cục máu đông. Nó cũng có thể có màu đỏ sẫm trong ba ngày đầu tiên trước khi chuyển sang màu khác. Phụ nữ đẻ mổ có thể bị chảy máu nhiều trong 24 giờ đầu.

Kinh nguyệt màu đỏ tươi 

Kỳ kinh của bạn có thể bắt đầu bằng hiện tượng chảy máu màu đỏ tươi. Đây là máu mới và chảy nhanh. Máu của bạn có thể vẫn như vậy trong suốt kỳ kinh nguyệt hoặc có thể sẫm màu hơn khi chảy chậm lại. Kinh nguyệt màu đỏ tươi có liên quan đến:

Sự nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng như chlamydia và bệnh lậu có thể gây chảy máu giữa các kỳ kinh. Nếu bạn thấy máu đỏ trước khi đến kỳ kinh nguyệt, hãy cân nhắc liên hệ với bác sĩ.

Sảy thai

Ra máu khi mang thai dù màu nào cũng đều đáng báo động. Đôi khi đó có thể là dấu hiệu của sảy thai hoặc dọa sảy. Tốt nhất bạn nên đến bác sĩ kiểm tra bất cứ khi nào thấy máu khi mang thai.

Polyp hoặc u xơ

Những khối u (không phải ung thư) phát triển trong tử cung có thể gây chảy nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt hoặc vào những thời điểm khác trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Chúng có thể lớn hoặc nhỏ và gây ra các triệu chứng khác như đau và căng tức bụng.

Kinh nguyệt màu hồng 

Máu của bạn có thể có màu hồng vào đầu hoặc cuối kỳ kinh. Màu sắc sáng hơn có thể cho thấy rằng máu đã trộn lẫn với chất lỏng trong cổ tử cung làm loãng màu của nó. Kinh nguyệt màu hồng có liên quan đến:

Lochia (sản dịch)

Từ ngày thứ tư trở đi, sản dịch có thể có màu hơi hồng hoặc hơi nâu.

Estrogen thấp

Đôi khi máu kinh màu hồng có thể cho thấy mức độ estrogen trong cơ thể thấp. Estrogen giúp ổn định niêm mạc tử cung. Nếu không có hormone này, bạn có thể rụng lớp niêm mạc trong suốt chu kỳ của mình dẫn đến xuất hiện nhiều màu sắc kinh nguyệt khác nhau, bao gồm cả màu hồng. Một số nguyên nhân gây ra estrogen thấp bao gồm sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố không chứa estrogen hoặc tiền mãn kinh.

Rụng trứng

Bạn có thể thấy màu này vào khoảng thời gian rụng trứng. 

Sảy thai

Nếu bạn đang mang thai, dịch âm đạo tiết ra có màu hồng hoặc trong có thể là dấu hiệu của sảy thai. Các dấu hiệu khác bao gồm đau bụng, đột ngột mất các triệu chứng ốm nghén,...

Kinh nguyệt màu cam 

Kinh nguyệt màu đen, nâu, đỏ,... có phải dấu hiệu bệnh? Chị em cần lưu ý khi thấy màu này - 3

Khi máu trộn lẫn với dịch cổ tử cung, nó cũng có thể xuất hiện màu cam. Kinh nguyệt màu cam có liên quan đến:

Thụ thai

Một số phụ nữ cho biết họ nhìn thấy đốm màu cam hoặc hồng trong khoảng thời gian từ 10 đến 14 ngày sau khi thụ thai. Không phải tất cả phụ nữ đều trải qua hiện tượng này nhưng nó có thể có nhiều màu sắc khác nhau. Nếu bạn đang không dùng biện pháp tránh thai và thấy đốm máu màu cam mà không phải trong kỳ kinh, bạn nên thử thai.

Sự nhiễm trùng

Bất kỳ dịch tiết bất thường nào có màu hoặc biểu hiện bất thường cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) .

Kinh nguyệt màu xám 

Nếu nhìn thấy dịch tiết màu xám hoặc trắng nhạt, bạn nên ngay lập tức đi khám. Kinh nguyệt màu xám có liên quan đến:

Sự nhiễm trùng

Màu sắc này có thể cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi khuẩn. Các dấu hiệu nhiễm trùng khác bao gồm: sốt, ngứa, mùi hôi ở "vùng kín".

Sảy thai

Nếu bạn đang mang thai, dịch tiết màu xám có thể là dấu hiệu của sảy thai. 

Máu kinh vón cục hoặc quá lỏng có sao không?

Bên cạnh màu sắc, kết cấu của máu có thể thay đổi trong suốt kỳ kinh nguyệt. Và kinh nguyệt của bạn ở mỗi tháng cũng có thể khác nhau.

Nếu thấy có cục máu đông, bạn không cần quá lo lắng. Chúng xảy ra khi tử cung bong lớp niêm mạc. Tuy nhiên, kích thước của cục máu đông khá quan trọng. Nếu bạn thấy cục máu đông khá lớn hoặc kèm theo ra máu rất nhiều, bạn nên đi kiểm tra.

Với trường hợp máu kinh quá loãng có thể là do máu mới chảy nhanh. Nhưng một số phụ nữ có thể bị chảy máu rất nhiều được gọi là rong kinh. Tình trạng này có thể có hoặc không xuất hiện các cục máu đông. Hãy để ý nếu bạn thấy các dấu hiệu thiếu máu, như mệt mỏi hoặc khó thở.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bạn có thể thấy nhiều sắc thái và kết cấu khác nhau của máu kinh nguyệt ngay cả khi bạn khỏe mạnh. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn bảy ngày hoặc ra máu rất nhiều (1-2 tiếng phải thay băng vệ sinh), hãy hẹn gặp bác sĩ để loại trừ một số tình trạng bệnh lý.

Một số tình trạng khác bạn cũng nên cân nhắc đi khám:

- Chu kỳ kinh không đều 

- Chu kỳ kinh ngắn hơn 24 tiếng hoặc dài hơn 38 ngày

- Không có kinh trong ba tháng hoặc lâu hơn

- Chảy máu giữa các kỳ kinh

- Nếu bạn đã trải qua thời kỳ mãn kinh và bắt đầu chảy máu trở lại

Nếu bạn đang mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ hiện tượng chảy máu nào bạn thấy. 

Phụ nữ nên ăn 3 ít 5 nhiều giúp kinh nguyệt đều đặn, bổ máu và bảo vệ buồng trứng
Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý rất quan trọng của người phụ nữ trưởng thành, nếu kinh nguyệt xảy ra bất thường thì chứng tỏ cơ thể người phụ nữ...

Kinh nguyệt

HOÀNG DƯƠNG (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh phụ khoa