Bé gái 7 tuổi thiếu máu phải nhập viện, bác sĩ chỉ sai lầm nhiều mẹ mắc khi chăm con

Ngày 18/04/2019 12:30 PM (GMT+7)

Có đến 50% trẻ dưới 7 tuổi bị thiếu máu có nguyên nhân bắt đầu từ việc chăm sóc dinh dưỡng hàng ngày, trong đó việc trẻ không ăn rau, hoa quả chiếm tỷ lệ cao.

Đó là trường hợp của bé gái N.T.K.O, 7 tuổi (Yên Mỹ, Hưng Yên) vừa được Ths.BS Trần Tuấn Anh - Chuyên khoa Nhi thăm khám và chẩn đoán bị thiếu máu và phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

BS Tuấn Anh cho biết, khi đến khám bệnh nhi O. thường xuyên có biểu hiện hoa mắt chóng mặt, đau nhức 2 bên thái dương, biếng ăn, ngủ không ngon giấc trong vòng 1 tháng gần đây.

Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhi O. được đưa đi làm các xét nghiệm và cận lầm sàng cần thiết. Kết quả cho thấy, lượng huyết sắc tố: 10,6 g/dL, giảm so với bình thường là 12,0 -15,5g/dL. Thể tích khối hồng cầu là 35,2%, giảm so với bình thường là 37 - 42%. Sắt huyết thanh là 7,14 µmol/L giảm so với giá trị bình thường là 9.00 - 30.40 µmol/L. Từ kết quả xét nghiệm trên, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thiếu máu.

Khai thác bệnh sử để tìm nguyên nhân chính gây thiếu máu, mẹ bé O. chia sẻ khi sinh ra bé khỏe mạnh, không có tiền sử chảy máu, mất máu. Tuy nhiên, trong suốt quá trình nuôi dưỡng cháu O. có thói quen không ăn rau từ nhỏ và rất ít khi ăn hoa quả.

Bé gái 7 tuổi thiếu máu phải nhập viện, bác sĩ chỉ sai lầm nhiều mẹ mắc khi chăm con - 1

Bác sĩ Anh Tuấn đang thăm khám cho mộ bệnh nhi.

Theo nhận định của BS Tuấn Anh, việc không ăn rau, ăn ít hoa quả trong một thời gian dài có thể là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu máu ở trẻ. “Vấn đề thiếu máu ở trẻ hiện nay đang rất đáng cảnh báo, theo thống kê có khoảng 50% trẻ dưới 7 tuổi ở nước ta bị thiếu máu vì nguyên nhân này mà bố mẹ không hay biết”, BS Tuấn Anh cho hay.

Đối với trường hợp của bé O. là thiếu máu do thiếu sắt, đây cũng là nguyên nhân hay gặp nhất ở trẻ em. BS Tuấn Anh cảnh báo, khi trẻ thiếu máu dẫn đến chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, khiến trẻ thấp còi, trí thông minh kém, học tập kém, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai và sự phát triển của đất nước.

Ngoài vấn đề liên quan đến ăn uống, thiếu máu còn có thể do các nguyên nhân khác như, do bất thường của cơ quan tạo máu: Giảm sản tủy, bất sản tủy, suy tủy bẩm sinh hoặc suy tủy mắc phải, thâm nhiễm tủy: bạch cầu cấp kinh (bệnh máu trắng), các di căn vào tủy.

Hoặc do thiếu nguyên liệu tạo máu như: sắt, vitamin B12, axit Folic,…Do mất máu khi bị chấn thương, chảy máu cam,… “

Để sớm phát hiện trẻ bị thiếu máu, BS Tuấn Anh khuyên các bậc phụ huynh thường xuyên quan sát con trong cuộc sống hàng ngày. Nếu thấy các dấu hiệu như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ngủ không ngon giấc; Da xanh, niêm mạc nhợt, mắt nhợt, tụng tóc, móng tay, móng chân dễ gãy, chậm tăng cân, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi...thì hãy đưa trẻ đi khám. Bởi đây là những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng thiếu máu mà trẻ có thể gặp phải.

Bé gái 7 tuổi thiếu máu phải nhập viện, bác sĩ chỉ sai lầm nhiều mẹ mắc khi chăm con - 2

Bổ sung các loại đồ ăn bổ máu, tăng hàm lượng sắt cho cơ thể là vô cùng quan trọng.

Bằng những kinh nghiệm lâm sàng, BS Tuấn Anh khuyên các cha mẹ phòng tránh thiếu máu cho trẻ bằng cách xây dựng thực đơn ăn uống phong phú, khoa học như sau:

- Bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như: Gan, tim, bầu dục, trứng, thịt, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín,… vào khẩu phần ăn của trẻ;

- Tăng cường cho trẻ ăn các loại rau quả có chứa nhiều vitamin C: Cam, quýt, chuối, đu đủ, rau ngót, rau muống để hỗ trợ hấp thu sắt;

- Để phòng thiếu máu, ngoài chế độ ăn cha mẹ cần cho trẻ uống các chế phẩm có chứa sắt khi có chỉ định của bác sĩ.

- Thiếu máu óc rất nhiều nguyên nhân, đối với các trường hợp thiếu máu nặng cần đến bệnh viện uy tín để truyền máu và điều trị theo phác đồ phù hợp.

Triệu chứng thiếu máu não và cách điều trị
Thiếu máu não là một căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng đột quỵ và tai biến mạch máu não.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thiếu máu