Bí đao từ lâu đã là một trong những thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hằng ngày ở gia đình Việt. Với rất nhiều lợi ích sức khỏe, bí đao không chỉ là món ăn ngon mà còn được xem như "thuốc bổ" cho sức khỏe. Vậy bí đao có tác dụng gì?
Bí đao hay còn gọi là bí xanh vốn có nguồn gốc từ các quốc gia Đông Nam Á, dần dần, loại cây này được trồng phổ biến ở khắp châu Á. Nhiều người chỉ biết bí đao có thể dùng trong nấu nướng mà không biết chúng cũng có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Đặc điểm của bí đao
Tên khoa học của bí đao là Benincasa hispida, thuộc họ bầu, bí (Cucurbitaceae). Ngoài tên gọi chính, bí đao còn được gọi bằng nhiều cách khác nhau như bí tro, bí trắng, bí phấn, bầu tro…
Bí đao là loại cây dây leo thường được trồng trên giàn hoặc có thể để thân bí đao bò trên mặt đất. Thân bí đao có màu xanh, phủ nhiều lông. Lá hình tim, phủ lông cứng cả 2 mặt, kích thước khoảng 10-20 cm. Hoa là hoa đơn, có màu vàng bắt mắt.
Trái bí đao (bí xanh) có dạng thon dài, trái to nhất có thể dài tới 2m. Trái bí đao còn non có màu xanh lục, dần dần khi trái bí đao già sẽ ngả sang màu xanh nhạt dần cùng với các đốm sao màu trắng. Hạt bí đao màu vàng nhạt hoặc trắng, hạt dẹp và hơi nhám.
Bí đao có tác dụng gì?
- Hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì:
Bí đao chứa rất nhiều nước, ít năng lượng, và không chứa chút chất béo nào. Do đó, ăn bí đao sẽ giúp bạn no lâu hơn mà lại không lo về lượng calo vừa nạp vào.
Hơn nữa, thịt của bí đao là những chất xơ dạng sợi, là chất xơ rất có lợi cho hệ tiêu hóa và đường ruột. Chúng còn có khả năng làm giảm lượng mỡ thừa tích tụ bên trong cơ thể và ngăn những chất đường vào cơ thể chuyển hóa thành mỡ thừa. Vì vậy, ăn bí đao thường xuyên sẽ giúp hạn chế nguy có thừa cân, béo phì.
- Giải độc gan và thanh nhiệt cơ thể:
Gan là một bộ phận rất dễ nhiễm mỡ, độc tố. Khi gan bị yếu đi, khả năng dự trữ khoáng chất cũng như vitamin bên trong cơ thể từ đó suy giảm theo. Do đó, việc giải độc gan cần diễn ra đều đặn và phương pháp dùng trà bí đao để giảm độc tố trong gan xưa nay đã được nhiều người tin tưởng áp dụng.
Bí đao có tính mát, ngọt dịu, do đó có công dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi tiểu,...
- Cải thiện thị lực:
Trái bí đao có chứa hàm lượng vitamin B2 rất cao nên ăn bí đao giúp làm giảm những nguy cơ về rối loạn mắt, hỗ trợ làm giảm stress oxy hóa ở võng mạc.
Ngoài ra, bí đao còn giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể:
Bí đao cung cấp đến 19% lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Nhờ đó, bí đao giúp cơ thể kích thích việc sản xuất bạch cầu, ngăn ngừa sự đột biến của các tế bào khỏe mạnh, làm ức chế tác động của các gốc tự do. Vì vậy, hệ miễn dịch của cơ thể được tăng cường hơn từng ngày.
- Tốt cho tim mạch:
Ngoài chứa vitamin B2 và C, lượng kali trong bí đao cũng rất nhiều nên bí đao còn được gọi là "thực phẩm vàng" cho tim mạch. Ăn bí đao giúp làm giãn mạch hay giảm sự căng thẳng lên các mạch máu. Bên cạnh đó còn ngăn ngừa được nguy cơ đột quỵ, đau thắt cơ tim...
