Ăn đậu phụ có tốt không? Những tác dụng và tác hại của đậu phụ

Khánh Hằng - Ngày 18/02/2022 16:06 PM (GMT+7)

Đậu phụ là thực phẩm rất quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày nhưng liệu bạn đã biết hết những lợi ích và tác hại của đậu phụ hay chưa?

Đậu phụ là gì?

Đậu phụ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ nước đậu nành cô đặc, sau đó ép thành các khối đặc màu trắng trong một quy trình tương tự như làm pho mát. Đậu phụ có thể cô đặc và giữ nguyên được hình dáng là nhờ một chất có tên nigari - một chất đông tụ giàu khoáng chất còn sót lại sau khi muối được chiết xuất từ ​​nước biển.

Đậu phụ có hàm lượng protein cao và chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể bạn cần. Nó cũng cung cấp chất béo, carbs và nhiều loại vitamin và khoáng chất.

Trong 100 gam đậu phụ có khoảng:

- Lượng calo: 144

- Chất đạm: 17 gam

- Carb: 3 gam

- Chất xơ: 2 gam

- Chất béo: 9 gam

- Canxi: 53% giá trị hàng ngày (DV)

- Mangan: 51% DV

- Đồng: 42% DV

- Selen: 32% DV

- Vitamin A: 18% DV

- Phốt pho: 15% DV

- Sắt: 15% DV

- Magiê: 14% DV

- Kẽm: 14% DV

Ăn đậu phụ có tốt không? Những tác dụng và tác hại của đậu phụ - 1

Đậu phụ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi mà lại ít calo. Thành phần dinh dưỡng của đậu phụ khác nhau tùy thuộc vào loại chất đông tụ được sử dụng để làm nó. Ví dụ, đậu phụ làm từ nigari chứa nhiều chất béo và kali hơn nhưng ít protein, chất xơ và canxi hơn đậu phụ làm từ canxi.

Giống như hầu hết các loại thực phẩm từ thực vật, đậu phụ chứa một số chất kháng dinh dưỡng. Những hợp chất này được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm thực vật và làm giảm khả năng cơ thể bạn hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

Hai loại kháng chất dinh dưỡng được tìm thấy trong đậu phụ bao gồm:

- Phytates: Hợp chất làm giảm sự hấp thụ các khoáng chất như canxi, kẽm và sắt của cơ thể.

- Thuốc ức chế trypsin: Làm ngăn chặn trypsin, một loại enzyme cần thiết để tiêu hóa protein. Điều này có thể gây khó tiêu, gây đau bụng và làm giảm sự hấp thụ một số khoáng chất.

Tác dụng của đậu phụ

1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Thực phẩm từ đậu nành như đậu phụ nổi tiếng với tác dụng giảm cholesterol. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên ăn đậu nành có mức cholesterol toàn phần và LDL (cholesterol xấu) thấp hơn so với những người không ăn đậu nành. Họ cũng có xu hướng có mức cholesterol HDL (tốt) cao hơn. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Sự kết hợp của chất xơ, protein và isoflavone trong đậu phụ cũng tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm các dấu hiệu nguy cơ của bệnh tim như cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tổng lượng cholesterol. 

Ngoài ra, các chuyên gia gợi ý rằng ăn đậu phụ thay vì thực phẩm động vật như thịt, trứng và sữa có thể giúp giảm tổng lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống của bạn, góp phần hơn nữa vào sức khỏe tim mạch.

2. Hỗ trợ điều trị ung thư vú

Nghiên cứu khoa học chỉ ra những phụ nữ ăn chế độ ăn giàu đậu nành có thể giảm 16% nguy cơ tử vong sau khi được chẩn đoán ung thư so với những người ăn rất ít đậu nành. Phụ nữ sau mãn kinh tuân theo chế độ ăn giàu đậu nành trước và sau khi được chẩn đoán ung thư vú có thể ít bị tái phát ung thư hơn 28% sau khi bệnh ung thư của họ thuyên giảm.

