Chu kỳ kinh nguyệt ở bé gái tuổi dậy thì vô cùng quan trọng, nó giúp đánh giá sức khỏe thể chất của trẻ, nếu kinh nguyệt ở bé gái có những bất thường, cha mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện để khám.
Cô bé Tiểu Khiết, 13 tuổi ở Chu Châu đã xuất hiện chu kỳ kinh đầu tiên trong cuộc đời. Cô bé xấu hổ, nhút nhát, không dám nói cho mẹ biết, tự dùng tiền tiết kiệm để mua băng vệ sinh. Cô bé cũng tìm kiếm thông tin về kinh nguyệt trên mạng, được biết kinh nguyệt mỗi tháng một lần, mỗi lần bình thường kéo dài từ 3-7 ngày là sạch sẽ.
Tuy nhiên, điều khiến Tiểu Khiết không thể hiểu được đó là kinh nguyệt của cô bé kéo dài hơn 1 tháng, còn ra máu liên tục. Do bản thân cũng đã tìm hiểu những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trên mạng, cộng thêm sự lo lắng căng thẳng nên cô bé đã không nói với gia đình về chuyện này.
Tiểu Khiết có kinh nguyệt kéo dài 3 tháng nhưng không nói với cha mẹ.
Cho đến hơn 3 tháng sau, trong giờ học thể dục, Tiểu Khiết đột nhiên bị ngất, cô bé được thầy cô giáo đưa đến Bệnh viện trung tâm thành phố Chu Châu để khám. Bác sĩ thông qua xét nghiệm máu và phát hiện huyết sắc tố của Tiểu Khiết chỉ đạt 56g/L, bằng một nửa so với những đứa trẻ cùng lứa có sức khỏe bình thường, bác sĩ nói rằng dưới 60g/L đã là thiếu máu nghiêm trọng.
Bác sĩ Vương Kình Tiến, trưởng Khoa phụ khoa của Bệnh viện trung tâm thành phố Chu Châu cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến thiếu máu: một là lúc mới sinh quá nhỏ, hai là bị thương quá nặng, ba là kinh nguyệt chảy quá nhiều. Thông qua tìm hiểu bác sĩ được biết, chế độ ăn uống của Tiểu Khiết bình thường, không kén ăn, kiểm tra tế bào bạch cầu và tiểu cầu là bình thương, tổn thương hệ thống tạo máu không lớn, do đó nguyên nhân thứ nhất được loại trừ. Thói quen đi tiểu của cô bé cũng bình thường, không có sự phá hủy hemoglobin rõ ràng, và lý do thứ hai cũng có thể được loại trừ. Khả năng lớn nhất là lý do thứ ba, do lượng kinh nguyệt chảy quá nhiều.
Rong kinh kéo dài khiến Tiểu Khiết bị thiếu máu nghiêm trọng
Bác sĩ Vương Kình Tiến hỏi về tình trạng kinh nguyệt, Tiểu Khiết mới cho biết, kinh nguyệt của bản thân đã 3 tháng nay vẫn chưa sạch, đây chính là lý do dẫn đến Tiểu Khiết bị thiếu máu trầm trọng, trong y học gọi là rong kinh ở tuổi dậy thì.
Rong kinh tuổi dậy thì?
Sau khi các bé gái bước vào tuổi dậy thì, do các chức năng khác nhau của cơ thể vẫn đang trong giai đoạn phát triển, sự phát triển của chức năng bài tiết hormone vẫn chưa hoàn thiện. Trong trường hợp loại trừ các bệnh khác của cơ thể, do loại chức năng bài tiết hormone này thất thường dẫn đến tử cung chảy máu dị thường, đây được gọi là rong kinh tuổi dậy thì, thường xảy ra ở độ tuổi từ 13 -18 tuổi.
Triệu chứng chính của rong kinh tuổi dậy thì chủ yếu là chảy máu âm đạo bất thường. Lượng kinh nguyệt nhiều hoặc ít, chu kỳ kinh nguyệt quá dài và rối loạn chu kỳ. Thời gian dài chảy máu có thể dẫn đến thiếu máu mãn tính, và nghiêm trọng có thể gây sốc do thiếu máu cấp độ nặng. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, cần phải tiến hành cầm máu, tránh mất máu quá lớn.
Bác sĩ Vương Kình Tiến
Bác sĩ Vương Kình Tiến nhắc nhở các bé gái vị thành niên, không nên xấu hổ, cần phải báo với cha mẹ về sự bất thường của bản thân, để tránh trì hoãn thời gian điều trị. Cha mẹ cũng cần phải chý ý đến các vấn đề về sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ, sức khỏe sinh sản ở tuổi thành niên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể hiện tại của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản trong tương lai.
Cách phòng ngừa rong kinh tuổi dậy thì?
1. Người lớn có thể cho trẻ ăn một số thực phẩm giàu chất sắt, protein cao trong thời kỳ kinh nguyệt. Chẳng hạn như: rau bina, các loại hạt, ức gà, cá, ngũ cốc, quả lựu,… giúp hấp thụ sắt.
2. Nếu những bé gái bị rong kinh, buộc phải dẫn trẻ tới khám bệnh ở một số trung tâm y tế để điều trị sớm, tránh rối loạn phóng noãn sẽ dẫn đến vô sinh.
Cha mẹ thường xuyên chia sẻ, nói chuyện với trẻ để tìm hiểu tâm lý của trẻ
3. Chú ý đến quy luật của cuộc sống, cố gắng giúp trẻ cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, giúp trẻ giữ tâm trạng tốt, tránh căng thẳng quá mức và kích thích tinh thần. Đồng thời, bé gái phải chú ý vệ sinh cá nhân, tắm, thay đồ lót và thay băng vệ sinh hàng ngày.
Những bé gái tuổi bị thành niên thường khi xuất hiện kinh nguyệt sẽ lo lắng, hoảng sợ, đặc biệt là những trẻ sống nội tâm, ít chia sẽ về những chỗ “riêng tư” với người lớn. Do đó, là cha mẹ phải biết chia sẻ và nói chuyện với con gái về một số thay đổi trong cơ thể ở thời niên thiếu, tìm ra vấn đề để kịp thời giải quyết, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.