Số ca mắc mới bệnh tay chân miệng ở TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm với nhiều ca nặng. Đáng lưu ý, năm nay nhiều trẻ mắc tay chân miệng không có triệu chứng sốt cao nhưng vẫn diễn tiến nặng, phải thở máy.
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống ngày 7/8, tại Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19 (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) vẫn đang điều trị số lượng lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng. Trong đó có những trẻ phải điều trị tích cực, thở máy.
Ngồi trước cửa phòng bệnh, anh Nguyễn Ngọc Lâm (32 tuổi, ngụ ở Bình Thuận) đang dỗ dành con gái N.N.A.N., 4 tuổi, mắc tay chân miệng ngày thứ 7. Tối thứ Bảy tuần trước (29/7), bé N. sốt 38,5 độ, chân tay nổi nhiều mụn nước rồi lan rộng toàn thân chỉ trong vài giờ.
Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 có nhiều trẻ mắc tay chân miệng nằm viện. Trong ảnh, anh Nguyễn Ngọc Lâm đang túc trực chăm con gái. Ảnh: Kim Vân
Thời điểm nhập Bệnh viện Nhi đồng 2, bé N. được ghi nhận sốt cao, mạch nhanh, có những cơn ngưng thở, phải đặt nội khí quản. Sau khi nhập viện điều trị, sức khỏe của bé N. tốt lên, hiện đã tỉnh táo, không phải thở máy, các nốt mụn đã bớt ngứa, khô lại.
"Con bệnh nên mệt, nay không còn phải nằm trong phòng hồi sức tích cực nữa. Ốm có mấy ngày mà con gầy rộc đi, nhìn mà tội", anh Lâm vừa lấy khăn giấy lau đờm dãi cho con vừa chia sẻ.
BSCKI Trần Ngọc Lưu cho biết, Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19 của Bệnh viện có hơn 150 ca, trong đó đã có hơn 130 ca mắc tay chân miệng. Bệnh viện bố trí giường xếp, tận dụng khoảng trống hành lang của Khoa để bệnh nhân nằm, cố gắng đảm bảo mỗi bé một giường, tránh việc nằm giường đôi, giường ba.
Bệnh nhân tay chân miệng tại Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19. Ảnh: Kim Vân
Cùng tình trạng này, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Bệnh viện đang điều trị, theo dõi khoảng 140 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Riêng Khoa Hồi sức nhiễm đang điều trị 8 trẻ, trong đó có 3 trẻ phải thở máy. Mỗi ngày đều có trẻ mắc tay chân miệng nặng mới nhập viện. Các trẻ thường nằm viện tại Khoa 7 - 10 ngày, trong đó đặt nội khí quản 3 ngày, hồi sức 4 - 5 ngày.
Cũng theo bác sĩ Thế Nguyên, có những ngày bác sĩ phải đặt nội khí quản cho 5 - 6 trường hợp. Thông thường, trung bình trẻ mắc tay chân miệng thở máy 3 ngày và mặc dù trẻ ngưng thở nhưng tri giác vẫn tốt. Việc chăm sóc những bệnh nhân này khiến các điều dưỡng rất vất vả.
Trưởng khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, qua quan sát và thống kê cho thấy, tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang cao điểm, chưa có khuynh hướng giảm.
Điều đáng lưu ý năm nay là có nhiều trẻ bị tay chân miệng không có triệu chứng sốt cao nhưng vẫn diễn tiến nặng, rối loạn trung tâm hô hấp như ngưng thở, phải đặt nội khí quản nhiều hơn so với những năm trước. Năm 2011, dịch tay chân miệng đã khiến khoảng 150 trẻ tử vong nhưng cũng không nhiều trẻ phải đặt nội khí quản như năm nay.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng năm nay thường không sốt cao nhưng diễn tiến nặng, nhiều trẻ phải đặt nội khí quản thở máy. Ảnh: Kim Vân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay, tính từ ngày 24/7 đến ngày 30/7/2023 (tuần 30), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP.HCM với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca.
Tại 21/22 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ) ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 30 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018.
Do vậy, Sở Y tế khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch, vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng và ca nặng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình số ca mắc mới của bệnh tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm với nhiều ca nặng, BSCKI Trần Ngọc Lưu chỉ ra các dấu hiệu phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng gồm: Sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước ở các vị trí thường gặp: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên khuyến cáo phụ huynh và nhà trường chủ động phòng ngừa, vệ sinh, rửa tay cho trẻ đồng thời cách ly khi trẻ đã mắc bệnh. Và khi phát hiện, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.
"Phụ huynh không nên quá lo vì không phải bệnh tay chân miệng nào cũng nặng và không phải ca nào cũng sẽ diễn tiến xấu. Nhưng cũng không nên theo kiểu cứ thấy mắc tay chân miệng là hốt hoảng lên hoặc chủ quan không theo dõi cũng không tốt", Trưởng khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo.
Theo nhận định của ngành y tế TP.HCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và có thể kéo dài thêm 3 – 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng nên cần tăng cường kiểm soát, phòng tránh dịch lây lan. Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh, đe dọa tính mạng. Ngành y tế vận động mọi người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau: - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ. - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. - Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. - Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân. |