Mùa hè - mùa du lịch biển tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta nên hỏi người dân địa phương về sự xuất hiện của sứa, đặc biệt là sứa lửa để tránh bị bỏng sứa khi tắm biển.
Bé 8 tháng bị bỏng da vì sứa: Cách sơ cứu nhiều người không biết
Ngày 13/7, BV Da Liễu TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi nữ (8 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) đến khám và nhập viện do có biểu hiện viêm da, nổi nhiều bóng nước kèm đau rát vùng cánh tay phải nghi do bỏng sứa.
Bé nhập viện trong tình trạng vùng cánh tay phải của bé có nhiều bóng nước, vết tích bóng nước rỉ dịch, nhiều chỗ đau rát.
Theo lời gia đình, mấy ngày trước bé có tắm biển, sau khi lên bờ, bé cảm thấy da vùng cánh tay phải hơi nóng và đau rát. Sau đó, vùng da này tiếp tục nổi những mảng đỏ và bóng nước gây căng, đau nhiều hơn. Gia đình đưa trẻ đến viện tỉnh nhưng không đỡ buộc phải chuyển lên BV Da liễu TP Hồ Chí Minh.
ThS-BS Dương Lê Trung - Khoa Lâm sàng 1, BV Da Liễu TP.HCM cho biết bé bị viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính. Đây là một loại phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh từ môi trường bên ngoài, ở đây cụ thể là nọc độc từ sứa biển.
Biểu hiện bệnh thường xảy ra sớm, sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Triệu chứng bao gồm cảm giác châm chích, ngứa, đau rát, đỏ da, sau đó xuất hiện các mụn nước, bóng nước, trợt da. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tình trạng bội nhiễm vi trùng ở vùng da bệnh.
Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, có 2 loại sứa biển, gồm sứa thường (còn được dùng làm thực phẩm) và sứa lửa.
Khác với sứa thường chỉ gây dị ứng, ngứa thông thường sau khi bôi, uống thuốc dị ứng sẽ nhanh khỏi, sứa lửa thực sự là nỗi khiếp đảm của bà con ngư dân đi biển hay du khách nếu không may bị sứa chạm phải khi đang tắm biển.
Nguyên nhân là do sứa lửa có nọc độc nên khi chạm vào da thịt nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những tổn thương nặng nề do nọc độc gây loét, bỏng sâu.
Khi bị sứa lửa chạm vào người ta sẽ biết ngay bởi đang bơi trong nước vẫn cảm nhận được sự bỏng rát khi chạm phải sứa lửa. Nó khác với sứa thường gây ngứa, sứa lửa gây bỏng như a xít, đau khủng khiếp.
Đáng ngại là, nhiều người không biết cách sơ cứu khi chạm phải sứa. Thường khi thấy có vết đỏ rộp, đau đớn do sứa biển gây ra người dân vội vàng băng vết thương đi thẳng tới viện. Trong thời gian này, nọc độc của sứa vẫn bám trên da gây những thương tổn nặng nề.
GS. TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây là cách xử trí không đúng. Thay vì vội vàng đến viện nếu đang bơi bỗng dưng thấy đau nhói, bỏng rát cần bình tĩnh lên bờ để rửa vết thương.
Cần rửa ngay lập tức bằng nước (thậm chí bằng nước biển), nước thường, nếu kiếm được nước vôi trong thì càng tốt. Sau khi rửa liên tục vào vùng tổn thương do sứa gây ra nên chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế, đặc biệt với các vết thương nặng nên chuyển đến bệnh viện chuyên điều trị các bệnh về biển…Tại các cơ sở này, với tổn thương quá nặng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng ôxy cao áp, vết thương sẽ hồi phục nhanh hơn so với điều trị y tế thông thường.
TS Sơn cũng lưu ý thêm với các trường chạm với sứa biển thường tuy không gây bỏng rát nhưng cũng không nên chủ quan, bởi nó cũng có thể gây dị ứng nặng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Khi đó cũng cần rửa sạch vùng da tiếp xúc, bôi thuốc chống viêm, nếu thêm ngứa ngáy khó chịu có thể uống thêm thuốc chống dị ứng.
Sứa có màu trong suốt mắt thường rất khó phát hiện do đó các chuyên gia khuyến cáo ở những vùng biển có nhiều sứa nên hạn chế tắm. Nếu thấy sứa biển thì tốt nhất không xuống tắm phòng nguy cơ chạm với sứa lửa.
Sau khi tắm có hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa ngoài ra thì nên vệ sinh sạch vùng da bị dị ứng.
Nếu tình trạng dị ứng nặng lên nên đi khám để bôi và uống thuốc chống dị ứng sẽ có tác dụng làm dịu vùng da dị ứng, giảm ngứa, tránh gãi trầy xước càng dễ gây nhiễm trùng.
Ngoài ra khi đi tắm biển, nhất là với trẻ em nên mặc đồ bơi để hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm, phòng nguy cơ dị ứng nặng.
Người bệnh tuyệt đối không chườm đá, chườm nước nóng, đắp lá cây, chà cát ở bãi biển hay sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng khác chữa bỏng sứa vì có thể sẽ làm vết thương kích ứng hoặc nhiễm trùng nặng hơn.