Kane Tanaka, cụ bà già nhất thế giới vừa qua đời hôm 19/4, hưởng thọ 119 tuổi. Ngay cả đến trước ngày mất, cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Dưới đây là những bí quyết đặc biệt của cụ bà người Nhật này.
Giới chức Nhật Bản hôm 25/4 thông báo về sự ra đi của cụ bà được cho là người già nhất thế giới. Chính quyền địa phương ở Fukuoka, miền tây nam Nhật Bản, cho biết cụ Kane Tanaka qua đời ngày 19/4, hưởng thọ 119 tuổi. Cụ mất vì tuổi già.
Trong những ngày cuối đời, cụ sống tại một viện dưỡng lão và có sức khỏe tương đối tốt cho đến giữa tháng 4, khi bắt đầu nhập viện liên tục vì chứng thương hàn. Sách Kỷ lục Thế giới Guinness đã liệt kê cụ Tanaka là người sống lâu nhất trên thế giới và bày tỏ lòng kính trọng, trong một bài đăng trên Twitter hôm 24/4.
Cụ Tanaka sống khỏe mạnh đến cuối đời.
Cụ Kane Tanaka sinh ngày 2/1/1903, kết hôn năm 19 tuổi và có 4 người con đẻ cùng một con nuôi. Trong những năm thời trẻ, cụ kinh doanh một tiệm phở và một tiệm bánh gạo để nuôi sống gia đình. Cụ là người chứng kiến sự trị vì của 5 vị hoàng đế Nhật Bản, sống sót qua hai cuộc Thế chiến, đại dịch cúm năm 1918 và đại dịch Covid-19.
Bí quyết sống lâu trăm tuổi của cụ bà Tanaka
Cụ Tanaka từng cho biết ăn đồ ăn ngon miệng và không ngừng học tập là bí quyết sống lâu trên trăm tuổi. Thêm vào đó, cụ duy trì thói quen đi ngủ lúc 9 giờ tối và dậy lúc 6 giờ sáng. Cụ còn rèn luyện khả năng tập trung bằng cách giải toán đố và viết thư pháp mỗi ngày. Cụ vẫn uống soda, ăn chocolate đều đặn. Các nhân viên ở trại dưỡng lão cho biết, cụ yêu thích trò chơi với bàn cờ và thường xuyên đánh thắng các nhân viên tại đây.
Những năm cuối đời, cụ Kane Tanaka sống tại một nhà dưỡng lão tại Nhật Bản. Ảnh: Guinness World Records
Năm 2019, khi được Kỷ lục Guinness công nhận là người cao tuổi nhất thế giới, cụ Tanaka từng phát biểu rằng đây "là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời". Cụ từng dự định ngồi xe lăn tham gia lễ rước đuốc Thế vận hội Tokyo vào năm 2021, nhưng đại dịch đã khiến mong muốn này không thành hiện thực.
Ít ai biết, cụ Tanaka từng mắc các bệnh hiểm nghèo, tuy nhiên cụ đều vượt qua. Năm 2006, cụ trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tụy. Năm 103 tuổi, cụ được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng và phải trải qua một cuộc phẫu thuật khác. Bất chấp những điều này, cụ vượt qua bệnh tật và sống khỏe trong những năm cuối đời.
Nhật Bản hiện có dân số cao tuổi lớn nhất thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với khoảng 28% công dân từ 65 tuổi trở lên.
Chụp ảnh cùng gia đình và người thân, cụ Tanakan đứng thứ 2 bên trái. Ảnh: Guinness World Records
Cụ Kane Tanaka không phải là trường hợp duy nhất đạt danh hiệu sống thọ tại Nhật Bản. Người đàn ông cao tuổi nhất thế giới cũng ở nước này, Masazo Nonaka, đã qua đời vào tháng 1 năm 2019, hưởng thọ 113 tuổi.
Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất thế giới. Số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, năm 2020, tuổi thọ bình quân ở nữ giới ở nước này là 87,74 tuổi, còn nam giới là 81,64 tuổi.
Đạt được tuổi thọ cao có thể liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm thói quen chỉ ăn vừa phải, tới khi gần no của người Nhật.
Ngoài thói quen ngừng ăn hàng ngày khi bụng đầy 80%, người Nhật Bản còn có một chế độ ăn tương đối lành mạnh bao gồm thực phẩm lên men, củ quả, rau xanh và cá. Điều này cũng tạo ra một lượng lớn chất béo Omega-3 có tác dụng chống lại bệnh tim - một trong những căn bệnh gây chết người nhiều nhất ở các nước phương Tây.
Ý thức cộng đồng của người Nhật cũng rất mạnh mẽ. Cùng nhau thưởng thức thực phẩm như một "luật bất thành văn" tại Nhật và điều này liên quan đến việc giảm mức độ căng thẳng. Ngoài ra, việc chăm vận động hằng ngày cũng như tích cực tham gia các sự kiện cộng đồng và sự kiện văn hóa ở người cao tuổi cũng là yếu tố góp phần giúp họ sống thọ hơn.