Tác dụng ít biết của quả phật thủ trong mâm ngũ quả cúng ông Công ông Táo và Tết

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/01/2022 14:20 PM (GMT+7)

Phật thủ là loại quả thường được bày lên vị trí trang trọng trong mâm ngũ quả cúng ông Công ông Táo hay dịp Tết nguyên đán, nhưng sau đó nhiều người bỏ đi mà không biết rằng loại quả này có vô vàn tác dụng với sức khỏe.

Trên mâm ngũ quả cúng ông Công ông Táo hay dịp Tết cổ truyền, rất nhiều gia đình lựa chọn quả phật thủ để thắp hương, với mong muốn năm mới được bình an, có nhiều phúc lộc. Sau những ngày Tết, thay vì được sử dụng như quả bưởi, chuối… phật thủ thường bị bỏ đi vì nhiều người không quen ăn hoặc chưa biết cách sử dụng.

Quả phật thủ không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là vị thuốc quý. Ảnh minh họa.

Quả phật thủ không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là vị thuốc quý. Ảnh minh họa.

Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho rằng việc vứt bỏ quả phật thủ sau khi thắp hương rất lãng phí, vì loại quả này là vị thuốc có nhiều công dụng.

Theo đó, phật thủ thuộc chi cam chanh, sở dĩ có tên gọi phật thủ là vì hình dáng của quả chia nhánh giống như bàn tay phật. Khi đặt lên mâm ngũ quả thắp hương, mọi người có mong muốn một năm mới sẽ được bình an và nhận nhiều phúc lộc.

“Thực tế, ngoài ý nghĩa tâm linh, phật thủ còn là vị thuốc có nhiều tác dụng phòng, chữa bệnh. Quả phật thủ có thể dùng để ăn tươi, làm mứt và kết hợp với những vị thuốc khác trong y học cổ truyền để điều trị bệnh”, lương y Bùi Đắc Sáng cho hay.

Quả phật thủ luôn được đặt ở vị trí trang trọng trên mâm ngũ quả. Ảnh minh họa.

Quả phật thủ luôn được đặt ở vị trí trang trọng trên mâm ngũ quả. Ảnh minh họa.

Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình) cũng cho biết, sau khi làm các thủ tục tâm linh, mọi người đừng vứt bỏ mà nên tận dụng phật thủ để làm thuốc.

“Trong dịp Tết Nguyên đán, người người nhà nhà mua phật thủ để trưng bày cho một năm mới an yên, tài lộc sum vầy. Sau đó nếu không để bàn thờ nữa cũng đừng vội vứt đi, loại quả này hoàn toàn có thể được tận dụng làm thuốc chữa bệnh. Đáng nói, có rất nhiều chứng bệnh thường gặp vào dịp Tết mà phật thủ có thể chữa khỏi, trong khi công đoạn làm thuốc không hề phức tạp”, ông Minh khuyên.

Trong đông y, phật thủ vị cay, chua và đắng, tính ấm; vào can vị phế, có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho, hen phế quản nhiều đờm, khó thở…

Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, quả phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí. Ông Minh cho biết để sử dụng làm thuốc, quả phật thủ phải hái khi vỏ còn xanh hoặc ngả vàng, thái lát dọc phơi khô (phật thủ phiến) và bảo quản trong bình kín.

Dù không ăn trực tiếp được như cam, bưởi... nhưng phật thủ có thể làm mứt, làm vị thuốc rất đơn giản. Ảnh minh họa.

Dù không ăn trực tiếp được như cam, bưởi... nhưng phật thủ có thể làm mứt, làm vị thuốc rất đơn giản. Ảnh minh họa.

Khi sử dụng làm thuốc hay các món ăn, các vị chuyên gia về đông y khuyến cáo, nên chọn quả không bị sâu, chọn mua ở nơi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được tự ý dùng làm thuốc khi không rõ nguồn gốc có an toàn hay không.

Lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn một số món ăn, bài thuốc có thể tham khảo từ quả phật thủ:

- Chữa ho đờm, viêm khí quản mạn tính: Phật thủ 6g, bán hạ chế 6g. Sắc uống trong ngày.

- Chữa đầy bụng, biếng ăn, nôn mửa: Phật thủ 3-10g, sắc uống hoặc ngâm rượu.

- Rượu phật thủ: Phật thủ 30g, rượu trắng 500ml. Ngâm trong 7-10 ngày. Uống không quá 40-50ml/lần. Dùng cho các trường hợp rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế…).

- Xi-rô phật thủ: Phật thủ 15g rửa sạch thái nhỏ, đường trắng lượng thích hợp cho vào trong bình trà, đổ nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các bệnh nhân đau quặn bụng do đầy hơi trướng bụng.

- Cháo phật thủ: Phật thủ 10-15g, Gạo tẻ 60-80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi cháo được cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.

- Chè phật thủ: Phật thủ 10g. Rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày một lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi, buồn nôn, nôn ói.

- Chè phật thủ cốc tinh thảo: Phật thủ 60g, cốc tinh thảo 15g, chè 3g. Phật thủ, cốc tinh cùng nấu lấy nước, khi đã gần đặc gạn lấy nước vào ấm đã cho chè sẵn. Cho uống ngày một ấm, dùng 5-7 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm thị thần kinh, thị lực giảm.

- Ruột lợn hầm phật thủ: Ruột non lợn một đoạn, phật thủ 15-30g. Ruột lợn làm sạch thái đoạn, nấu với phật thủ, thêm gia vị thích hợp ăn. Dùng cho phụ nữ bị huyết trắng khí hư. Tuần dùng 2-3 lần, dùng liền trong 2-3 tuần.

Loại quả mùa đông được ví như nhân sâm đỏ nhưng có những người không nên đụng tới
Cà chua có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần chế biến đúng cách và không phải ai cũng phù hợp để sử dụng hằng ngày.

An toàn thực phẩm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán