Không phải thực phẩm nào cũng tốt cho sức khỏe. Trang Bright Side chia sẻ một số thực phẩm mọi người thường ăn hàng ngày thực sự không có lợi cho sức khỏe mà các chuyên gia dinh dưỡng không bao giờ ăn.
1. Thanh ngũ cốc
Thanh ngũ cốc được cho rằng là món ăn nhẹ lành mạnh, tốt cho những người muốn giảm cân. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng không bao giờ ăn loại thực phẩm này, bởi trong chúng chứa một lượng lớn đường, muối và chất béo bão hóa. Không có gì khác biệt nếu bạn ăn một thanh ngũ cốc hoặc một thanh kẹo, bởi cả hai đều không có lợi như nhau.
2. Bánh mì nguyên cám mua tại cửa hàng
Bánh mì nguyên cám được làm từ các loại ngũ cốc nghiền mịn nên có màu nâu hấp dẫn. Nó được coi là một trong những loại bánh mì lành mạnh nhất, vì bánh mì nguyên cám chứa nhiều chất xơ và khiến chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định rằng bánh mì nguyên cám mua ở cửa hàng có thể giàu chất bảo quản, thêm muối và đường. Do đó, bạn nên tự làm bánh mì để có chế độ ăn lành mạnh hơn mà không lo ăn phải các thành phần độc hại.
3. Các sản phẩm được dán nhãn “ít chất béo” hoặc “không đường”
Các sản phẩm được dán nhãn “ít chất béo” hoặc “không đường” có thể trở thành yếu tố kích thích những người theo chế độ ăn kiêng mua hàng. Bản thân các chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy những sản phẩm này không thân thiện với chế độ ăn kiêng. Các sản phẩm không có chất béo và đường cũng không có mùi vị, vì vậy các nhà sản xuất thêm nhiều chất tạo vị và hóa chất nhân tạo, điều này thực sự có thể làm hỏng cả chế độ ăn uống và sức khỏe của bạn.
4. Thịt chế biến
Thịt đã qua chế biến có chứa các chất phụ gia có hại giúp thịt trông hấp dẫn hơn và giúp thời hạn sử dụng của sản phẩm lâu hơn. Thịt chế biến bao gồm: thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, thịt bò bắp và thịt hộp. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là thịt băm cũng có thể được coi là một loại thực phẩm đã qua chế biến, vì nó cũng có thể chứa chất bảo quản. Vì vậy, thịt băm tự làm là một sự thay thế lành mạnh hơn khi mua ở cửa hàng.
5. Bánh gạo
Bánh gạo rất hấp dẫn vì cho rằng chúng không có chất béo, không đường, không chất xơ, không khoáng chất và không calo. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng sẽ không bao giờ ăn chúng, vì chúng được biến thành đường gần như ngay lập tức sau khi đến hệ tiêu hóa của bạn. Chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và không thể được coi là một món ăn nhẹ lành mạnh.
6. Nước ép mua ở cửa hàng
Xu hướng nước detox (thải độc) lấy cảm hứng từ người nổi tiếng đã và đang được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng lại nghi ngờ về tác dụng của các loại nước ép bán tại các cửa hàng. Thứ nhất, các loại nước ép có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng và tạo ra tác hại cho cơ thể. Thứ hai, nước ép bán trong các của hàng có thể chỉ chứa một chút nước ép trái cây, còn lại là nước và đường.
7. Ngũ cốc ăn liền
Mặc dù ngũ cốc ăn liền được coi là một loại thức ăn dễ làm và nhanh chóng, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng chúng không có lợi, bởi loại thực phẩm này được chế biến chứa nhiều đường và tinh bột. Bắt đầu một ngày mới với ngũ cốc ăn liền có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên cao, sau đó giảm xuống, khiến bạn thèm ăn phần khác và dẫn đến ăn quá nhiều. Để thay thế lành mạnh hơn, các chuyên gia dinh dưỡng thích ăn bột yến mạch nguyên hạt .
8. Bơ đậu phộng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù bơ đậu phộng nguyên bản chứa nhiều thành phần hữu ích, nhưng loại được bán ở đa số các cửa hàng có thể gây hại. Điều này là do loại bơ hạt này chứa các thành phần bổ sung như chất béo chuyển hóa, dầu thực vật và nhiều đường.