Bún ốc là món ăn nhiều người tìm đến sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, liệu bún ốc có mang lại may mắn đầu năm hay đây chỉ là món ăn đổi vị?
Giá trị dinh dưỡng của bún ốc ra sao?
Sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người, nhất là dân văn phòng đi làm trở lại thường tìm đến các quán bún ốc để ăn vào buổi trưa. Thực tế, ngay cả trong kỳ nghỉ Tết, các quán bún ốc đã đông khách và giá thành món ăn này cũng được đẩy lên cao ngất ngưởng.
Theo các chuyên gia, việc người dân tìm đến món bún ốc đầu năm không phải do yếu tố mong nhận được sự may mắn từ món ăn này, mà đơn giản chỉ để đổi vị sau những ngày Tết ăn quá nhiều đồ chiên rán, giàu chất béo, chất đạm.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bún ốc có thành phần gồm bún (224g), thịt ốc nhồi (66g), cà chua (40g), hành lá (10g), mỡ (3g), nước dùng 250ml.
Một bát bún ốc có năng lượng khoảng 330kcal.
Với thành phần như trên, một bát bún ốc cung cấp năng lượng khoảng 330kcal, protein (11,8g), lipit (3,5g), glucid (63g), chất xơ (1.2g), beta-caroten (1.370mg), vitamin C (60mg), canxi (936mg), sắt (0,58mg), natri (1.319mg), kali (12,3mg), kẽm (0.04mg), cholesterol (3mg).
Cũng theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tổng lượng muối trong món ăn này tương đương 3.297,5mg (khoảng 3,3g). Như vậy có thể thấy, món bún ốc về cung cấp năng lượng chỉ bằng 1 bát cơm trắng, bằng 1/8 chiếc bánh chưng, ít hơn nhiều so với các loại bún, phở khác.
Hai điều lưu ý khi ăn bún ốc đầu năm
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, trưởng phòng khám dinh dưỡng VIAM cho biết, nguyên nhân mọi người chọn bún ốc đầu năm thường là do quá ngấy giò chả, bánh chưng, thịt gà… Còn bún ốc nước có vị chua thanh, không cung cấp nhiều năng lượng lại kèm nhiều loại rau nên được nhiều người ưa thích và lựa chọn sau dịp nghỉ Tết.
Ngoài ra, đây cũng là món ăn dễ tiêu, phù hợp khẩu vị với nhiều người nên không chỉ sau đợt nghỉ Tết mà ngày thường món ăn này cũng được không ít người thích dùng.
Vị chuyên gia dinh dưỡng này lưu ý một số điều về món bún ốc:
- Lượng muối có trong một bát bún ốc khá nhiều (3,3g) gần bằng lượng muối dùng trong một ngày theo khuyến cáo (5g). Do vậy nếu dùng hết cả nước và cái, cộng thêm lượng muối bổ sung trong ngày từ nguồn khác thì sẽ bị thừa muối, điều này gây nên hàng loạt vấn đề cho sức khỏe. Do vậy, không nên uống hết bát nước bún ốc, chỉ nên dùng vài thìa để thưởng thức.
- Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc các quán bún ốc đông kín người cũng không nên đến, mà nên đặt online về ăn, để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cần lưu ý để không bị ăn quá nhiều muối trong bát bún ốc.
Không phải cứ ngon miệng là ăn thật nhiều
Ngoài phương diện dinh dưỡng và ẩm thực, thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho biết nếu xét về mặt đông y, bún ốc, ốc còn có giá trị chữa bệnh rất tốt. Theo đó, ốc nhồi trong bún ốc có vị ngọt, tính hàn không độc, tiêu thũng thông tiểu tiện, trừ thấp nhiệt, đau mắt. Dùng chữa trị chứng nội nhiệt, tiểu buốt dắt, phù thũng, vàng da, táo bón, xuất huyết, tâm phiền khó ngủ, hạch kết tràng nhạc và các chứng liên quan đến âm hư thấp nhiệt dùng đều tốt.
Dù bún ốc là món ăn ngon, được ưa thích sau mỗi dịp nghỉ Tết nhưng lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo không nên ăn quá nhiều, ăn liên tục. Theo đó, ốc nhồi có tính hàn, những người tỳ vị hư hàn hay lạnh bụng đi ngoài, phế hàn ho đàm loãng, tay chân thường lạnh nên kiêng, hoặc nếu dùng nên cho nhiều gia vị cay ấm.
Không chỉ có vậy, ốc còn là vật chủ trung gian của nhiều loài giun sán gây bệnh nên chỉ ăn ốc khi đã nấu chín hẳn. Tuyệt đối không dùng tái hay vắt chanh ăn sống. Một số người mới ốm dậy, mới đẻ, người lạnh bụng hoặc đại tiện phân lỏng hoặc phân sống không nên ăn.