Sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên, bé gái bắt đầu ra nhiều khí hư có mùi khó chịu, đi khám ban đầu được chẩn đoán bị viêm đường tiết niệu, dù được dùng thuốc nhưng không thuyên giảm.
Các bác sĩ khoa Phụ ngoại (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) mới tiếp nhận và điều trị cho một bé gái sinh năm 2014, nhập viện vì có những bất thường ở âm đạo. Trước đó, tháng 11/2022, bé gái này xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sau đó âm đạo ra nhiều khí hư, xuất huyết âm đạo dù đi khám nhiều nơi nhưng không chẩn đoán ra bệnh.
Phụ huynh bé gái này cho biết, khi hư của con có mùi, đi khám được cho thuốc điều trị theo hướng viêm đường tiết niệu nhưng âm đạo vẫn xuất hiện nhiều dịch bẩn, khi đưa đến bệnh viện địa phương khám chuyên khoa sản nhi thì được chuyển tới BV Phụ sản Hà Nội.
PGS.TS Lê Thị Anh Đào - Trưởng khoa Phụ ngoại cho biết, trong quá trình thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị ứ dịch âm đạo, màng trinh dầy chỉ có 1 điểm thông nhỏ như điểm kim đâm, trào mủ. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy có ứ dịch dạng mủ ở âm đạo và buồng tử cung. Sau đó, các bác sĩ tiến hành chích rạch màng trinh chọc dẫn lưu để làm sạch dịch ứ trong âm đạo đồng thời khâu tạo mép viền cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và ra viện ngày 15/3.
Bác sĩ tiến hành xử lý tình trạng ứ dịch trong âm đạo cháu bé. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Đào cho biết, bệnh nhi bị ứ máu kinh do màng trinh không thủng, gây đau bụng theo chu kỳ. Việc kinh nguyệt bị ứ đọng sẽ gây biến chứng giãn âm đạo, phồng buồng tử cung và giãn vòi tử cung trào vào ổ bụng.
“Chính do máu kinh ứ đọng lâu gây mất cân bằng môi trườn âm đạo, từ đó dẫn tới viêm nhiễm, ra nhiều khí hư. Nếu để lâu sẽ gây viêm nhiễm vòi trứng, thậm chí còn có thể phát triển thành khối u, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản”, bác sĩ Đào cảnh báo.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Anh Đào khuyến cáo, các bé gái ở tuổi dậy thì thì rất cần sự quan tâm chia sẻ của bố mẹ và gia đình trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang trưởng thành, bé gái có nhiều thay đổi về cơ thể chưa hiểu biết hết được. Nếu nhận thấy bé có biểu hiện bất thường, gia đình nên đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám kịp thời.
Màng trinh được biết đến là một tấm màng chắn ở âm đạo của nữ giới, cách cửa âm đạo khoảng 1cm. Tùy vào cơ thể của mỗi người, có người màng trinh mỏng, màng trinh dày, thậm chí có người không có màng trinh bẩm sinh. Thông thường, màng trinh của nữ giới sẽ có lỗ để máu kinh thoát ra ngoài, có màng trinh có 1 lỗ to hoặc màng trinh có nhiều lỗ nhỏ.
Màng trinh bịt kín là tình trạng màng trinh không có lỗ, hoặc lỗ như mũi kim châm, cũng có thể là một vách chắn ngang âm đạo khiến máu kinh nguyệt không thoát ra được mà tích dần lại bên trong âm đạo hoặc tử cung của chị em, hình thành túi máu âm đạo. Hiện tượng máu kinh không thoát ra được, tích tụ lại thường gây đau bụng dưới, đầu tiên chỉ giới hạn trong thời kỳ hành kinh, về sau đau thường xuyên hơn, đau tức bụng dưới từng cơn với cảm giác như có vật gì muốn đẩy ra ngoài.