Bỏ thuốc lá, đàn ông tìm đến thần chết khác

Ngày 27/09/2016 00:02 AM (GMT+7)

Hiện nay thuốc lá điện tử, sisha được nhiều người ưa chuộng bởi nó có thể giúp thăng hoa mà không phải hút thuốc lá truyền thống. Nhưng nguy hiểm vẫn đe dọa mạng sống của họ.

Nghiện thuốc lá điện tử

Anh Trần Văn Đô trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự, hai năm nay anh đã bỏ thuốc lá và chuyển sang hút thuốc lá điện tử. 

Nhờ có hút thuốc lá điện tử, anh mới bỏ được những triệu chứng trầm cảm sau khi cai nghiện thuốc lá truyền thống. 

Không chỉ có riêng anh Đô mà rất nhiều người đã cai được thuốc lá nhưng lại chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Đặc biệt là một số bệnh nhân sau khi được bác sĩ tư vấn bỏ thuốc lá, họ không thể cai được hẳn nên chuyển sang hút thuốc lá điện tử. 

Bỏ thuốc lá, đàn ông tìm đến thần chết khác - 1

Thuốc lá điện tử nguy hiểm chẳng khác nào thuốc lá truyền thống

Điều này rất nguy hiểm cho sức khoẻ!

Trường hợp anh Vũ Văn Đạt trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là điển hình. Anh Đạt bị tăng áp động mạch phổi. Anh được các bác sĩ tư vấn phải bỏ thuốc lá vì các bệnh lý của tăng áp động mạch phổi rất nguy hiểm, có thể gây đột tử. 

Tuy nhiên, anh Đạt không hút thuốc lá truyền thống mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử với hi vọng nó có thể giúp anh thoải mái, xả stress và không ảnh hưởng đến bệnh lý tăng áp động mạch phổi của mình.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay anh Đạt đã hai lần nhập viện vì bị ho do viêm phổi, anh vẫn cho rằng đó là do thời tiết, vi rút chứ không liên quan gì đến thuốc lá điện tử. Chỉ đến khi anh Đạt đến Bệnh viện Bạch Mai khám bác sĩ cho biết nicotin trong khói thuốc lá điện tử nguy hiểm chẳng kém gì thuốc lá truyền thống khiến anh Đạt giật mình. 

“Từ trước đến nay tôi hay bạn bè đều xem thuốc lá điện tử tốt, không lo bệnh tật nên nghiễm nhiên dùng” - Anh chia sẻ.

Tại Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai có nhiều bệnh nhân dù đã cai thuốc được hai ba năm nhưng họ vẫn bị biến chứng viêm phổi, tắc nghẽn phổi. Khi đến gặp bác sĩ họ cho biết dù bỏ thuốc lá truyền thống nhưng chuyển sang hút thuốc lá điện tử. 

Đặc biệt, hiện nay, giới trẻ đang rộ lên phong trào chơi "vape" - một loại thiết bị chơi "thuốc lá điện tử" giống như e-cigarette.

Bên cạnh là một trào lưu "có vẻ hay ho", vape cũng đang được xem như một phương pháp thay thế cho việc hút thuốc lá truyền thống. Chúng được các hãng sản xuất quảng cáo với nhiều ưu điểm như "không ảnh hưởng người xung quanh, không tàn thuốc, ít gây bệnh…"

Nguy cơ ung thư

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Lệ Quyên – Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, thuốc lá điện tử, vape không khác gì thuốc lá truyền thống. Nó vẫn chứa nicotin và các loại hoá chất có trong thuốc lá. Khi hút thuốc lá điện tử, do lượng nicotin ít hơn thuốc lá truyền thống người hút càng ra sức hút nhiều để cho đủ lượng nicotin.

Ngoài ra, các loại vape còn có hương thơm, những vòng thơm này cực kỳ nguy hiểm vì nó có nguồn gốc benzene, đây là hoá chất gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm cho người dùng.

Trong chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, GS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc lá điện tử vẫn độc như thuốc lá truyền thống. Vì thế nhiều nơi họ vẫn cấm cả thuốc lá điện tử.

Số bệnh nhân bị các bệnh hô hấp mãn tính được khuyến cáo bỏ thuốc lá nhưng vì họ không thể bỏ được và xin chuyển sang hút thuốc lá điện tử, điều này làm cho bệnh càng nặng lên mỗi ngày, khó kiểm soát. Nhất là nicotin gây ra các bệnh về tim mạch. 

Nicotin vào cơ thể làm nội mạc mạch máu tổn thương, nó bám lên thành mạch máu, mạch máu não, gây xơ vữa các mạch máu, làm cho tình trạng co giãn mạch máu giảm, làm mạch máu xơ cứng, không chuyển được máu nữa. Lâu ngày gây nên các bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Một nghiên cứu vào năm 2015 của các nhà khoa học tại ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy dù không có phản ứng cháy nhưng thuốc lá điện tử nói chung và vape nói riêng vẫn tạo ra các gốc tự do như trong thuốc lá truyền thống. Các gốc tự do đi vào cơ thể khi hút thuốc lá điện tử, dù chỉ bằng 1/100 so với thuốc lá truyền thống, vẫn đủ khả năng gây tổn thương phổi và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Theo Khánh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp