Khi hời tiết trở lạnh, việc giữ ấm cho trẻ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên nếu mặc cho con quá ấm có thể gây tác dụng ngược, thậm chí làm trẻ ốm thêm.
Miền Bắc đang trở lạnh với mức nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C. Cùng với đó là thời tiết hanh khô rất khó chịu. Với tình hình thời tiết như hiện tại, trẻ nhỏ nếu không được chăm sóc tốt rất dễ bị ốm.
Một trong những vấn đề quan trọng trong mùa đông đó là giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhưng vì lo lắng nhiều gia đình lại giữ ấm quá mức, gây nên những tác dụng ngược, thậm chí có trẻ phải nhập viện vì điều này.
Chị Nguyễn Thị Hậu (ở Hà Nội), đưa con 26 tháng tuổi vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, nguyên nhân là do con chị ho sốt, dù đã uống thuốc nhưng không đỡ. Khi đến viện, chị mặc cho con nhiều lớp áo ấm, thậm chí khi khám bác sĩ phải chờ chị cởi và nới áo của con khá lâu.
Các phụ huynh cần hết sức lưu ý khi giữ ấm cho trẻ để tránh bị ốm trong mùa lạnh.
Theo chia sẻ của chị Hậu, tại nhà chị cũng mặc nhiều áo rét cho con. “Tôi có kiểm tra thường xuyên và phát hiện cháu ra nhiều mồ hôi đầu và lưng, nhưng tôi lau thường xuyên. Tôi nghĩ trẻ đứa nào cũng ra mồ hôi như vậy khi nô đùa và khi ngủ nên không sao”, chị Hậu chia sẻ.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định tình trạng của cháu bé không quá nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu viêm phổi nên không cần nhập viện điều trị. Nguyên nhân có thể do bị cảm lạnh vì mẹ mặc quá ấm, khiến trẻ toát mồ hôi và ngấm ngược vào cơ thể.
PGS.TS. Trần Thanh Tú - Giám đốc Trung tâm Quốc tế (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết việc giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh cần phải có nguyên tắc, không phải cứ mặc càng nhiều cho trẻ càng tốt.
Giữ ấm bàn tay, chân: Nguyên tắc đầu tiên là phải giữ ấm hai lòng bàn tay, bàn chân. Khi thời tiết lạnh phải đi tất dày, nếu thời tiết chỉ hơi lạnh thì giữ ấm bằng cách đeo tất mỏng hơn.
Giữ ấm lưng và bụng: PGS Thanh Tú cho biết qua thăm khám, nhiều phụ huynh lo con bị lạnh nên mặc rất nhiều áo, khi đó em bé sẽ ra mồ hôi, mồ hôi đó thấm ngược trở lại và trẻ bị nhiễm lạnh. Trường hợp trên là một ví dụ điển hình.
“Khi trẻ ngủ, nguy cơ bị lạnh cao nhất, vì em bé không bao giờ nằm yên ngủ, hay đạp chăn. Vì vậy, khi đi ngủ cần cho trẻ mặc bộ quần áo rộng rãi, trong mùa lạnh nên mặc áo dài tay bằng cotton, mặc bộ quần áo liền quần”, PGS Tú khuyên.
Sấy ấm khăn tắm trước khi lau người để trẻ không bị mất nhiệt sau khi tắm. (Ảnh minh họa)
Giữ ấm sau khi tắm: Đa số các gia đình tắm cho con xong, lấy khăn tắm, quần áo dù khô nhưng không được sấy ấm để mặc. Điều này, sẽ khiến bé bị mất nhiệt cơ thể.
“Khi tắm cho trẻ cần phải tắm trong phòng ấm, kín gió. Nước 36-37 độ C, tương đương nhiệt độ em bé. Tất cả khăn tắm, quần áo mặc cho em bé cần làm ấm lên trước khi lau và mặc.
Cách làm ấm đơn giản là dùng máy sấy tóc để sấy làm ấm khăn. Như vậy, khi tắm xong lau người, mặc quần áo, em bé không bị mất nhiệt, hồng hào tươi tỉnh”, bác sĩ Thanh Tú hướng dẫn.
Giữ ấm khi đi đường: Khi cho con đi ngoài đường, nhiều phụ huynh mặc những chiếc áo to, dày và nghĩ làm như vậy em bé sẽ ấm. Điều đó chưa chắc đã đúng. PGS Thanh Tú khuyên các mẹ nên mặc nhiều lớp áo cho trẻ. Chính khoảng cách giữa các lớp áo có vai trò như vách ngăn với cái lạnh bên ngoài và tránh sự thoát nhiệt từ cơ thể ra môi trường.
“Khi trẻ chơi tùy điều kiện, cường độ vận động có thể cởi bớt áo cho trẻ. Tốt nhất, lớp trong cùng nên mặc áo chất liệu cotton, nó có tác dụng thấm mồ hôi, ngăn cản sự thoát nhiệt từ trong người ra, tránh bị lạnh”, PGS.TS.BS Trần Thanh Tú khuyến cáo.