Bụng chi chít vết mổ, bác sĩ chỉ việc cần làm ngay để giữ hai quả thận

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 20/05/2022 12:02 PM (GMT+7)

Việc chủ quan không đi khám sớm hoặc có những thói quen xấu khiến cho không ít người phải chịu hậu quả nặng nề, thậm chí có trường hợp phải cắt bỏ thận.

TS.BS.Nguyễn Đình Liên

Trưởng Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Đau đớn khi thi thoảng phải vào viện rạch bụng lấy sỏi một lần

Hiện nay dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ người bị sỏi đường tiết niệu tại Việt Nam, tuy nhiên qua thực tế thăm khám, điều trị, TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E), cho biết có đến 50% số bệnh nhân tại khoa phẫu thuật liên quan đến sỏi đường tiết niệu.

Điều đáng nói có nhiều trường hợp vì đi khám muộn khiến thận bị mủn nát, thậm chí bị mất chức năng phải cắt bỏ. Cụ thể, trong năm 2021 đã có 3 trường hợp phải cắt bỏ một bên thận để bảo tồn bên còn lại. Ngoài ra, số trường hợp bị sỏi với trọng lượng lớn thì nhiều vô kể.

Bác sĩ Liên lấy ví dụ về trường hợp một người đàn ông gần 50 tuổi, nhập viện trong tình trạng cấp cứu do sốt cao, kèm đi tiểu đục và đau tức vùng bụng trái. Bệnh nhân được chẩn đoán ứ mủ thận do sỏi san hô hai bên thận. Đáng nói dù bệnh nhân biết bị sỏi thận từ lâu nhưng không đi điều trị, chính điều này khiến cho thận trái bị giãn mỏng, gây mất chắc năng hoàn toàn và phải cắt bỏ.

Hình ảnh sỏi san hô trong thận bệnh nhân được phẫu thuật lấy ra ngoài cơ thể. Ảnh: Lê Phương.

Hình ảnh sỏi san hô trong thận bệnh nhân được phẫu thuật lấy ra ngoài cơ thể. Ảnh: Lê Phương.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân mới hơn 40 tuổi. Đây là ca bệnh rất ấn tượng đối với bác sĩ Liên khi bụng bệnh nhân chi chít những vết mổ mở nhưng không thể điều trị dứt điểm.

Bệnh nhân cho biết, dù biết bị sỏi thận và đã đi phẫu thuật mổ mở một số nơi, các bác sĩ cũng bới tìm rất kỹ và nhặt hết sỏi thận ra, tuy nhiên cứ sau một thời gian sỏi tiếp tục “mọc lại” và phải mổ.

“Khi khám bụng bệnh nhân đã có chi chít vết mổ, kiểm tra thì đúng là có sỏi thận thật, tuy nhiên chúng tôi đã chọn phương án mổ nội soi tán sỏi qua da cho bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật, chúng tôi lấy sỏi gửi đi phân tích để biết được cấu tạo của sỏi, từ đó có những tư vấn chế độ ăn phù hợp, tránh tái phát trong tương lai”, bác sĩ Liên chia sẻ.

Với nữ bệnh nhân trên, kết quả phân tích cho thấy, nguyên nhân xuất hiện sỏi dù đã mổ nhiều lần là do yếu tố cơ địa, di truyền. Khi xác định được nguyên nhân, các bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân về cách điều trị, tái khám định kỳ và ăn uống khoa học. Đồng thời, bác sĩ khuyên người nhà của bệnh nhân nên đi khám, vì sỏi thận với trường hợp này là do yếu tố di truyền.

Rất nhiều người bị mất chức năng thận, phải cắt bỏ vì chủ quan không đi khám và điều trị sớm. Ảnh: Lê Phương.

Rất nhiều người bị mất chức năng thận, phải cắt bỏ vì chủ quan không đi khám và điều trị sớm. Ảnh: Lê Phương.

Hãy bảo vệ “máy lọc” trong cơ thể từ những điều nhỏ nhất

Bác sĩ Liên cho rằng, sở dĩ hiện nay các bệnh lý liên quan đến thận tiết niệu có xu hướng gia tăng là do người dân đi khám sớm, nhiều trường hợp được phát hiện sớm và điều trị khỏi dứt điểm, không để lại di chứng lâu dài.

Theo bác sĩ Liên, có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa canxi, yếu tố cơ địa, di truyền, liên quan đến vấn đề chuyển hóa, môi trường làm việc nóng bức, lười uống nước, vận động…

Những trường hợp ăn quá nhiều thực phẩm chứa oxalate, canxi cũng là đối tượng có nguy cơ cao hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu. Thực tế, có một số trường hợp bổ sung quá nhiều canxi không theo chỉ định của bác sĩ dẫn tới hình thành sỏi thận. Hay một số vùng thiếu nước sạch, dùng nước cứng (nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) sẽ có nguy có cao hình thành sỏi.

Hãi hùng những viên sỏi to như quả trứng ngỗng được lấy ra từ bàng quang người bệnh. Ảnh: Lê Phương.

Hãi hùng những viên sỏi to như quả trứng ngỗng được lấy ra từ bàng quang người bệnh. Ảnh: Lê Phương.

“Về nguyên lý, quả thận như một nhà máy lọc nước trong cơ thể, nếu nhà máy nước này chứa quá nhiều cặn bã, không thể lọc và đào thải ra ngoài thì sẽ gây ra tình trạng lắng đọng, dần dần tạo thành sỏi”, bác sĩ Liên phân tích.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Liên khuyến cáo để bảo vệ tốt hai quả thận thì trước hết phải thay đổi lối sống hàng ngày bằng cách tránh thức ăn độc hại cho thận như: thức ăn có tồn dư chất hóa học, chứa các chất bảo quản không được cho phép, tránh ăn quá nhiều thịt, nên uống nhiều nước và giảm ăn mặn.

Ngoài ra, cần hạn chế các yếu tố nguy cơ khác bằng cách tạo môi trường làm việc thoáng mát, chịu khó vận động, người có yếu tố di truyền như trong nhà có bố mẹ, anh chị… từng bị sỏi tiết niệu thì nên đi khám định kỳ.

“Thông thường sỏi thận sẽ có triệu chứng điển hình là đau vùng hông lưng. Trường hợp khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây ra cơn đau quặn thận: đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông. Trường hợp khi sỏi xuống niệu quản sẽ dẫn tới đi tiểu lắt nhắt rất khó chịu. Khi thấy các dấu hiệu trên thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Thận - Tiết niệu để thăm khám”, bác sĩ Liên khuyên.

Đi tiểu buổi sáng có biểu hiện này cẩn thận điềm báo của bệnh thận, nhiều người không quan tâm
Việc làm đầu tiên của nhiều người khi thức dậy mỗi sáng là đi tiểu. Nếu lúc này phát hiện ra trong nước tiểu có nhiều bọt và lâu tan, bạn nên cẩn thận...

Sống khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS.Nguyễn Đình Liên