Bún, miến, phở có tốt cho sức khỏe hơn bánh chưng? Chuyên gia nói đáp án khiến nhiều người đổi cách chống ngán dịp Tết

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/02/2024 04:43 AM (GMT+7)

Ngày Tết ăn nhiều món giàu đạm như bánh chưng, giò chả,… khiến nhiều người cảm thấy ngán và muốn thay thế bằng miến, bún, phở... Liệu như vậy có tốt?

Khi mới bắt đầu vào Tết, nhiều người thường rất háo hức với những món ăn ngon như bánh chưng, giò chả, thịt đông, canh măng… Thế nhưng, chỉ sau 1-2 ngày, chúng ta có thể cảm thấy ngán và tìm các món ăn khác để đổi bữa. Trong đó, bún, miến, phở... là các lựa chọn đầu tiên vì mùi vị hấp dẫn, có nhiều nước nên tạo cảm giác dễ ăn hơn.

BSCK II Đoàn Thị Anh Đào, trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, thực chất bún, miến, phở cũng thuộc nhóm cung cấp gluxit cho cơ thể giống như cơm tẻ hay cơm nếp. Điều khác biệt là bún, miến, phở khi chế biến thường được kết hợp với nước dùng và một số loại thực phẩm khác, trong khi gạo tẻ thường chỉ nấu thành cơm, gạo nếp thì thổi xôi hoặc làm bánh chưng.

Việc ăn miến thay bánh chưng cho đỡ ngán ngày Tết là không nên, mà chỉ nên ăn đổi bữa. Ảnh minh họa.

Việc ăn miến thay bánh chưng cho đỡ ngán ngày Tết là không nên, mà chỉ nên ăn đổi bữa. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, nếu ngày Tết chỉ ăn bún, miến, phở để thay bánh chưng là không hợp lý, nếu ăn liên tục như vậy cũng không hề tốt cho sức khỏe. Theo bác sĩ Anh Đào, thông thường khi ăn bún, miến, phở mọi người sẽ chan với nước ninh xương, kèm theo các loại thịt như bò, gà, ngan, mọc… Vì thế năng lượng một bát không hề ít và nó vẫn gây tăng cân giống như ăn bánh chưng không kiểm soát.

Ngoài ra, khi ăn một bát bún, miến, phở, đa số mọi người sẽ no ngay lúc đó và rất ít ăn thêm rau hay các món khác. Do vậy, việc ăn các món này thường xuyên sẽ dễ dẫn tới tình trạng mất cân đối thực phẩm, không hề tốt cho sức khỏe.

Một vấn đề nữa bác sĩ Anh Đào cũng cảnh báo, đó là với một số người mắc bệnh lý mãn tính, nhất là đái tháo đường thì đây là chế độ ăn không được khuyến kích. “Nếu so sánh khi ăn một bát cơm, với ăn một bát bún, miến, phở thì lượng đường huyết khi ăn cơm sẽ lên chậm hơn là các món còn lại. Vì thế, việc ăn bún miến phở liên tục trong những ngày Tết không phải là lựa chọn hợp lý”, bác sĩ Anh Đào cho hay.

Các món bún, miến, phở cung cấp nhiều năng lượng nhưng có thể không cân đối về dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

Các món bún, miến, phở cung cấp nhiều năng lượng nhưng có thể không cân đối về dinh dưỡng. Ảnh minh họa. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm) cũng cho rằng, mọi người không nên vì bất kể lý do gì mà chỉ ăn một món cho nhiều bữa liên tục, dù món ăn đó có ngon hoặc yêu thích đến mấy. Không chỉ vậy, các món bún, miến, phở không an toàn và không tốt bằng ăn cơm hay bánh chưng. Thực tế, mọi người có thể ăn cơm ngày này sang tháng khác, còn bún, phở thì ít ai làm vậy được.

Ngoài ra, bún, phở ăn nhiều sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa, vì ngoài không cân đối về dinh dưỡng và thực phẩm thì bản thân bún, phở, miến đã qua chế biến, thậm chí còn sử dụng cả chất bảo quản, hóa chất để làm sáng, bóng, làm mềm hoặc bảo quản sản phẩm được lâu hơn. Do vậy, không nên ăn những món này thường xuyên.

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, việc đổi bữa từ bánh chưng sang bún, phở là hoàn toàn chấp nhận được, nhưng chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc thi thoảng mới sử dụng chứ không thể dùng để thay thế hoàn toàn nguồn tinh bột nạp vào cơ thể. Khi ăn mọi người cần lưu ý:

- Hạn chế ăn nước béo.

- Không nên ăn bún, phở quá trắng, nên chọn loại có màu đục, dễ đứt gãy, chạm vào có cảm giác hơi dính và nhuyễn.

- Bún, phở không phù hợp với những người mắc bệnh đường tiêu hóa.

- Cần cân đối tất cả các loại thực phẩm.

Món giòn rụm hay gọi kèm khi ăn phở không ngờ tiềm ẩn loạt rủi ro, đặc biệt 3 người này đừng ăn dù một miếng
Mỗi khi ăn phở hoặc cháo nhiều người thường kết hợp với một số đồ khác ăn kèm để tăng khẩu vị, tuy nhiên có những số món nếu ăn cùng nhiều sẽ gây hại...

Ăn sáng sao cho khỏe?

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán