Bún ốc đầu năm được nhiều người ưa chuộng, nhưng ít ai biết rằng ốc còn là vị thuốc đông y hỗ trợ chữa trị nhiều chứng bệnh.
Ăn bún ốc đầu năm không chỉ để lấy may
Những ngày đầu năm mới, nhiều người dân thường tìm đến những quán bún ốc để thưởng thức, nhiều người cho rằng ăn bún ốc đầu năm để lấy may, tuy nhiên theo lý giải của chuyên gia dinh dưỡng thì còn có một lý do khác.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - nguyên Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người dân tìm ăn bún ốc đầu năm là để chống ngán. Theo đó, suốt một dịp Tết mọi người sử dụng quá nhiều thịt gây cảm giác ngấy, ngán nên việc ăn một bát bún ốc có vi chua thanh, tính mát sẽ có cảm giác ngon miệng hơn.
Xét về khía cạnh dinh dưỡng, bún ốc cũng không có nhiều năng lượng như những món ăn khác ví dụ như phở bò, sốt vang hay thậm chí là phở gà.
Bún ốc có hàm lượng năng lượng thấp, dễ ăn nên nhiều người lựa chọn ăn sau dịp Tết.
Theo đó, hàm lượng dinh dưỡng có trong ốc nhồi (100gram) có chứa 11,9% protid; 0,7% lipid, các vitamin (B1 0,01mg%; B2 0,06mg%; PP 1mg%); các loại muối (Ca 1.357mg%; P 191mg%). Ốc cung cấp 86 calo/100g thịt.
Khi chế biến ốc nhồi, các cửa hàng sẽ làm nước bún với vị chua của giấm kết hợp với cà chua, đậu phụ và các loại rau thơm, nên mùi vị của món ăn này hết sức hấp dẫn, thu hút được nhiều thực khách.
Xét trên phương diện đông y, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, ốc kết hợp với bún là món ăn ngon, được nhiều người ưa chuộng không chỉ dịp Tết mà trong tất cả thời điểm, nhất là vào mùa hè oi nóng.
Trong bún ốc, ốc không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn có thể kết hợp làm bài thuốc chữa bệnh trong đông y. Theo đó, ốc (ốc nhồi) có vị ngọt, tính hàn không độc, tiêu thũng thông tiểu tiện, trừ thấp nhiệt, đau mắt. Dùng chữa trị chứng nội nhiệt, tiểu buốt dắt, phù thũng, vàng da, táo bón, xuất huyết, tâm phiền khó ngủ, hạch kết tràng nhạc và các chứng liên quan đến âm hư thấp nhiệt dùng đều tốt.
Ốc là vị thuốc trong đông y hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.
Một số món ăn bài thuốc từ ốc
- Chữa chứng người nóng bứt rứt, tâm âm hư. Khi chế biến có thể kết hợp ốc nhồi nấu cùng với khế, cà chua, măng chua và một số loại rau gia vị có thể giúp thanh nhiệt dưỡng âm.
- Ngoài ra, ốc nhồi bung cà với nguyên liệu gồm có: ốc nhồi, cà tím, thịt ba chỉ, đậu phụ, khế, tía tô, nghệ, hành, mùi tàu, thì là, mắm, muối, dầu ăn gia vị vừa đủ nấu ăn. Khi ăn có công dụng thanh vị dưỡng âm, cầm huyết (chữa vị nhiệt miệng lưỡi lở chảy máu).
- Có thể kết hợp nấu ốc nhồi, khế, cà chua, đậu phụ, nghệ, rau cần, tía tô, lá lốt, ớt, mắm muối gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng là thanh nhiệt lợi thấp, thông ứ, chữa bí tiểu, phì đại tuyến tiền liệt:
- Dùng thịt ốc bươu, mộc nhĩ, lá lốt, sả băm nhỏ, gừng, tiêu, lá chanh, gừng, các vị băm nhuyễn, làm chả hấp ăn. Công dụng giúp bổ âm, dưỡng phế thận, liễm hãn, chữa nhiều mồ hôi, người nóng trong.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết dù là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhưng cũng không nên ăn nhiều. Theo đó, ốc nhồi có tính hàn, những người tỳ vị hư hàn hay lạnh bụng đi ngoài, phế hàn ho đàm loãng, tay chân thường lạnh nên kiêng, hoặc nếu dùng nên cho nhiều gia vị cay ấm.
Không chỉ có vậy, ốc còn là vật chủ trung gian của nhiều loài giun sán gây bệnh nên chỉ ăn ốc khi đã nấu chín hẳn. Tuyệt đối không dùng tái hay vắt chanh ăn sống.
Một số người mới mới ốm dậy, mới đẻ, người lạnh bụng, đại tiện phân lỏng hoặc phân sống không nên ăn.