Ngoài công dụng có thể chế biến thành mứt, ô mai… trong đông y, quả trám còn được sử dụng như vị thuốc giúp trị nhiều bệnh lý, vậy cụ thể những tác dụng của quả trám là gì?
Quả trám là quả gì?
Quả trám có tên gọi khoa học là fructus canarii và được chia thành hai loại chính là trám đen và trám trắng. Tùy vào đặc điểm của từng loại, bạn có thể nhận biết chúng như sau:
- Quả trám đen (canarium nigrum engl): Còn được gọi là mộc uy tử, trám chim, hắc lãm, cây bùi… Loại quả này có màu đen sẫm, dạng quả trứng, chiều dài 3-4cm và rộng 2cm. Hạt trám rất cứng và được chia thành 3 ngăn.
- Quả trám trắng (canarium album raeusch): Có nhiều tên khác là cảm lãm, gián quả, thanh quả, thanh tử, mác cơm, cà ná, bạch lãm, hoàng lãm… Loại quả này có dạng hình thoi, màu vàng xanh nhạt, hai đầu tù. Quả có chiều dài khoảng 4,5cm và rộng khoảng 2-2,5cm. Hạt trám trắng có hình thoi với 2 đầu nhọn, nhẵn và cứng, trong có 3 ngăn.
Quả trám chứa 12% protein, 12% hydrat carbon, 1,09% lipid, 0,046% Ca, 0,06% phosphor. Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric… Cùi trám chữa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất khoáng (kali, magie, canxi, kẽm, carroten, sắt…) và chất xơ.
Tác dụng của quả trám
Quả trám có thể giúp bạn tiếp nạp thêm khá nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, từ khoáng chất, vitamin tới các nhóm chất chống oxy hóa mạnh. Nhờ vậy mà quả trám có tác dụng cải thiện được những vấn đề sức khỏe thường gặp dưới đây:
- Chữa ho, viêm họng:
Với y học cổ truyền, quả trám (đặc biệt là quả trám đen) vốn được xếp vào nhóm dược liệu có khả năng giảm ho và chữa viêm họng khá hữu hiệu. Bạn hãy thử ngậm quả trám đã om chín hoặc ô mai trám sên đường, nhằm xoa dịu cảm giác ngứa rát cổ họng hay các cơn ho dai dẳng kéo dài.
- Thanh nhiệt giải độc:
Tác dụng của quả trám không chỉ hỗ trợ giảm viêm họng mà còn góp phần thanh nhiệt giải độc, phù hợp với những ai dễ bị mụn nhọt hay nóng trong người.
- Phòng chống ung thư:
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và nhận thấy rằng trong quả trám có chứa khá đa dạng chất chống oxy hóa, điển hình phải kể đến alkaloid hay flavonoid. Những hoạt chất này đều có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh, trực tiếp tham gia “quét” gốc tự do, giảm thiểu các tổn thương lên tế bào, từ đó ngăn ngừa tối đa các bệnh ung thư nguy hiểm.
- Hỗ trợ giải rượu:
Bên cạnh thức uống giải rượu quen thuộc như trà gừng hay nước chanh mật ong, quả trám với phèn chua cũng là một gợi ý bạn có thể áp dụng khi say rượu. Cụ thể, hãy dùng nước lạnh rửa sạch trám, lấy dao khía trên mỗi quả bốn năm đường rồi nhét phèn vào những vết khía ấy, nhai nhỏ nuốt dần sẽ giúp giải rượu.
- Tốt cho người bị tiểu đường:
Quả trám được đánh giá là thực phẩm khá lành mạnh dành cho người bệnh đang điều trị tiểu đường. Trong quả trám có chứa tinh bột kháng tannin - hoạt chất tạo nên vị đắng chát nhẹ, giúp kiểm soát quá trình chuyển hóa đường glucose vào máu, đồng thời giảm tình trạng kháng insulin.
- Cải thiện chứng tiêu chảy:
Nếu đang bị lạnh bụng hay mắc chứng tiêu chảy kéo dài, nhâm nhi một vài quả trám om chín cũng là phương pháp cải thiện khá hiệu quả. Bởi vì hoạt chất tannin từ quả trám sẽ làm săn niêm mạc ruột, hạn chế đi ngoài phân lỏng và cầm tiêu chảy.
- Bảo vệ sức khỏe tim mạch:
Một trong những tác dụng của quả trám cần nhắc tới đó là cung cấp các dưỡng chất lành mạnh và tốt cho sức khỏe tim mạch. Cùng với những nhóm chất chống oxy hóa, lượng khoáng chất kali được tìm thấy trong quả trám sẽ là các thành tố quan trọng tham gia điều hòa huyết áp ổn định, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu tới tim, giúp bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.
Quả trám đen làm món gì?
Những quả trám đen lâu đã trở thành một nguyên liệu gần gũi, dân dã nhưng lại tạo nên một nét đặc trưng rất riêng của ẩm thực Việt. Đặc biệt, thứ quả bùi bùi, hơi chát nhẹ ấy cũng chứa đa dạng các loại vitamin cùng khoáng chất thiết yếu nên các món ăn cũng được xem như bài thuốc hỗ trợ cải thiện sức khỏe.
Các món ăn từ quả trám đen có thể kể đến như:
- Trám đen luộc
- Trám đen kho thịt
- Xôi trám đen
- Cá kho trám đen
- Trám đen nhồi thịt
- Trám đen ngâm tương
- Canh gà hầm trám
- Gỏi trám đen.