Mẹ bất cẩn vài phút, con trai 11 tháng tuổi nguy kịch trong phao bơi giải nhiệt tại nhà

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 23/07/2021 10:03 AM (GMT+7)

Chơi ở bể phao tại nhà nhưng không có người lớn để ý, bé trai 11 tháng tuổi bị đuối nước nguy kịch, may mắn sau đó được bác sĩ giành lại sự sống.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do bị đuối nước khi chơi bể bơi phao tại nhà.

Bệnh nhi tên N.M.H. (11 tháng tuổi) cùng anh trai 3 tuổi được gia đình cho chơi bể bơi phao tại nhà với mực nước sâu khoảng 50cm. Sau khoảng 10 phút không có sự giám sát, gia đình phát hiện trẻ nằm úp mặt xuống đáy bể bơi phao. 

Khi được vớt lên, bé có biểu hiện tím tái. Bé được sơ cứu tại chỗ trước khi đưa đến Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, sốt, co giật. Vì tình trạng bệnh diễn biến nặng, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại thời điểm nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ sốt 38.5 độ C, lơ mơ, suy hô hấp phải thở oxy qua mặt nạ. Sau khi tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán viêm phổi do đuối nước trong bể bơi phao tại nhà và được chuyển đến Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau một tuần điều trị và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe trẻ đã ổn định, được ra viện.

Trường hợp trẻ đuối nước khi tắm ở phao bơi ngay tại nhà không phải hiếm gặp. Ảnh: BVCC.

Trường hợp trẻ đuối nước khi tắm ở phao bơi ngay tại nhà không phải hiếm gặp. Ảnh: BVCC.

Ths.BS Nguyễn Đăng Quyệt - Trưởng Khoa Hô hấp 2 - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lại đang ở thời điểm mùa hè nắng nóng, trẻ em vẫn chưa được đến trường, nên nhiều gia đình sử dụng bể bơi phao tại nhà cho trẻ vui chơi, giải nhiệt. Tuy nhiên, lúc trẻ chơi, chỉ cần bố mẹ không chú ý, thiếu quan sát trong giây lát, trẻ có thể bị đuối nước, dù bể bơi phao tại nhà mực nước thường không sâu.

BS Quyệt thông tin thêm, thời gian qua Trung tâm Hô hấp đã tiếp nhận, điều trị cho một số trường hợp trẻ bị viêm phổi do đuối nước khi tắm ở ao, hồ, bể bơi, thậm chí đuối nước do xô, chậu, bồn tắm, bể bơi phao hoặc vật dụng chứa nước ở gia đình. Có nhiều trẻ đến viện khi tình trạng đã nặng, dù cứu được tính mạng nhưng di chứng để lại không hề nhỏ.

Theo bác sĩ Quyệt, đuối nước là một trong những tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra tại gia đình và ngoài cộng đồng. Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ bị chìm lâu trong nước, đặc biệt nếu đó là nguồn nước bẩn thì ngoài hậu quả viêm phổi do đuối nước, trẻ có thể bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn nặng, phù phổi cấp, rối loạn điện giải và di chứng thần kinh nếu não bị thiếu oxy kéo dài, thậm chí dẫn tới tử vong.

“Để có thể giúp bé vui chơi mà vẫn đảm bảo an toàn, người trông trẻ cần giám sát chặt chẽ, không được rời mắt khỏi trẻ để làm công việc khác. Bên cạnh đó, gia đình cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức cơ bản nhất để tự bảo vệ mình khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. 

Đối với trẻ lớn, cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh và các bước xử lý khi tai nạn thương tích xảy ra”, BS Nguyễn Đăng Quyệt khuyến cáo.

Sơ cứu khi trẻ bị đuối nước

- Phát hiện trẻ đuối nước cần vớt trẻ lên ngay;

- Đặt trẻ nằm thẳng trên nền cứng, quan sát nhanh tình trạng trẻ, móc tất cả dị vật trong mũi, họng, sau đó nhanh chóng thực hiện ép tim và hà hơi thổi ngạt.

- Với người chưa có kỹ năng sơ cứu, cần thực hiện ép tim 15 lần, hà hơi 2- 5 lần;

- Với nhân viên y tế chỉ cần thực hiện 2 lần hà hơi, ép tim 5 nhịp lặp lại liên tiếp cho đến khi trẻ có phản xạ.

- Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức giữa. Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực.

- Sau 1 phút đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở hay chưa và thực hiện bắt mạch. 
- Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. 

- Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục lặp lại động tác ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực.

Con tôi suýt chết 3 ngày trước lời cảnh tỉnh của mẹ về dấu hiệu đuối nước ai cũng nhầm
Một bà mẹ đang cầu xin các bậc cha mẹ khác hãy coi trọng vấn đề an toàn khi bơi lội sau khi đứa con trai 5 tuổi của cô suýt chết đuối ở bể bơi trong...

Tai nạn trẻ em

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ em chết đuối