Một nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ trước và sau mãn kinh ăn nhiều đậu nành có thể giảm tới 27% nguy cơ mắc bệnh ung thư. Những người phụ nữ thường xuyên ăn đậu phụ có thể giảm tới 32% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú so với những người ít khi ăn.

Ăn đậu phụ có tốt không? Những tác dụng và tác hại của đậu phụ - 2

3. Giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư khác

Chế độ ăn giàu đậu nành cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác, bao gồm ung thư nội mạc tử cung, ruột kết, dạ dày và tuyến tiền liệt.

Một đánh giá dựa trên 23 nghiên cứu đã cho thấy chế độ ăn giàu đậu nành giúp nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn 12%, đặc biệt là ung thư dạ dày, ruột già và phổi. Ngoài ra, chế độ ăn giàu đậu nành có thể giảm 7% nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột và 8–12% nguy cơ mắc ung thư ruột kết hoặc đại trực tràng, đặc biệt là ở phụ nữ.

Những người đàn ông thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu đậu nành như đậu phụ có thể giảm tới 51% nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Đậu phụ có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những người thường xuyên ăn đậu phụ ít có nguy cơ mắc tình trạng này hơn.

Những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ ăn một chế độ giàu protein đậu nành trong 6 tuần có lượng đường trong máu và lượng insulin thấp hơn đáng kể so với những người không ăn protein đậu nành.

5. Tốt cho thận

Protein đậu nành trong đậu phụ có thể tăng cường chức năng thận, có lợi cho những người đang lọc máu hoặc ghép thận. Điều này là do nó có ảnh hưởng tới mức protein trong cơ thể và mức lipid trong máu.

6. Giúp xương chắc khỏe hơn

Nghiên cứu chỉ ra isoflavone trong đậu phụ có thể giúp giảm mất xương hoặc tăng mật độ khoáng chất trong xương, đặc biệt là sau thời kỳ mãn kinh của phụ nữ.

Ăn đậu phụ có tốt không? Những tác dụng và tác hại của đậu phụ - 3

7. Cải thiện chức năng não

Hợp chất isoflavone trong đậu nành có thể giúp cải thiện trí nhớ, sự chú ý, tốc độ xử lý và chức năng não tổng thể.

8. Giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh

Việc ăn đậu phụ có thể giúp làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, vì chúng có chứa phytoestrogen.

9. Chống trầm cảm

Một nghiên cứu cho thấy việc ăn 49 gam đậu phụ mỗi ngày có thể làm giảm tới 28% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai.

Tác hại của đậu phụ

Việc ăn đậu phụ an toàn với hầu hết mọi người, tuy nhiên việc ăn quá nhiều đậu phụ có thể gây ra một số nguy cơ:

- Khối u ở vú: Do tác dụng làm yếu nội tiết tố của đậu phụ, một số bác sĩ khuyên phụ nữ có khối u vú nhạy cảm với estrogen nên hạn chế ăn đậu.

- Các vấn đề về tuyến giáp: Một số chuyên gia cũng khuyên những người có chức năng tuyến giáp kém nên tránh đậu phụ do hàm lượng goitrogen của nó có thể ảnh hưởng tới tuyến giáp.

Nhiều người có quan niệm rằng việc ăn nhiều đậu phụ có thể ảnh hưởng tới nam giới hoặc trẻ em. Thực chất, các nghiên cứu chỉ ra hợp chất isoflavone trong đậu phụ không đủ để gây vô sinh. Chất isoflavone không có khả năng ảnh hưởng đến mức testosterone ở nam giới, bất kể họ ăn bao nhiêu.

Tương tự, việc ăn đậu phụ không ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố của trẻ em, cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển trong tuổi dậy thì của chúng.

Nguồn tham khảo:

What Is Tofu, and Is It Healthy? - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 2/2/2022.

Everything you need to know about tofu - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 27/9/2017.

Người cao huyết áp nên uống gì? Những loại trà giúp hạ huyết áp rất dễ mua, ít người biết
Một số loại trà không chỉ đem lại những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe nói chung mà còn có tác dụng hạ huyết áp tốt.

Sống khỏe

Khánh Hằng (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe