Sức khỏe đường ruột có mối liên hệ mật thiết với tốc độ lão hóa. Vì vậy, bạn nên chú ý tránh 4 loại thực phẩm dưới đây nếu không muốn nhanh già.
Có người già nhanh, có người già chậm, có người đến tuổi già vẫn khỏe mạnh bình an vô sự, nguyên nhân do đâu? Các chuyên gia cho rằng điều này có liên quan tới một vấn đề sức khỏe được gọi là viêm. Tình trạng viêm mãn tính có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa và thông thường nó hay bắt nguồn từ đường ruột.
Viêm đường ruột làm tăng tốc độ lão hóa
Viêm là một quá trình thiết yếu làm tăng lưu lượng máu đến vùng bị nhiễm bệnh của cơ thể và mang theo các tế bào của hệ thống miễn dịch để chữa lành nó.
Nếu viêm trở thành mãn tính, nó có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh đồng thời tạo ra một loạt các triệu chứng khó chịu như cứng khớp, đau cơ và các vấn đề về tiêu hóa. Và tình trạng viêm này có liên quan mật thiết với hệ vi sinh vật trong đường ruột.
Rohini, một chuyên gia về tiêu hóa và là phó giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York (Mỹ) cho biết vi khuẩn đường ruột thay đổi một cách tự nhiên và trở nên ít đa dạng hơn khi chúng ta già đi. Và khi hệ vi sinh vật đường ruột kém đa dạng hơn, kết hợp với các vấn đề sức khỏe khác, có thể kéo theo việc gia tăng tình trạng viêm khắp cơ thể.
Sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan tới tốc độ lão hóa. (Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu gần đây về hệ vi sinh vật đã chỉ ra rằng đường ruột của những người ở các độ tuổi khác nhau cũng sẽ có sự khác biệt. Các nhà khoa học đã so sánh vi khuẩn đường ruột của các nhóm tuổi từ 18 đến 98 tuổi và phát hiện ra rằng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến quá trình lão hóa khỏe mạnh.
Trên thực tế, họ phát hiện ra rằng những người có tổng thể hệ vi sinh vật độc đáo thấp hơn sẽ có tỷ lệ sống sót sau 4 năm thấp hơn. Một nghiên cứu khác về những người trăm tuổi và siêu trăm tuổi (từ 104 tuổi trở lên) cho thấy họ có có hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng hơn so với những người kém tuổi hơn và ít khỏe mạnh.
Muốn đường ruột khỏe mạnh, cơ thể chậm lão hóa nên tránh 4 loại thực phẩm
Tiến sĩ Jacqueline Wolf là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và phó giáo sư y khoa tại trường Y Harvard (Mỹ) cho biết thực phẩm có tác động lớn đến tình trạng viêm nhiễm. Một số loại thực phẩm làm giảm vi khuẩn chống viêm lành mạnh trong ruột, trong khi những loại khác tạo ra các hợp chất làm giảm viêm và cải thiện vết thương.
Dưới đây là bốn loại thực phẩm bác sĩ luôn cố gắng tránh tiêu thụ để giảm bớt tình trạng viêm:
1. Thịt mỡ
Nghiên cứu cho thấy các loại thịt béo như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu có liên quan đến tình trạng viêm cấp thấp. Mỡ động vật và chất béo bão hòa có thể làm thay đổi vi khuẩn đường ruột bằng cách tăng lipopolysacarit, có thể gây viêm. Chúng cũng có thể gây ra những thay đổi làm giảm axit béo chuỗi ngắn, vốn có tác dụng chống viêm và quan trọng đối với sức khỏe ruột kết.
Bạn nên ăn:
- Thịt trắng từ thịt gà và gà tây có ít chất béo bão hòa.
- Cá có ít chất béo bão hòa và nhiều axit béo omega-3 và các hợp chất khác tạo ra các chất làm giảm viêm.
2. Thực phẩm siêu chế biến
Những thực phẩm này trải qua các quá trình chế biến và có xu hướng chứa nhiều chất phụ gia hoặc chất được chiết xuất từ thực phẩm. Do đó, chúng có xu hướng chứa lượng chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung cao, những thứ này có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài ra, thực phẩm siêu chế biến thường thiếu các đặc tính chống oxy hóa như thực phẩm chưa chế biến. Ví dụ, bánh mì trắng thiếu chất chống oxy hóa của hạt lúa mì, giúp chống viêm.
Bạn nên ăn:
- Trái cây và rau quả tươi rất giàu hợp chất gọi là polyphenol có tác dụng ức chế viêm nhiễm .
- Thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt có chứa chất chống oxy hóa của cám và mầm lúa mì, đồng thời có thể chống viêm.
3. Đồ uống có đường
Nước ngọt có gas và đồ uống có đường có liên quan đến bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh tim mạch - tất cả đều có thể gây viêm mãn tính. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn.
Bạn nên uống:
- Trà ô long, trà đen và trà xanh chứa một lượng lớn polyphenol giúp ức chế viêm nhiễm.
- Cà phê đã được chứng minh là làm giảm viêm trong một số nghiên cứu .
4. Dừa và dầu cọ
Những loại dầu này có thể được tìm thấy trong thực phẩm đã qua chế biến (như bánh quy) và đôi khi được sử dụng trong nấu ăn. Chúng chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, có thể làm giảm sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột và axit béo tự do, có khả năng dẫn đến tình trạng viêm nhiễm gia tăng.
Bạn nên ăn:
- Dầu ôliu siêu nguyên chất có ít chất béo bão hòa, đồng thời chứa polyphenol và các chất chống oxy hóa, chống viêm khác.
- Dầu hạt lanh có ít chất béo bão hòa và giàu axit béo omega-3 chống viêm.