Thận là cơ quan thực hiện nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Chính thực phẩm bạn ăn hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của thận. Dưới đây là những thực phẩm giúp bổ thận bạn nên ăn.
Bệnh thận là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số thế giới. Thận có kích thước nhỏ nhưng lại thực hiện nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Thận có nhiệm vụ lọc các chất cặn bã, giải phóng các hormone điều hòa huyết áp, cân bằng chất lỏng trong cơ thể, sản xuất nước tiểu và nhiều nhiệm vụ thiết yếu khác.
Hiện nay, có rất nhiều căn bệnh phổ biến liên quan đến thận. Bệnh tiểu đường và huyết áp cao là những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với bệnh thận. Bên cạnh đó, béo phì, hút thuốc, di truyền, giới tính và tuổi tác cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Lượng đường trong máu không được kiểm soát và huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu trong thận, làm giảm khả năng hoạt động tối ưu của thận.
Khi thận không hoạt động bình thường, chất thải sẽ tích tụ trong máu, bao gồm cả các chất thải từ thức ăn, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó, chế độ ăn uống rất quan trọng đối với sức khỏe của thận.
Những người bị bệnh thận thường được khuyến nghị hạn chế các chất dinh dưỡng sau:
- Natri: Được tìm thấy trong nhiều thực phẩm và là thành phần chính của muối. Người bị bệnh thận thường được khuyến nghị hạn chế natri dưới 2.000mg mỗi ngày.
- Kali: Đóng nhiều vai trò quan trọng cho sức khỏe nhưng những người bị bệnh thận cần hạn chế kali để tránh nồng độ trong máu cao một cách nguy hiểm. Người bị bệnh thận nên hạn chế kali đến dưới 2.000mg mỗi ngày.
- Phốt pho: Người bị bệnh thận không thể loại bỏ phốt pho dư thừa, gây ra nhiều bệnh tật, vì vậy nên hạn chế mức phốt pho dưới 800-1.000mg mỗi ngày.
- Protein: Dù protein cần thiết cho sức khỏe nhưng người bị bệnh thận nên hạn chế tiêu thụ quá nhiều protein bởi thận bị tổn thương không thể loại bỏ các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein.
Dưới đây là những loại thực phẩm ít chứa những thành phần trên và tốt cho người bị bệnh thận:
1. Súp lơ trắng
Súp lơ trắng là một loại rau bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin C, vitamin K và vitamin B. Súp lơ trắng cũng chứa rất nhiều chất xơ và hợp chất chống viêm, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trong 124g súp lơ trắng nấu chín chỉ chứa 19mg natri, 176mg kali và 40mg phốt pho. Với hàm lượng khá thấp các chất này, súp lơ trắng trở thành một trong những thực phẩm an toàn cho thận, phòng chống các bệnh về thận.
2. Quả việt quất
Quả việt quất chứa nhiều chất dinh dưỡng và là một trong những nguồn chất chống oxy hóa tốt nhất. Đặc biệt, loại quả mọng này chứa chất chống oxy hóa gọi là anthocyanins, có thể chống lại bệnh tim, một số bệnh ung thư, suy giảm nhận thức và bệnh tiểu đường.
Quả việt quất là loại trái cây tuyệt vời nên bổ sung trong chế độ ăn uống tốt cho thận bởi nó chứa ít natri, phốt pho và kali. Trong 148g việt quất tươi chỉ chứa khoảng: 1,5mg natri, 114mg kali và 18mg phốt pho.
3. Cá vược biển
Cá vược biển là một loại protein chất lượng cao có chứa chất béo vô cùng lành mạnh được gọi là omega-3. Axit béo omega-3 giúp giảm viêm và có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, trầm cảm và lo lắng.
Trong khi hầu hết tất cả các loại cá đều có hàm lượng phốt pho cao thì cá vược biển lại chứa một lượng thấp hơn các loại hải sản khác. Vì vậy, loại cá này thích hợp với những người bị bệnh thận.
4. Nho đỏ
Nho đỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi và là một trong những loại trái cây lành mạnh nhất. Nho đỏ chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa gọi là flavonoid, đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm. Ngoài ra, nho đỏ chứa nhiều resveratrol, một loại flavonoid đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch, bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức.
Nho đỏ rất tốt cho thận. Trong 75g nho đỏ chỉ chứa khoảng 1,5mg natri, 144mg kali và 15mg phốt pho.
5. Lòng trắng trứng
Mặc dù lòng đỏ trứng rất bổ dưỡng nhưng lại chứa một lượng phốt pho cao, trong khi đó lòng trắng trứng rất tốt cho thận. Lòng trắng trứng cung cấp một nguồn protein chất lượng cao, có lợi cho thận. Lòng trắng trứng là một lựa chọn tuyệt vời cho những người đang điều trị lọc máu, những người có nhu cầu protein cao hơn nhưng cần hạn chế phốt pho.
Hai lòng trắng trứng lớn (66g) chứa khoảng: 110mg natri, 108mg kali và 10mg phốt pho.
