Để có một kỳ nghỉ Tết an toàn và không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, bác sĩ Trần Văn Đồng - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ một số điều cần lưu ý.
Năm hết Tết đến, trong không khí ngày xuân, muôn người ở muôn nẻo đổ về quê, đi lễ Tết nội ngoại. Để có niềm vui sum vầy ấy, không ít trẻ em có những chuyến đi xa cùng ba mẹ và thói quen thường nhật bị thay đổi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, nhất là lúc dịch bệnh còn phức tạp. Những lưu ý sau sẽ giúp các bé được an toàn hơn để cùng vui Tết:
- Trao yêu thương đừng trao virus, vi khuẩn: Trẻ ở độ tuổi nhỏ chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là đối tượng dễ tổn thương, nên nhiều trường tiểu học, mầm non thường xuyên xuất hiện các em bị F0.
Trong ngày Tết vui khỏe, người lớn hãy trao yêu thương, xin đừng trao vi khuẩn, virus cho trẻ. Mỗi người lớn cần tự ý thức mỗi khi “yêu thương” trẻ, đừng thơm môi má bé, không cầm đồ ăn chấm mồm chấm miệng bé nhất là lấy ngón tay cưng nựng trẻ, đừng dùng thìa muỗng đút ăn chung với trẻ khác. Điều này không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng nhiều nhiều bệnh khác.
Rất nhiều bệnh lây qua nụ hôn của người lớn sang trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.
- Mặc đồ hợp lý với trẻ em: Khi vui chơi ngày Tết, trẻ nô đùa với trang phục dày, nhiều phụ kiện sẽ khiến mồ hôi ra nhiều và làm trẻ khó chịu. Do đó, nên mặc nhiều lớp áo hơn là mặc ít mà quá dày, vừa giữ ấm tốt mà vừa dễ tháo bỏ từng lớp cho phù hợp.
- Duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể tốt: Đôi tay bẩn là đường lây nhiễm nguy cơ cao. Tay bé bẩn lại cầm bánh kẹo nhiều, các mẹ cần đặc biệt chú ý. Thực tế, qua những buổi trực dịp giáp Tết, bác sĩ đã đón nhiều bệnh nhân nôn, sốt đau bụng do nhiễm trùng đường ruột.
- Duy trì việc cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc: Dù đi chơi nhưng vẫn nên cho bé về ăn cơm, cháo đủ bữa, đúng giờ, duy trì được giấc ngủ tốt giúp bé khỏe hơn. Điều này rất quan trọng để trẻ không bị stress do sự thay đổi đột ngột và khó lấy lại thói quen tốt sau Tết.
- Không cho trẻ ăn nhiều kẹo bánh, nước ngọt: Khi ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, bé no bụng dễ bỏ bữa ăn, hương vị ngọt ngào quá mức làm trẻ bỏ sữa trắng (ít hoặc không đường có lợi cho sức khỏe hơn).
- Duy trì thói quen vui chơi giải trí điều độ, nhất là việc xem TV và chơi trò chơi điện tử.
- Cuối cùng, rất quan trọng đó là hãy tuân thủ thông điệp 5K, hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người mà không giữ được khoảng cách cần thiết, có thể bạn không còn “sợ mắc bệnh” nhưng nếu phải cách ly cũng không vui vẻ. Nên nhớ trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin nên nguy cơ mắc rất cao nếu không tuân thủ.
Tin liên quan
Khi bị tiêu chảy, mất nước, việc bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol là rất cần thiết, nhưng làm sai cách có thể gây nguy hiểm đến...
Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ CK Nhi Trần Văn Đồng
Khi nấu cháo xong, không ít mẹ bảo quản bằng cách cho vào bình giữ nhiệt để bữa sau cháo nóng con ăn tiếp. Liệu điều này có tốt cho trẻ và cháo còn giữ được dinh dưỡng? Bác sĩ chuyên khoa...