Trái cây mùa hè vô cùng đa dạng như vải, na, chôm chôm, mít,... Mặc dù rất ngon và bổ dưỡng nhưng nhất định phải chú ý tới những quy tắc sau khi ăn nếu không muốn gây hại chính mình.
1. Vải
Vải là một loại quả ngon trong hè, giàu chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành nước giải khát. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100 g cùi vải có chứa khoảng 15g đường, 36mg vitamin C, ngoài ra còn chứa một số vitamin khác như B1, B2, B6, niacin, folate và chất khoáng quan trọng như magie (10 mg), kali (171 mg), đồng (148 mg), selen (0,6 mg)…
Tuy nhiên, ăn quá nhiều vải có thể gây ra chứng “say vải” với các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt... Thậm chí có thể bị ngộ độc do quả vải bị nhiễm nấm Candida trophicalis trú ngụ ở núm những quả vải bị giập nát, ủng thối gây ra.
Mỗi khi ăn vải không nên ăn quá 10 quả, ăn nhiều sẽ làm gan sinh hỏa, lưỡi họng đau rát, nghiêm trọng hơn còn dẫn đến buồn nôn, chân tay mỏi rã rời, hoa mắt chóng mặt…. Đặc biệt, trẻ nhỏ chỉ nên ăn 3-4 quả một lần, ăn nhiều sẽ bị nhiệt.
2. Măng cụt
Măng cụt được ví như "siêu trái cây" khi có tới hơn 80 loại vitamin khác nhau và rất nhiều vitamin C. Không chỉ có nhiều vitamin, các nhà khoa học còn phát hiện nồng độ các khoáng chất như sắt, phốt pho, canxi và kali, đặc biệt là chất xơ rất nhiều ở măng cụt.
Tuy nhiên, lưu ý không ăn quá nhiều măng cụt vì có thể gây một số phản ứng dị ứng nhẹ như nổi mề đay, da mẩn đỏ, sưng, ngứa và phát ban ở những người nhạy cảm. Thậm chí, nó còn dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sưng miệng, môi, họng hoặc tức ngực.
Một nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Ketting (Mỹ) cho biết tiêu thụ măng cụt hàng ngày trong 12 tháng có thể gây nhiễm axit lactic nặng. Tình trạng này xảy ra do axit lactic tích tụ bất thường trong máu. Các triệu chứng khi nhiễm axit lactic bao gồm buồn nôn và cơ thể yếu, nếu không kịp điều trị có thể gây sốc, đe dọa tính mạng.
3. Chôm chôm
Nhiều người thích ăn chôm chôm vì vị chua ngọt của nó nhưng ít ai biết chôm chôm còn có giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, phospho... được dùng để làm thuốc chữa bệnh.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, từ vỏ đến hạt của chôm chôm đều được tận dụng để chữa bệnh. Ví dụ quả chôm chôm xanh và vỏ quả có chứa nhiều tanin được dùng để chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt. Hạt chôm chôm có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn, được dùng để chữa bệnh tiểu đường, viêm niêm mạc miệng, kiết lỵ, các vết loét lâu ngày, điều chỉnh lipid máu, giảm béo và làm đẹp da.
Tuy nhiên những người đầy bụng, khó tiêu không nên ăn chôm chôm. Người nóng trong, hay "bốc hỏa" cũng nên tránh vì lượng đường trong chôm chôm nhiều nên khi ăn vào sẽ gây nóng trong người. Vì chứa nhiều chất béo nên nếu ăn quá nhiều hạt chôm chôm có thể xuất hiện cảm giác say say và gây buồn nôn, đầy bụng.
4. Quả mận
Mận là loại quả được ưa thích vào mùa hè. Theo Đông y, mận có vị chua ngọt tính bình. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân lợi thủy. Chữa chứng hư lao, nóng trong xương, âm hư nội nhiệt, miệng khô khát, tiểu tiện bất lợi.Mận còn được xem là trái cây bổ mát, vị thuốc chữa miệng khô khát.
Mận dù bổ dưỡng nhưng không nên ăn nhiều mận bởi có thể gây sỏi thận, sỏi bàng quang, gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt, ảnh hưởng đến dạ dày và men răng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù yêu thích quả mận đến đâu, bạn cũng chỉ nên ăn tối đa 10 quả một ngày để tránh những hậu quả cho sức khỏe nói trên. Trước khi ăn mận nên ngâm trong nước muối pha loãng để an toàn hơn. Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận. Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn mận đã chín vì chất đường trong mận có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
5. Mít
Mít không chỉ hấp dẫn bởi hương thơm và vị ngọt của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mít chứa rất nhiều vitamin A, C, canxi, kali, magiê và nhiều chất dinh dưỡng khác rất có lợi cho sức khỏe. Ăn thường xuyên với một liều lượng vừa phải giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh ung thư, duy trì vẻ đẹp cho làn da…
Tuy mít rất tốt cho sức khỏe, nhưng những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh tiểu đường, bệnh suy thận mạn, người bị suy nhược, có sức khỏe yếu thì không nên ăn hoặc ăn ít.
Chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, lưu ý không ăn khi bụng đói bởi ăn lúc đói sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu…
6. Xoài
Được xem là "vua của các loại trái cây nhiệt đới", xoài còn chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe của bạn. Xoài giàu chất chống oxy hóa, làm mất tác dụng của các phân tử gốc tự do gây hại cho tế bào và gây ra những trục trặc cho sức khỏe như bệnh tim, già trước tuổi và ung thư.
Tuy nhiên, nó không phải là thích hợp cho những người bị thiếu hụt năng lượng hoặc suy lá lách. Nếu không, nó có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy và hiện tượng dị ứng khác.
7. Dứa
Dứa có nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe và cải thiện tình trạng lão hóa da, khiến da không bị khô và bong tróc. Dứa là một loại trái cây nhiệt đới, trong đó có chứa một hàm lượng cao vitamin C. Ngoài ra, dứa chứa một loại chất đặc biệt proteinase, có thể làm tăng tính thấm của niêm mạc dạ dày.
Vì vậy, một số người có thể bị đau bụng, ngứa, buồn nôn, nhức đầu, thậm chí sốc sau khi ăn dứa. Trong trường hợp này, trước khi ăn dứa, bạn có thể ngâm dứa trong nước muối khoảng 20 phút, để tiêu diệt proteinase và giảm sự xuất hiện của phản ứng dị ứng.