6. Tỏi
Tỏi là một nguồn cung cấp mangan, vitamin C, vitamin B6 và chứa các hợp chất lưu huỳnh có đặc tính chống viêm. Ba tép (9g) tỏi chỉ chứa khoảng: 1,5mg natri, 36mg kali và 14mg phốt pho. Do đó, tỏi có lợi cho những người mắc bệnh thận.
7. Kiều mạch
Nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt có xu hướng chứa nhiều phốt pho nhưng kiều mạch là một ngoại lệ. Kiều mạch có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp một lượng vitamin B, magie, sắt và chất xơ. Kiều mạch còn là một loại ngũ cốc không chứa gluten, là một lựa chọn tốt cho những người bị bệnh celiac hoặc không dung nạp gluten.
Trong 84g kiều mạch nấu chín chứa: 3,5mg natri, 74mg kali và 59mg phốt pho.
8. Dầu ô liu
Dầu ô liu là một nguồn chất béo lành mạnh và không chứa phốt pho, là một lựa chọn tuyệt vời cho những người bị bệnh thận. Phần lớn chất béo trong dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là axit oleic, có đặc tính chống viêm.
Một muỗng canh (13,5g) dầu ô liu chứa khoảng: 0,3mg natri, 0,1mg kali và không chứa phốt pho.
9. Bắp cải
Bắp cải thuộc rau họ cải, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật mạnh mẽ. Bắp cải là một nguồn cung cấp vitamin K, vitamin C và nhiều loại vitamin B tuyệt vời. Bắp cải còn cung cấp chất xơ không hòa tan, một loại chất xơ giữ cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy nhu động ruột.
Thêm vào đó, bắp cải có hàm lượng natri, kali và phốt pho thấp, thích hợp với những bệnh nhân mắc các bệnh về thận. Trong 70g bắp cải chứa: 13mg natri, 119mg kali và 18mg phốt pho.
10. Thịt gà không da
Mặc dù lượng protein hạn chế là cần thiết đối với một số người mắc bệnh về thận nhưng việc cung cấp đủ lượng protein chất lượng cao cho cơ thể là rất quan trọng đối với sức khỏe. Thịt gà không da sẽ là một lựa chọn tốt bởi nó chứa ít phốt pho, kali và natri nhưng vẫn chứa một lượng protein cần thiết.
Trong 84g thịt gà không da có: 63mg natri, 216mg kali và 192mg phốt pho.
11. Ớt chuông
Ớt chuông nổi tiếng về việc chứa nhiều vitamin C, được coi như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Chỉ một quả ớt chuông nhỏ (74g) có thể chứa tới 105% lượng vitamin C được khuyến nghị. Ngoài ra, ớt chuông cũng chứa rất nhiều vitamin A, một chất dinh dưỡng quan trọng cho chức năng miễn dịch, vốn đã bị ảnh hưởng ở những người bệnh thận.
Trong một quả ớt chuông nhỏ 74g có: 3mg natri, 156mg kali và 19mg phốt pho.
12. Hành tây
Hành tây chứa nhiều vitamin C, mangan, vitamin B và các chất xơ prebiotic giúp giữ cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh bằng cách cung cấp các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Hành tây cũng chứa rất ít những khoáng chất không có lợi cho thận. Trong một củ hành tây nhỏ (70g) có khoảng: 3mg natri, 102mg kali và 20 mg phốt pho.
13. Hạt mắc ca
Hầu hết các loại hạt đều chứa nhiều phốt pho và không được khuyến khích cho những người có vấn đề về thận. Tuy nhiên, hạt mắc ca lại là ngoại lệ khi chứa hàm lượng phốt pho thấp hơn nhiều so với các loại hạt phổ biến như đậu phộng và hạnh nhân. Loạt hạt này cũng chứa nhiều chất béo lành mạnh, vitamin B, magie, đồng, sắt và mangan.
Hạt mắc ca là một lựa chọn tốt cho thận. Trong 28g hạt mắc ca chứa: 1,4mg natri, 103mg kali và 53mg phốt pho.
14. Dứa
Nhiều loại trái cây nhiệt đới như cam, chuối và kiwi có hàm lượng kali rất cao. Tuy nhiên, dứa lại ngược lại khi có hàm lượng kali khá thấp, thích hợp với những người mắc các vấn đề về thận. Thêm vào đó, dứa rất giàu chất xơ, mangan, vitamin C và bromelain, một loại enzyme giúp giảm viêm.
Trong 165g dứa chứa khoảng: 2mg natri, 180mg kali và 13mg phốt pho.
15. Nấm hương
Nấm hương có thể được sử dụng như một thực phẩm thay thế thịt cho những người ăn kiêng, những người cần hạn chế chất đạm.
Nấm hương có nhiều vitamin B, đồng, mangan và selen. Ngoài ra, chúng cũng cung cấp một lượng protein thực vật và chất xơ tốt.
Nấm hương có hàm lượng kali thấp hơn nấm mỡ nên rất thích hợp đối với những người đang mắc các bệnh về thận. Trong 145g nấm hương nấu chín có 6mg natri, 170mg kali và 42 mg phốt pho.
Nguồn tham khảo: The 20 Best Foods for People with Kidney Disease - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 18/11/2019. |