Dịch tay chân miệng lây nhiễm trong trường học ở Hà Nội

Ngày 04/04/2024 17:00 PM (GMT+7)

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận số ca tay chân miệng tăng trong hai tuần qua, phát hiện 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non.

Hiện CDC ghi nhận 60-70 ca tay chân miệng mỗi tuần, nâng tổng số ca trong ba tháng đầu năm lên 300, tăng 75 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố xuất hiện 5 ổ dịch, trong đó chỉ riêng hai tuần qua ghi nhận 3 điểm trường học đang lây nhiễm bệnh.

Không chỉ tại Hà Nội, số ca tay chân miệng trên cả nước cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, trong quý I, cả nước có hơn 6.000 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... tăng, theo CDC Hà Nội. Dự báo thành phố có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch, đòi hỏi phải giám sát phát hiện sớm, đặc biệt tại các trạm y tế, trường mầm non, tiểu học... để xử lý, chặn lây nhiễm rộng hơn trong cộng đồng.

Bàn chân em bé xuất hiện các nốt bóng nước đặc thù của bệnh tay chân miệng. Ảnh: Kiều Trang

Bàn chân em bé xuất hiện các nốt bóng nước đặc thù của bệnh tay chân miệng. Ảnh: Kiều Trang

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể do nhiều loại virus gây nên, lây lan từ người sang người và nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Triệu chứng là sốt (nhẹ hoặc cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...). Một số trẻ chỉ loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu không chú ý thì rất khó phát hiện.

Đa phần trẻ mắc bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu tay chân miệng. Mỗi lần trẻ mắc bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, do đó các em có thể bệnh nhiều lần.

Virus gây bệnh có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Do đó, gia đình hay trường học có trẻ mắc tay chân miệng, cần lau dọn sát khuẩn đồ đạc, vật dụng mà bé bệnh từng tiếp xúc. Cách ly bé để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

3 dấu hiệu dễ nhầm bị nhiệt cần đến viện ngay khi trẻ mắc bệnh chân - tay - miệng
Không chỉ có các địa phương ở phía Nam, thống kê tại Hà Nội và BV Nhi Trung ương cho thấy, số ca mắc tay chân miệng ở trẻ có xu hướng tăng. Do vậy, phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh và chăm sóc trẻ.

Bệnh Tay chân miệng

Theo Lê Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh Tay chân miệng