Thực phẩm bạn ăn hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng lớn tới tốc độ lành vết thương.
Các bước xử lý vết thương hở
Vết thương hở là một chấn thương liên quan đến tình trạng rách bên ngoài da hoặc bên trong mô của cơ thể, thường liên quan đến da. Nguyên nhân gây ra vết thương hở phổ biến nhất là ngã, gặp tai nạn với vật sắc nhọn, tai nạn xe... Hầu hết các vết thương hở đều nhẹ và có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng hay vết thương hở bị chảy nhiều máu hoặc chảy máu kéo dài nên tới cơ sở y tế ngay, bởi nếu không chăm sóc đúng cách có thể gây ra nhiễm trùng.
Các loại vết thương hở bao gồm:
- Vết thương hở do sự mài mòn
- Vết rách, xước
- Vết đâm thủng
- Mất một phần cơ thể.
Các bước xử lý vết thương hở bao gồm:
- Bước đầu tiên và quan trọng nhất là cầm máu, có thể dùng khăn sạch hoặc giấy để ép lên vết thương đẩy nhanh quá trình làm đông máu.
- Sử dụng dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý hay nước sạch để rửa miệng vết thương, loại bỏ tất cả dị vật và vi khuẩn. Với các vết thương quá lớn hay có dị vật phức tạp như thủy tinh, vật thể lạ cần đến cơ sở y tế để bác sĩ loại bỏ.
- Sau khi làm sạch vết thương, có thể sử dụng thêm các loại thuốc mỡ hay thuốc kháng sinh bôi lên vết thương, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Đối với các vết thương có diện tích nhỏ có thể sử dụng băng gạc y tế chống thấm nước để băng bó, bảo vệ vết thương hở. Cần băng kín miệng vết thương tránh cho vết thương tái nhiễm khuẩn. Không nên băng vết thương quá chặt nhưng vẫn phải đảm bảo vết thương được che kín.
- Theo dõi liên tục miệng vết thương, nên kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng và thay băng ít nhất một lần/ngày. Mỗi khi thay băng phải vệ sinh lại vết thương và bôi thuốc. Trong trường hợp vết thương nặng hơn cần đến cơ sở y tế kiểm tra và điều trị.
Các vết thương hở cần sự chăm sóc của nhân viên y tế:
- Vết thương hở sâu hơn 1cm
- Chảy máu nhiều và không ngừng
- Chảy máu kéo dài hơn 20 phút
- Chảy máu do một tai nạn nghiêm trọng gây ra.
Ăn gì mau lành vết thương?
1. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là một chất có trong tự nhiên và rất hiệu quả trong việc chữa lành cơ thể. Nó là thành phần không thể thiếu trong quá trình tạo collagen – chất thiết yếu cho việc phục hồi da hư tổn. Vitamin C còn kích thích vị trí bị tổn thương sớm hình thành lớp da mới, ngoài ra còn giúp tạo thành các mô mới, dây chằng và mạch máu cho da.
Lượng vitamin C nên dùng mỗi ngày là khoảng 200 mg. Bạn hoàn toàn có thể đạt được lượng này thông qua những thực phẩm giàu vitamin C như:
- Ớt chuông
- Quả kiwi
- Quả dâu tây
- Trái cây họ cam quýt
- Súp lơ xanh và các loại rau xanh khác
- Đu đủ
- Quả ổi
- Quả hồng giòn...
2. Thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A là một chất chống oxy hoá tự nhiên và rất cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương của bạn bởi nó kích thích quá trình tạo mới collagen. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và nhức khớp.
Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở trẻ em là 400 mcg và người trưởng thành là 600 mcg. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A bao gồm:
- Gan bò
- Dầu gan cá
- Khoai lang
- Cà rốt
- Đậu mắt đen
- Rau chân vịt
- Súp lơ xanh
- Ớt chuông
- Quả xoài
- Quả dưa lưới
- Quả bí ngô
- Nước ép cà chua...
3. Thực phẩm giàu protein
Protein cần thiết cho quá trình làm lành vết thương, tái tạo da, tạo ra collagen và tạo mới mạch máu. Vì vậy, khi cung cấp không đủ protein, vết thương sẽ lâu lành hơn. Khi cần tái tạo da, bạn nên ăn nhiều protein hơn bình thường, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng.
Những thực phẩm chứa nhiều protein bao gồm:
- Trứng
- Hạnh nhân
- Thịt bò, lợn, gà
- Các loại cá
- Đậu nành và cây họ đậu
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Sữa chua Hy Lạp
- Yến mạch
- Tôm
- Súp lơ xanh...
4. Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một nguyên tố vi lượng có trong mô của cơ thể. Nó giúp cơ thể tổng hợp protein, sử dụng các chất béo và tạo collagen mới để kích thích quá trình chữa lành vết thương. Vitamin A và kẽm là hai chất giúp củng cố hệ miễn dịch của cơ thể, chống nhiễm trùng. Lượng kẽm được khuyên dùng hằng ngày là 15-50 mg.
Bạn có thể dễ dàng hấp thu kẽm từ những thực phẩm như:
- Các loại thịt
- Động vật có vỏ
- Cây họ đậu
- Các loại hạt
- Trứng
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Củ cải
- Quả ổi
- Socola đen...
Bị vết thương hở kiêng ăn gì?
Trái ngược với những loại thực phẩm kể trên, có nhiều loại thực phẩm không nên ăn vì nó sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt cho quá trình hồi phục vết thương. Các món liên quan đến thịt gà, đồ nếp,... có thể gây ngứa ngáy, mưng mủ khi vết thương đang trong giai đoạn lên da non. Đặc biệt, thịt bò và rau muống nếu ăn trong khi có vết thương hở rất dễ tạo thành sẹo lồi và sẹo thâm, gây mất thẩm mỹ.
Nguồn tham khảo: 6 ways to make a wound heal faster - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 26/11/2020. |