- Giúp phát triển chiều cao:
Vitamin C có trong bí đao đóng vai trò quan trọng cho xương, cơ bắp, các mô liên kết và mạch máu. Nhờ đó thúc đẩy sự phát triển xương trong cơ thể và chiều cao được cải thiện hơn.
- Tốt cho não bộ:
Sắt trong bí đao đóng vai trò thiết yếu trong việc cấu tạo nên hemoglobin, giúp vận chuyển oxy trong máu đến các mô. 20% lượng oxy trong máu được vận chuyển sẽ hỗ trợ thực hiện những chức năng của não bộ, và đặc biệt là việc tạo ra nhiều nơ-ron thần kinh mới. Từ đó, não bộ hoạt động một cách hiệu quả hơn và trí nhớ cũng cải thiện rõ rệt.
- Tốt cho hệ tiêu hóa:
Trong bí đao có chất xơ dạng sợi, rất tốt cho đường ruột, giúp hệ tiêu khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón, đau dạ dày, chướng bụng,…
- Tác dụng chữa bệnh khác:
Vì có tính mát, lại giúp thanh nhiệt, giải độc nên bí đao có lợi cho người mắc các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, bệnh tiểu đường, phù do thận, bệnh gan, phù khi mang thai.
Táo bón, ho, hen suyễn, viêm tấy đều có thể sử dụng bí đao trong thực đơn hàng ngày để thuyên giảm triệu chứng. Hạt bí, vỏ bí, lá bí, dây bí và cả hoa bí đều có thể làm thuốc và thức ăn hàng ngày.
Lượng natri trong bí đao rất thấp nên là thực phẩm an toàn, lành tính cho người mắc chứng xơ cứng động mạch, tiểu đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, cao huyết áp và béo phì.
Bí đao có rất nhiều giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Hạt bí đao có tác dụng gì?
Hạt bí đao là một loại hạt khá phổ biến, nhưng hầu như không ai biết đến lợi ích của nó. Hạt bí đao có tác dụng như tăng mật độ xương, kiểm soát cholesterol, hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, nó còn vô số những lợi ích khác như:
- Giảm viêm khớp.
- Tăng mật độ xương.
- Điều trị các vấn đề về đường ruột.
- Cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt.
- Chống căng thẳng.
- Kiểm soát mức cholesterol.
- Điều trị bệnh tiểu đường.
- Kháng khuẩn.
- Cải thiện tâm trạng.
- Hỗ trợ giảm cân.
- Cải thiện vấn đề tình dục.
Tác dụng của bí đao trong làm đẹp
Ngoài những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe thì bí đao còn được xem là 'thần dược" trong công cuộc làm đẹp da, trị mụn của chị em.
Cao bí đao
Cao bí đao - phương thuốc từ xưa đến nay đều được phái đẹp tin dùng, do có nhiều vitamin A, B, C, E, các hoạt chất chống lão hóa và vô vàn các khoáng chất cần thiết cho làn da, giúp mang lại làn da trắng khỏe, căng mịn,...
Ngoài ra, cao bí đao còn cung cấp độ ẩm nhất định cho làn da, từ đó da ít bị đổ dầu và giúp ngừa mụn và sát khuẩn.
Bí đao lành tính nên chị em càng yên tâm hơn khi sử dụng vì chúng sẽ không gây kích ứng da mà lại còn phù hợp với mọi loại da, ai cũng đều có thể sử dụng.
- Nước bí đao có tác dụng gì với làn da?
Không chỉ có cao bí đao được sử dụng trong làm đẹp, nước bí đao cũng rất tốt trong việc cải thiện nhan sắc cho chị em. Nước bí đao vốn có vị ngọt mát, nhiều viatmin E nên có công dụng rất tốt trong việc làm sáng da, giúp da mềm mại, không bị khô. Ngoài ra, nước bí đao còn có tác dụng làm da hết ngứa, giảm các vết nhăn và vết nám. Từ xa xưa, các thầy thuốc thường truyền nhau bí quyết dùng nước bí đao để chữa bệnh ngoài da và làm đẹp da mặt.